Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tỏa sáng từ lãng quên

Nguyễn An Nam

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) Tuần qua, thông tin về giải Nobel Văn học 2021 khiến độc giả và văn giới trên toàn cầu ngỡ ngàng. Giới cá cược trên trang của nhà cái Ladbrokes còn choáng váng hơn vì những tên tuổi lớn của văn đàn thế giới như Haruki Murakami, Milan Kundera, Margaret Atwood, Annie Ernaux một lần nữa, vẫn không lọt vào mắt xanh của Ủy ban Nobel.

Tác giả Abdulrazak Gurnah, chủ nhân giải Nobel văn học 2021. Ảnh: TL

Những chuyên gia trong Ủy ban Nobel đã không chọn một cái tên được nhiều người biết. Điều này chắc chắn gây bất ngờ và tranh cãi. Nhưng Nobel văn học mà, ngay cả khi trao cho người được cả thế giới biết đến như Bob Dylan vào năm 2016, ban tổ chức giải này cũng bỏ ngoài tai mọi chỉ trích và kiên định với hệ thống giá trị riêng.

Nếu tìm hiểu trên các trang Amazon, Goodreads… sẽ thấy tác phẩm của nhà văn đoạt giải Nobel văn học 2021 Abdulrazak Gurnah có số lượt đánh giá khá thấp, và chỉ số “rating”(đo lường sự yêu thích của người đọc bằng cách chấm sao ứng với điểm hệ số 5) cũng chỉ 3-4/5 sao. Điều này cũng cho thấy nhà văn châu Phi đang sống ẩn dật tại Anh quốc không thuộc trong số những nhà văn được độc giả toàn cầu sôi sục ái mộ, nếu không muốn nói ngược lại: hững hờ.

Viết ra 10 cuốn tiểu thuyết xoay quanh chủ đề đời sống di dân của người gốc Phi mà theo đánh giá của Ủy ban Nobel là “Vì sự thâm nhập quyết liệt và lòng trắc ẩn của ông đối với những tác động của chủ nghĩa thực dân và số phận của những người tị nạn trong hố sâu ngăn cách giữa các nền văn hóa và lục địa”, Abdulrazak Gurnah cũng chưa có duyên với các giải thưởng lớn. Các cuốn tiểu thuyết Paradise (1994), Desertion (2005) hay By the Sea (2001) của ông cũng chỉ đi đến vòng shortlist (danh sách những tác phẩm được đánh giá tốt nhất trước khi trao giải) và chưa bao giờ được tôn vinh tại giải Booker hay Los Angeles Times Book.

Nhưng học giới thì không chỉ xem ông là nhà văn, mà còn là một giáo sư danh dự của Đại học Kent trong bộ môn Anh ngữ và chuyên ngành hậu thuộc địa; một tác giả tiểu luận về các vấn đề di dân, văn hóa di dân. Nhiều đánh giá của giới chuyên gia cho rằng tác phẩm của ông không chỉ được viết từ trải nghiệm bản thân của một người từng trôi dạt trong dòng chảy di dân Đông Phi vào Anh quốc thập niên 1960, mà còn được viết từ những khảo cứu, khảo sát bề sâu của những thân phận thiếu quê hương, mắc kẹt giữa các nền văn hóa và bản sắc cộng đồng.

Với độc giả trong một bối cảnh văn hóa đại chúng, xem văn chương là những sản phẩm được đóng gói và sản phẩm ấy tiêu thụ được hay không thì còn tùy thuộc vào các hiệu ứng như truyền thông, giải thưởng, bình chọn trên các trang bán sách…, thì tác phẩm của Abdulrazak Gurnah còn lâu mới được ưu tiên đặt mua. Điều này cũng dẫn tới việc một số cuốn sách về sau của ông không được in phiên bản giấy, bởi tính thị trường không cao.

Thế rồi một hôm, khi đang ở trong nhà bếp, nhà văn này được Ủy ban Nobel gọi điện thông báo đoạt giải. Ông nói: “Tôi nghĩ đó là một trò đùa”, ông nói với phóng viên The Guardian.

Và với độc giả trên toàn cầu, vào thời khắc đó, nhiều người cũng nghĩ đó là một trò đùa.

Nhưng nếu không là trò đùa thì có một khía cạnh thú vị phải nhìn nhận: những người đọc thực thụ sẽ bừng tỉnh nhận ra hiểu biết hạn hẹp của mình về thế giới văn chương. Những hiểu biết ấy lại lệ thuộc quá sâu vào một số ít thước đo truyền thông trong thời đại tiêu dùng.

Điều khó hiểu nhất và cũng thú vị nhất của giải Nobel văn học chính là sự “vô nhiễm” của nó trước các áp lực thông tin trong một xã hội truyền thông mỗi khi lựa chọn trao giải. Những “gạch đá” có thể đến từ sự phê phán, chỉ trích của giới chuyên môn, và cả sự ngao ngán hay thất vọng của độc giả trên toàn cầu.

Và dù muốn dù không, người ta vẫn phải nhìn nhận cho đến nay, Nobel văn học vẫn là một giải thưởng lớn không chỉ bởi số tiền thưởng 10 triệu krona cho “người tạo ra tác phẩm xuất sắc nhất theo một định hướng lý tưởng trong lĩnh vực văn học” theo di chúc của Alfred Nobel – cha đẻ của giải thưởng này, mà còn bởi sự kiên định khác thường trong một thế giới đa dạng về giá trị và cần có những cách nhìn nhận vượt trên lẽ thường, trên những mặc định quen thuộc của số đông để trả về cho người sáng tạo ẩn dật những gì xứng đáng.

Vì vậy, sẽ có những người chỉ trích trao giải Nobel cho Abdulrazak Gurnah nhưng cũng có những độc giả điềm đạm hơn nhìn sự đọc của mình. Nghĩ một cách dễ chịu nhất, giải thưởng lần này đã giới thiệu một sự nghiệp văn chương mà ta cần phải tìm đọc.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới