Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tọa đàm “Cây trồng biến đổi gen: Lợi và hại”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tọa đàm “Cây trồng biến đổi gen: Lợi và hại”

Hồng Văn

Tiến sĩ Trang Quan Sen- Ảnh: Hồng Văn

(TBKTSG Online) – Trang Quan Sen, tiến sĩ di truyền học của Đức mở đầu buổi tọa đàm “Cây trồng biến đổi gen: Lợi và hại” cho rằng cây trồng là đề tài gây nhiều tranh cãi trong những năm qua, không những giữa các tập đoàn sản xuất giống và các tổ chức môi trường mà còn giữa các nhà khoa học. Ngoài ra, quan điểm của từng chính phủ cũng khác nhau. Bắc Mỹ, Nam Mỹ thì cho thương mại hóa; châu Âu, ngoại trừ Tây Ban Nha, còn lại phần lớn không cho trồng hoặc trồng trong quy mô hẹp.

>>Nông sản biến đổi gen có an toàn?

>>Tọa đàm “Cây trồng biến đổi gen: Lợi và hại”

Theo định luật di truyền của Mendel trong thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, vấn đề di truyền được đặt trở lại với thuật ngữ giống lai. Năm 1944, khoa học xác định ADN là vật chất di truyền, từ đó, khoa học xác định được mô hình, mã di truyền. Năm 1970, thế giới khám phá ra “dụng cụ” là Enxym để cắt, ghép, từ đó tạo ra được cây trồng biến đổi gen. Hay nói cách khác, biến đổi gen là cắt ghép các đoạn ADN ghép vào các loại cây trồng, vật nuôi để tạo tính năng.

Dùng 1 gen khác ghép vào (gen mục tiêu, gen chuyển) cây trồng, vượt ra ranh giới cùng loài, mà khác loại. Gen chuyển không chỉ gen mục tiêu, mà cả hệ thống đi theo.

“Từ khi biết trồng trọt tới nay, con người có giống cây trồng truyền thống, giống lai (cổ điển), và hiện nay là giống chuyển gen. Năm 2000 có 45 triệu héc ta cây trồng biến đổi gen, năm 2004 là 81 triệu héc ta (tăng gần gấp đôi trong 4 năm) và đến năm 2009 tăng lên 134 triệu héc ta”, ông Sen nói.

Thế giới hiện có 1,4 tỉ héc ta đất trồng trọt, cây biến đổi gen chiếm 10% diện tích cũng chứng tỏ giống cây trồng biến đổi gen đang tăng mạnh và chiếm một tỷ trọng đáng kể.

Hiện đậu nành Ht chiếm 60% cây trồng, bắp Bt 23%, bông vải 11%. Hầu như chỉ 3 cây trồng chính này, ngoài ra có khoai tây, lúa… chiếm 1 diện tích nhỏ.

Năm 2009, Mỹ chiếm 46% diện tích trồng cây biến đổi gen. Brazil, Argentina, Canada trên 80%, châu Á chủ yếu là Trung Quốc và Ấn Độ. Châu Âu trồng không đáng kể.

Hai gen quan trọng là gen Ht (chống thuốc diệt cỏ), để người nông dân xịt thuốc diệt cỏ thì cỏ chết mà cây không chết, và Monsanto đã thành công khi chuyển gen vào đậu nành, thành đậu nành Ht. Gen thứ hai là bắp Bt (vi khuẩn), vi khuẩn này tiết ra độc tố để kháng sâu hại. Chuyển gen này vào cây bắp, hạn chế được sâu hại, diệt ấu trùng.

Theo ghi nhận của ông Sen, 90% cây trồng biến đổi gen là của Mosanto, 10% là của Syngenta (Thụy Sĩ), Bayer của Đức, DuPont của Mỹ. Tạo ra 1 giống biến đổi gen tiêu tốn cả 100 triệu đô la Mỹ.

Lợi hay hại?

Lý do ủng hộ: ít bị sâu bệnh nên giúp giảm được lượng thuốc trừ sâu sử dụng, tăng năng suất, tăng thu nhập cho người trồng. 70% sản lượng chế biến thành thực phẩm, hơn 300 triệu người trên thế giới tiêu dùng. Đã lưu hành và sử dụng gần 10 năm nay và được chứng minh không gây nguy hại cho sức khỏe cho con người.

Môi trường: trồng giống biến đổi trộn lẫn vào giống địa phương không biến đổi gen, nếu cùng loài thì không khó.

Côn trùng kháng thuốc: cây có hen Bt chống côn trùng thường chỉ trong vài năm đầu (được ghi nhận ở Mỹ). Cây có gen Ht thì cỏ dại sinh ra kháng thuốc, lượng thuốc phun xịt cao hơn (được ghi nhận ở Brazil).

Tuy nhiên, khi trồng loại cây biến đổi gen thì chi phí về hạt giống tăng 50 đô la/công đất. Nông dân không tự lai tạo được giống. Luật bản quyền tạo điều kiện pháp lý thuận lợi cho nhà sản xuất giống, dù nông dân không muốn trồng giống biến đổi gen.

Ông Sen cho biết sau 10 năm nghiên cứu, Đức cấm trồng cây biến đổi gen vào tháng 4-2009. Monsanto đã kiện Bộ Nông nghiệp Đức ra EC. “Lợi là có nhưng chỉ trong thời gian ngắn; hại về lâu về dài, không chỉ về kinh tế mà còn nguy hại cho môi trường. Không bỏ qua tiến bộ khoa hoc nhưng cũng không nhắm mắt trước những rủi ro về môi trường, con người, nhất là sự lệ thuộc vào các tập đoàn lớn”, ông Sen đưa ra lời khuyên.

Hành lang sinh học

Ông Phạm Văn Hưng, Việt kiều Đức đưa ra câu hỏi “Việt Nam đã có hành lang pháp lý cho cây trồng biến đổi gen chưa? Những cái hại đã bàn kỹ chưa? Có phải mất cân bằng sinh thái nên châu Âu không ưa chuộng thực phẩm biến đổi gen, rồi tạo độc quyền trong cung cấp giống hay không?”.

Tiến sĩ Lê Thị Kính, Khoa công nghệ sinh học, Đại học Mở-Bán công, cùng tham gia tọa đàm với tiến sĩ Sen cho biết Việt Nam có nhiều xu hướng ủng hộ việc cho phép trồng, kinh doanh thương mại và sản xuất trên diện rộng thực phẩm biến đổi gen. Hàng xóm của chúng ta là Philippines, Trung Quốc đã cho phép trồng nhiều cây biến đổi gen. Vậy chúng ta nhìn nó sao cho khách quan, với sự đánh giá đúng mức.

Là người thực hiện các quy định của nhà nước về an toàn sinh học, tiến sĩ Dương Hoa Xô, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Sinh học TPHCM, ủy viên Hội đồng an toàn sinh học của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết hành lang pháp lý của Việt Nam đã có. Năm 2006, chương trình công nghệ sinh học của Chính phủ có quy định cụ thể về vấn đề này; cũng đã có nghị định của Chính phủ (tháng 6-2010) về an toàn sinh học và nhiều văn bản pháp lý khác tạo hành lang cho khảo nghiệm và trồng cây trồng biến đổi gen. “Các văn bản nói trên cũng “tạm ổn” cho khảo nghiệm cây biến đổi gen tại Việt Nam”, theo tiến sĩ Xô.

Hiện có ba công ty là Syngenta, Bayer và Monsanto được phép khảo nghiệm tại Việt Nam, đã khảo nghiệm được 2 vụ tại 2 vùng ở phía Bắc và phía Nam. Một đại biểu tham dự hội nghị lo ngại sự vận động hành lang của các tập đoàn đa quốc gia về công nghệ sinh học. Cũng có ý kiến lo ngại, diện tích đất nông nghiệp của Việt Nam manh mún, làm sao có thể kiểm soát được sự phát tán diện tích trồng cây biến đổi gen. Đó là chưa kể, người tiêu dùng khó lòng phân biệt đâu là bắp hay đậu nành biến đổi gen hay không biến đổi gen? Ông Sen nói Đức và châu Âu cũng bị áp lực rất lớn từ vận động của Monsanto và đã khựng lại. Tất nhiên, họ sẽ mang đến những quốc gia đang phát triển như Việt Nam, các nước Đông Nam Á.

Ông Phạm Đức Tuấn, phụ trách công nghệ sinh học của Syngenta Việt Nam, cho rằng dùng giống biến đổi gen sẽ tiến tới sự lệ thuộc vào các tập đoàn nước ngoài, bởi giống cổ điển cũng đã làm người nông dân lệ thuộc chứ không cần biến đổi gen. Ông cũng cho rằng hiện có nhiều nước châu Âu đã cho phép trồng cây biến đổi gen chứ không chỉ thuần túy cho sử dụng thực phẩm như trước.

Theo ông Tuấn, Việt Nam có 1 triệu héc ta bắp nhưng hàng năm vẫn phải nhập khẩu bắp cho chế biến thức ăn gia súc. Trong khi Philippines trồng bắp biến đổi gen của Monsanto giúp tăng năng suất, phát triển bền vững. Việc khảo nghiệm giống bắp biến đổi gen của Syngenta có nhiều kết quả “đầy bất ngờ”.

Tọa đàm sôi nổi khi có nhà khoa học, nhà quản lý và chính doanh nghiệp đang khảo nghiệm giống biến đổi gen tại Việt Nam cùng trao đổi, chia sẻ những lo ngại xung quanh vấn đề trồng giống biến đổi gen tại Việt Nam.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới