Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tòa án tối cao Mỹ bác đơn kiện yêu cầu cấp bằng sáng chế cho cỗ máy AI

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Tòa án tối cao Mỹ từ chối thụ lý đơn kháng cáo của nhà khoa học máy tính Stephen Thaler sau khi các tòa cấp dưới đã bác bỏ lập luận của ông trong một vụ kiện yêu cầu Cục Sáng chế và thương hiệu Mỹ (USPTO) cấp bằng sáng chế cho hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) của nhà khoa học này.

Tiến sĩ Stephen Thaler, chủ sở hữu hệ thống AI Dabus, cho rằng Dabus cần phải được cấp bằng sáng chế đới với hai phát minh là hộp đựng thực thẩm có thể thay đổi hình dạng và một đèn báo khẩn cấp, nhấp nháy ánh sáng theo cách mới có thể thu hút sự chú ý. Ảnh: St Louis Post-Dispatch

Hôm 24-4, các thẩm phán tối cao Mỹ bác bỏ kháng cáo của tiến sĩ Stephen Thaler đối với phán quyết của tòa phúc thẩm khẳng định bằng sáng chế chỉ có thể cấp cho nhà phát minh con người. Vì vậy, hệ thống AI của ông không được xem là nhà phát minh hợp pháp.

Năm 1996, Thaler thành lập Công ty mạng thần kinh nhân tạo cao cấp Imagination Engines, có trụ sở đặt ở Saint Charles, bang Missouri. Năm 2008, nhà khoa học máy tính này được cấp bằng sáng chế đối với một hệ thống AI có tên gọi Dabus.

Tháng 7-2019, Thaler và dự án nhà sáng chế nhân tạo, một nhóm luật sư quốc tế tìm cách thúc đẩy ý tưởng cấp bằng sáng chế cho AI đã nộp đơn đề nghị USPTO cấp bằng sáng chế cho Dabus đối với hai sản phẩm là hộp đựng thực thẩm có thể thay đổi hình dạng và một đèn báo khẩn cấp, nhấp nháy ánh sáng theo cách mới có thể thu hút sự chú ý.

Trong quyết định hồi tháng 4-2020, USPTO kết luận, các hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) không thể được xem nhà phát minh theo Luật về bằng sáng chế của Mỹ, vốn định nghĩa nhà phát minh phải là một thể nhân (natural human). Vì vậy, Dabus không được cấp bằng sáng chế.

Phán quyết này cũng tương tự các phán quyết trước đó của Văn phòng bằng sáng chế châu Âu và Văn phòng sở hữu trí tuệ Vương quốc Anh khi xem xét đơn đề nghị cấp bằng sáng chế cho Dabus.

Thaler đã kiện USPTO ra một tòa án ở bang Virginia nhưng thua kiện vì thẩm phán cho rằng Dabus không phải là con người. Tuy nhiên, trong phán quyết, tòa cũng lưu ý: “Công nghệ ngày càng phát triển và có thể sẽ đến lúc AI đạt đến mức độ tinh vi đến mức có thể đáp ứng định nghĩa có thể chấp nhận được về quyền phát minh. Tuy nhiên, thời điểm đó vẫn chưa đến và nếu đến, quốc hội Mỹ sẽ quyết định xem có nên mở rộng phạm vi của Luật về bằng sáng chế hay không”.

Tháng 8 năm ngoái, khi xem xét đơn kháng cáo của Thaler, một tòa án phúc thẩm liên bang cũng đồng tình với phán quyết của tòa án ở Virginia và nhấn mạnh Luật về bằng sáng chế của Mỹ đã khẳng định rõ nhà phát minh phải là con người.

Trong đơn kháng cáo gửi cho Tòa án tối cao Mỹ, tiến sĩ Thaler cho rằng, AI đang được sử dụng để đổi mới trong các lĩnh vực từ y học đến năng lượng. Vì vậy, việc USPTO từ chối cấp bằng sáng chế cho các sản phẩm do AI tạo sẽ “làm hạn chế năng lực của hệ thống bằng sáng chế của chúng ta và cản trở mong muốn của quốc hội Mỹ nhằm kích thích tối ưu sự đổi mới và tiến bộ công nghệ”.

Những người ủng hộ Thaler trong vụ kiện tại tòa án tối cao, gồm giáo sư Lawrence Lessig của Trường luật Harvard và nhiều học giả khác cho rằng, phán quyết của tòa phúc thẩm liên bang “gây rủi ro cho hàng tỉ đô la đầu tư hiện tại và trong tương lai, đe dọa khả năng cạnh tranh của Mỹ”.

Tiến sĩ Thaler cũng đã nộp đơn xin cấp bằng sáng chế cho Dabus ở các quốc gia khác, bao gồm Anh, Nam Phi, Úc và Saudi Arabia nhưng phần lớn không thành công. Năm 2021, Ủy ban sở hữu trí tuệ và doanh nghiệpNam Phi (CIPC) đã chấp nhận cấp bằng sáng chế cho Dabus. Đây là bằng sáng chế đầu tiên được cấp cho một nhà phát minh AI.  Tại Anh, tòa án tối cao đang xem xét đơn kháng cáo của Thayler nhưng chưa đưa ra phán quyết cuối cùng.

Chuyên gia luật về bằng sáng chế Mark Marfé nhận định, phán quyết của tòa án tối cao Anh sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với các doanh nghiệp trên toàn cầu trong bối cảnh thị trường chứng kiến những đổi mới quan trọng liên quan đến AI.

“Rốt cục, để một cỗ máy được coi là nhà phát minh, luật về bằng sáng chế cần phải được sửa đổi. Nếu luật về vấn đề này không đạt sự đồng thuận trên bình diện quốc tế thì sẽ tác động tiêu cực đến các công ty có chiến lược bằng sáng chế toàn cầu”, Marfé nói.

Theo Marfé, dù thay đổi lập pháp dự kiến diễn ra chậm nhưng tiến trình của vụ kiện trước tòa án tối cao Anh có thể thúc đẩy các cuộc đối thoại quốc tế sớm hơn. Khi các công nghệ AI tạo sinh như như DALL-E, ChatGPT của OpenAI và BioGPT, (công cụ AI dành cho ngành khoa học đời sống) của Microsoft phát triển hơn nữa thì những câu hỏi về vấn đề cấp bằng sáng chế cho AI lại càng trở nên quan trọng.

Giles Parsons, đối tác tại hãng luật Browne Jacobson, chỉ ra rằng luật về bằng sáng chế hiện tại không được trang bị phù hợp để ứng phó với thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

“Chúng ta cần một chế độ mới (về bằng sáng chế) cho một thời đại mới”, ông nói và cho biết, một số luật sư cho rằng AI vẫn chưa ở giai đoạn có thể vượt qua trí thông minh của con người.

Noam Shemtov, giáo sư về luật công nghệ và sở hữu trí tuệ tại Đại học Queen Mary ở London, lưu ý hầu hết các chuyên gia về AI đều cho rằng ngưỡng này sẽ chỉ đạt được vào năm 2075. Vì vậy, luật về bằng sáng chế hiện nay không cần phải thay đổi.

“Luật về bằng sáng chế hiện nay không cần phải thay đổi để đáp ứng sự phát triển AI đang mang nặng tính đầu cơ”, ông nói.

Theo Reuters, Patentable, Finacial Times

1 BÌNH LUẬN

  1. Không cần và không nên thay đổi. Đến nay con người vẫn còn là chủ nhân của hệ thống AI. Trừ khi, đến một lúc nào đó, con người chủ động từ bỏ quyền của mình, hoặc bị hệ thống AI khống chế và tước đoạt quyền này, như lời cảnh báo của nhà bác học Stephen Hawking.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới