Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tổ công tác 970 Bộ Nông nghiệp: thủy sản, trái cây và sản phẩm chăn nuôi đang dư thừa

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tổ công tác 970 Bộ Nông nghiệp: thủy sản, trái cây và sản phẩm chăn nuôi đang dư thừa

Trung Chánh

(KTSG Online) – Sản lượng nông sản, thực phẩm được các đầu mối đăng ký qua Tổ công tác 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang có dấu hiệu dư thừa, nhất là với sản phẩm trái cây, chăn nuôi và thuỷ sản.

Tổ công tác 970 Bộ Nông nghiệp: thủy sản, trái cây và sản phẩm chăn nuôi đang dư thừa
Nông, thuỷ sản đăng ký qua Tổ công tác 970 có dấu hiệu dư thừa. Ảnh: Trung Chánh

Ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại buổi họp báo trực tuyến về kết nối cung, cầu nông sản của Tổ công tác 970 (Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố phía Nam trong điều kiện dịch Covid-19) diễn ra vào hôm nay, 26-7, cho biết, tính đến ngày 25-7, đã có 388 đầu mối cung cấp nông sản và thực phẩm đăng kí với Tổ công tác 970. Trong đó, rau củ có 85 đầu mối, trái cây 102, thủy hải sản 157, lương thực 24 và các mặt hàng khác 20 đầu mối.

Tổ công tác 970 cho biết, sản lượng hàng hóa có thể cung cấp đến ngày 31-7-2021 của 388 đầu mối đăng ký qua đơn vị này là dồi dào và đang có dấu hiệu dư thừa ở nhóm hàng trái cây, sản phẩm chăn nuôi và thủy sản.

Theo đó, nhóm rau củ tăng đột biến ở sản lượng khoai lang tím và khóm; dưa leo có dấu hiệu cung vượt cầu; nhóm trái cây có sản lượng đăng kí tăng cao nhất là nhãn với lượng cung từ các đầu mối trên 700 tấn/ngày. “Nhãn và chuối đang có dấu hiệu khó khăn trong tiêu thụ do ảnh hưởng của dịch Covid-19 vì các doanh nghiệp thu mua không thể tiếp cận hết các địa bàn”, tổ công tác 970 cho biết.

Trong khi đó, thủy sản ghi nhận sản lượng tăng nhanh của tôm, cua, cá nước mặn. Còn số đầu mối sản phẩm chăn nuôi cung cấp ít, nhưng có dấu hiệu dư thừa của thịt gà lông trắng, chim bồ câu ở khu vực các tỉnh miền Đông Nam bộ.

Tổ công tác 970 đưa ra dự báo những ngày sắp tới, các mặt hàng dưa leo, nhãn xuồng và nhãn ido, khóm, chanh, chuối, khoai lang, gà lông trắng, cua và tôm nước lợ cung sẽ vượt cầu.

Tỷ lệ số lượng các đầu mối cung cấp hàng nông, thuỷ sản các tỉnh vùng dịch phía Nam. Nguồn: Tổ công tác 970

Trong khi đó, ở khía cạnh tiêu thụ, ông Tùng cho biết, Tổ công tác 970 đã trực tiếp tìm nguồn hàng và kết nối thành công cho 16 hệ thống siêu thị, bếp ăn công nghiệp và doanh nghiệp thu mua. Số đơn hàng giao dịch thành công được ghi nhận ban đầu là 24.

Tuy nhiên, khi được hỏi về số lượng cụ thể, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, do trong bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên chưa có con số thống kê cụ thể. "Nhưng cách đây ít ngày, có một hợp tác xã bán một ngày trên 200 tấn rau", ông Nam dẫn chứng và nói rằng, vấn đề tổ công tác đã thực hiện được, đó là đã kết nối được bên cung ứng và tiêu thụ.

Còn về tình hình chăn nuôi, báo cáo của Tổ công tác 970 cho biết, tình hình chăn nuôi của các địa phương tương đối ổn định với nguồn cung lớn.

Theo đó, các vựa cung cấp heo thịt ở tỉnh Đồng Nai mỗi ngày xuất ra thị trường gần 10.000 con, trong đó, tiêu thụ nội tỉnh chỉ trên 1.300 con và còn lại xuất ra thị trường các tỉnh và TPHCM; lượng gà thịt của Đồng Nai xuất ra thị trường mỗi ngày cũng khoảng 100.000 con, trong đó, tiêu thụ nội tỉnh chỉ 5% và 95% cung cấp cho TPHCM và các tỉnh.

Tổ công tác 970 dẫn báo cáo từ các doanh nghiệp cho biết, đến ngày 25-7, lượng thịt gia súc, gia cầm cung cấp cho TPHCM tương đối ổn định, tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ có giảm so với trước thời gian thực hiện giạn cách xã hội.

Tổng sản lượng thủy sản cả năm của 19 địa phương thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16 của Chính phủ ở Nam bộ đạt khoảng 5,09 triệu tấn. Trong đó, ước 6 tháng cuối năm, sản lượng thủy sản 19 địa phương này đạt 2,9 triệu tấn, trung bình mỗi tháng sản xuất được khoảng 483.000 tấn.

Trong bối cảnh bị tác động của dịch Covid-19, nhu cầu tiêu dùng thủy sản giảm (vì chủ yếu dùng cho nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể…) nên sản phẩm thủy sản đáp ứng đủ tiêu dùng và xuất khẩu. Các hoạt động vận chuyển tôm giống, thức ăn thủy sản tại các tỉnh Nam bộ cơ bản đã thông suốt…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới