Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tổ kiểm tra hàng dệt may xuất khẩu vào Mỹ sẽ là hình thức

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tổ kiểm tra hàng dệt may xuất khẩu vào Mỹ sẽ là hình thức

Xuất khẩu hàng dệt may qua Mỹ có thể bị điều tra chống bán phá giá đang làm Bộ Công Thương loay hoay tìm cách tự giám sát, quản lý – Ảnh: HỒNG VĂN

(SGTO) – Các doanh nghiệp xuất khẩu hàng dệt may nhận định rằng việc thành lập tổ kiểm tra cơ động hàng dệt may xuất khẩu vào thị trường Mỹ như đề án mà Bộ Công Thương đang lấy ý kiến sẽ chỉ là hình thức.

Theo đề án, mục tiêu của tổ là để bảo vệ uy tín hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ và các thị trường khác, phát hiện và ngăn ngừa các hành vi gian lận trong xuất khẩu hàng dệt may như chuyển tải bất hợp pháp, vi phạm về xuất xứ hàng hóa, chuyển khẩu, quá cảnh hàng dệt may và kê khai đơn giá quá thấp so với đơn giá trung bình.

Ông Phạm Thế Dũng, Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, cho biết tuy Mỹ dỡ bỏ hạn ngạch xuất khẩu hàng dệt may sau khi Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nhưng kể từ lúc đó, Mỹ cũng đơn phương áp đặt cơ chế giám sát đối với 5 nhóm gồm 14 mã hàng (cat) dệt may của Việt Nam.

Cứ mỗi 6 tháng một lần, Chính phủ Mỹ sẽ rà soát số liệu xuất khẩu dệt may của Việt Nam và trong trường hợp xấu nhất, Mỹ có thể tự khởi động cuộc điều tra chống bán phá giá đối với một hoặc nhiều mặt hàng dệt may Việt Nam.

Để ứng phó, trước đây Liên bộ Thương mại – Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) đã áp dụng cơ chế cấp phép xuất khẩu dệt may vào Mỹ để giám sát số lượng và giá trung bình của từng đơn hàng nhưng sau đó phải bãi bỏ vào tháng 6 do các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may than phiền quá nhiều.“Cấp giấy phép là cơ chế tiền kiểm, không hiệu quả; nay việc thành lập tổ kiểm tra cơ động là cách để hậu kiểm việc xuất khẩu hàng dệt may, ứng phó với tình trạng gian lận thương mại hay khai báo giá quá thấp”, ông Dũng nói.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đình Trường, Tổng giám đốc Công ty May Việt Tiến, cho rằng việc thành lập tổ kiểm tra cơ động, mà trong đó có cả đại diện của Hiệp hội dệt  may, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Cục quản lý thị trường với sự điều phối của Bộ Công Thương vẫn mang tính hình thức.“Hình thức ở chỗ, ngoại trừ các trường hợp gian lận thương mại, vi phạm luật pháp thì cơ quan chức năng ra tay, nhưng làm sao tính toán được việc doanh nghiệp bán giá thấp khi xuất khẩu vào Mỹ?”, ông nói.

Theo ông Trường, ngay trong từng bản thân doanh nghiệp, cùng một mặt hàng nhưng đơn hàng có số lượng lớn thì giá phải thấp hơn chút đỉnh so với đơn hàng có số lượng nhỏ, hay năm nay có thể thấp hơn giá trung bình năm trước vì những lý do khách quan của doanh nghiệp. So với các doanh nghiệp khác nhau thì càng khó có thể so sánh vì mỗi doanh nghiệp có chi phí sản xuất, tiếp thị khác nhau.

Một lãnh đạo của Tổng công ty Dệt may Việt Nam không muốn nêu tên, cũng đồng ý với quan điểm của ông Trường. Ông này cho rằng mấu chốt của vấn đề là tổ kiểm tra phải xác định doanh nghiệp nào “có đơn giá trung bình thấp hoặc giảm đột ngột” để xem thử có bán giá quá thấp, ảnh hưởng xấu tới cả ngành công nghiệp dệt may Việt Nam.“Điều này rất khó khi cả nước có cả ngàn doanh nghiệp dệt may tham gia xuất khẩu.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu ổn định thì không nói làm gì, có những doanh nghiệp nhỏ, lâu lâu mới có một đơn hàng thì rất khó xác định giá cao hay thấp của doanh nghiệp đó, còn so sánh với đơn giá của doanh nghiệp khác thì chưa chắc gì doanh nghiệp đồng tình”, ông này cho hay.

Trong 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu dệt may của Việt Nam đạt 5,8 tỉ đô la Mỹ, tăng 31,7% so với cùng kỳ năm trước và trở thành mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất cả nước trong cùng thời gian. Mỹ vẫn là thị trường chiếm 58% kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may.

Chính ông Phạm Thế Dũng thừa nhận số liệu giám sát của phía Mỹ trong thời gian qua không đủ cơ sở để phía Mỹ khởi động điều tra chống bán phá giá, hay nói cách khác là không có dấu hiệu suy giảm đột biến đơn giá xuất khẩu bình quân của cả 14 cat bị Mỹ giám sát.

HỒNG VĂN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới