Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tòa án có quyền điều chỉnh hợp đồng dân sự khi hoàn cảnh thay đổi?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tòa án có quyền điều chỉnh hợp đồng dân sự khi hoàn cảnh thay đổi?

Quang Chung

Tòa án có quyền điều chỉnh hợp đồng dân sự khi hoàn cảnh thay đổi?
Một buổi lấy ý kiến về dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) của Bộ Tư pháp. Ảnh: website của Bộ Tư pháp

(TBKTSG Online) – Hợp đồng dân sự có thể bị tòa án thay đổi hoặc hủy bỏ khi hoàn cảnh thay đổi (mà các bên không đạt được thoả thuận trong một khoảng thời gian hợp lý) là quy định mới gây tranh cãi trong dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi).

Theo ông Dương Đăng Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự, kinh tế, Bộ Tư pháp, về giao kết hợp đồng dân sự, dự luật lần này có quy định mới là cho phép “điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi”. Cụ thể, theo điều 443, “trường hợp hoàn cảnh thay đổi dẫn đến quyền, lợi ích của một trong các bên bị ảnh hưởng nghiêm trọng thì cho phép các bên điều chỉnh hợp đồng,” ông Huệ nói tại một hội thảo cuối tuần qua do Bộ Tư pháp tổ chức.

Nhưng nếu “các bên không đạt được thỏa thuận trong một khoảng thời gian hợp lý thì toà án có thể: (a) Chấm dứt hợp đồng vào ngày và theo những điều khoản do toà án quyết định; (b) Điều chỉnh hợp đồng để phân chia cho các bên các thiệt hại và lợi ích phát sinh từ việc thay đổi hoàn cảnh một cách công bằng và bình đẳng.”

Và, “tuỳ theo từng trường hợp, toà án có thể buộc bên từ chối đàm phán hoặc phá vỡ đàm phán một cách không thiện chí, trung thực phải bồi thường thiệt hại”.

Tại hội nghị lấy ý kiến góp ý cho dự luật này hôm 30-1-2015, bà Nguyễn Thị Hằng, Trưởng Khoa Luật Đại học Ngoại thương, ủng hộ quy định nói trên của dự thảo. Bà nói: “Thực tế có rất nhiều trường hợp muốn thay đổi hợp đồng nhưng lại không thể… Cho nên việc cho phép một bên gặp khó khăn có quyền yêu cầu thiết lập lại, sửa đổi hay hủy bỏ sẽ thuận lợi hơn cho người dân.”

GS. TS Lê Hồng Hạnh, Viện trưởng Viện khoa học pháp lý, nói: “Nên có quy định này”. Nhưng ông lưu ý: “Phải dựa trên nguyên lý cơ bản là tôn trọng ý chí của các bên,” đồng thời “phải có những quy định cụ thể hoàn cảnh như thế nào thì được thay đổi.”

Nhiều ý kiến cũng đồng tình việc cho phép tòa án điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi nhưng cũng có không ít ý kiến cho rằng dự luật quy định như thế là không phù hợp với bản chất của hợp đồng dân sự, đó là sự tự do ý chí, tự do thỏa thuận; các cơ quan nhà nước, trong đó có tòa án không được và không nên can thiệp vào sự tự do của các bên khi tham gia các giao dịch dân sự nói chung và hợp đồng nói riêng.

Cũng liên quan đến vấn đề hợp đồng, nhiều ý kiến tại hội nghị cho rằng, không nên quy định hợp đồng có hiệu lực từ thời điểm đăng ký vì khi các bên giao kết hợp đồng thì đã thể hiện ý chí của họ rồi. Ví dụ, tôi cho anh cái xe máy kèm theo cả giấy tờ sở hữu thì cho xong tôi không thể đòi lại chỉ vì lý do anh chưa đăng ký. Do đó, nếu quy định hợp đồng có hiệu lực từ thời điểm đăng ký quyền sở hữu dễ dẫn đến tình trạng bội ước vì thời điểm từ khi ký kết hợp đồng đến khi đăng ký có thể kéo dài cả năm.

Đọc thêm:

Bỏ một số nguyên tắc trong Bộ luật Dân sự

Hợp đồng dân sự vi phạm về hình thức vẫn có hiệu lực

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới