Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Toàn bộ ngân hàng lên sàn – nhiệm vụ bất khả thi trong năm?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Toàn bộ ngân hàng lên sàn – nhiệm vụ bất khả thi trong năm?

Trang Nguyễn

(TBKTSG Online) – Dù ít nhiều bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiều ngân hàng thương mại vẫn đang có nền tảng tốt để đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn hoặc dịch chuyển từ sàn UPCoM, sàn HNX lên sàn HOSE, theo đề án cơ cấu lại thị trường chứng khoán của Chính phủ. Tuy nhiên, việc hoàn thành kế hoạch đưa toàn bộ các ngân hàng lên sàn trong năm 2020 có lẽ sẽ không thể xảy ra khi nhiều tổ chức vẫn thận trọng và tiếp tục lỡ hẹn với kế hoạch.

Toàn bộ ngân hàng lên sàn - nhiệm vụ bất khả thi trong năm?
Dịch Covid-19 không làm ảnh hưởng đến kế hoạch chuyển sàn/niêm yết mới của các ngân hàng. Ảnh minh họa: TTXVN

Chuyển sàn để tạo hiệu ứng

Không phải ngẫu nhiên khi nhiều ngân hàng rầm rộ công bố kế hoạch chuyển sàn giao dịch cổ phiếu trong năm nay. Ngoài mục đích đánh bóng hình ảnh và thương hiệu cũng như tạo thuận lợi hơn trong việc tăng vốn hay gia tăng lợi ích cho cổ đông, động thái của các ngân hàng này hướng tới việc chủ động đón đầu chính sách cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 của Chính phủ.

Theo đó, thời hạn cuối để các ngân hàng thương mại niêm yết và đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán chính thức là cuối năm 2020.

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên của các ngân hàng được tổ chức vừa qua, nhiều ngân hàng đã công bố kế hoạch sẽ thực chuyển sàn lên Sở Giao dịch chứng khoán Hồ Chí Minh (HOSE) trong năm 2020.

Một số ngân hàng như LienVietPostBank (LPB) hay Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIB) cho biết sẽ hoàn thành việc thực hiện niêm yết trên HOSE trong năm nay.

VIB cho rằng việc chuyển sàn sẽ là một thông tin tích cực cho nhà đầu tư khi cổ phiếu của ngân hàng này nhiều năm qua nằm trong nhóm cổ phiếu ngân hàng được săn đón nhưng nhiều tổ chức và các quỹ lớn chưa đưa được vào danh mục đầu tư do vẫn còn niêm yết trên sàn UPCoM.

Còn đối với LPB, việc chuyển đăng ký giao dịch cổ phiếu từ hệ thống giao dịch cho chứng khoán chưa niêm yết (UPCom) sẽ giúp nâng cao hình ảnh và nhận diện thương hiệu của ngân hàng này trong cộng đồng nhà đầu tư trong nước và quốc tế, đồng thời nâng cao tính thanh khoản của cổ phiếu, đem lại lợi ích tối đa cho cổ đông.

Ngoài VIB và LPB, Ngân hàng Á Châu (ACB) hay Ngân hàng Sài Gòn-Hà Nội (SHB) cũng đưa ra kế hoạch chuyển sang niêm yết trên sàn HOSE.

Đánh giá chung về động thái công bố việc chuyển sàn của nhiều ngân hàng, ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng phân tích của Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VISecurities), cho rằng các ngân hàng muốn lên sàn hay chuyển qua sàn HOSE là muốn có tiếng tăm hơn, thuận lợi hơn trong việc tăng vốn khi các quỹ đầu tư có thể tham gia giao dịch. Chuyển niêm yết trên HOSE sẽ giúp cổ phiếu các ngân hàng này có thanh khoản tốt hơn và được cấp margin cao hơn.

Còn theo nhận định của ông Lê Quang Minh, Giám đốc Phân tích của Công ty Chứng khoán Mirae Asset Vietnam (MAS), việc chuyển sang niêm yết trên sàn chứng khoán chính (HOSE) là góp phần làm gia tăng giá trị cổ đông. Các ngân hàng vốn có quy mô lớn hơn các doanh nghiệp niêm yết thông thường và thỏa mãn các điều kiện để đưa vào các rổ chỉ số như VN30, VN Diamond (VND), VN Vietnam Leading Financial (VNFL), và VN Financial Select Sector (VNFS) nhờ yêu cầu cao hơn trong việc công bố thông tin, tính bạch và hiệu quả hoạt động. Do đó, việc chuyển sang niêm yết trên sàn HOSE có thể giúp cổ phiếu được chọn vào các rổ chỉ số này, từ đó sẽ thu hút được dòng tiền vào từ các quỹ ETF dựa trên các rổ chỉ số này.

Sàn HOSE hiện là nơi giao dịch của 10 cổ phiếu ngân hàng, gồm Vietcombank (VCB), TPBank (TPB), Techcombank (TCB), Sacombank (STB), MBBank (MBB), VPBank (VPB), HDBank (HDB), Eximbank (EIB), VietinBank (CTG) và BIDV (BID).

Trong khi đó, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) hiện có 3 ngân hàng đang niêm yết cổ phiếu là ACB, SHB và Ngân hàng Quốc Dân (NVB). Còn trên sàn UPCoM có 5 ngân hàng bao gồm LPB, VIB, Ngân hàng Bắc Á (BAB), Ngân hàng  Kiên Long (KLB) và Ngân hàng Việt Nam Thương Tín (VBB).

Giới phân tích cho rằng các ngân hàng muốn lên sàn hay chuyển qua sàn HOSE là muốn có tiếng tăm hơn, thuận lợi hơn trong việc tăng vốn khi các quỹ đầu tư có thể tham gia giao dịch. Ảnh: TTXVN

Điều kiện có thuận lợi?

Trong khi nhiều ngân hàng muốn thực hiện việc chuyển sàn trong năm nay, một số khác lại hoãn lại kế hoạch niêm yết trên sàn HOSE như ABBank hay rút hồ sơ đăng ký niêm yết trên HOSE như Ngân hàng Hàng Hải (MSB), lấy lý do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Vậy ảnh hưởng của dịch bệnh có ảnh hưởng lên kế hoạch lên sàn của những ngân hàng khác không?

Theo phân tích của ông Minh tại MAS, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN (TT01) như một giải pháp nhanh chóng để xử lý các khoản nợ xấu phát sinh mới do dịch bệnh Covid-19. Trong đó, giãn thời hạn thanh toán các nghĩa vụ tài chính đến hạn, cũng như giữ nguyên nhóm nợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Từ đó, tỷ lệ nợ xấu năm 2020 của ngân hàng được dự báo là chỉ tăng nhẹ. Tuy nhiên, lợi nhuận các ngân hàng nói chung năm nay sẽ chịu áp lực giảm tốc hoặc thậm chí không tăng trưởng, do  nguyên nhân chính là các ngân hàng tăng trích lập dự phòng và giảm biên lợi nhuận NIM do mặt bằng lãi suất thấp, hoãn lãi cho các đối tượng khách hành theo TT01, và tăng trưởng tín dụng thấp do nhu cầu tín dụng thấp và việc quản trị rủi ro tín dụng ngân hàng chặt chẽ hơn.

“Dù vậy, ngành ngân hàng vốn được NHNN kiểm soát chặt chẽ, nền tảng cơ bản tốt, rất khác so với giai đoạn 2008-2012. Do vậy, theo chúng tôi, các ảnh hưởng của dịch Covid-19 không làm ảnh hưởng đến kế hoạch chuyển sàn/niêm yết mới của các ngân hàng. Hiện tại, các ngân hàng MSB, Vietcapital, OCB, Nam Á đã có kế hoạch niêm yết”, ông Minh nhận xét.

Cũng theo ông Minh, ngành tài chính là ngành được coi là xương sống của nền kinh tế, đặc biệt là trong giai đoạn đang phát triển. Chính vì vậy, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực này – ngân hàng – luôn có một sức hấp dẫn lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài.

Đối với những ngân hàng lỡ hẹn với việc lên sàn hay chuyển sàn trong năm 2020, hay trong những năm trước đó, theo đề án cơ cấu lại thị trường chứng khoán với hạn chót năm nay là hạn cuối các ngân hàng phải đưa cổ phiếu lên niêm yết, ông Minh cho rằng việc không hoàn thành kế hoạch đưa toàn bộ các ngân hàng lên sàn trong năm 2020 là điều gần như chắc chắn.

“Nguyên nhân có thể đến từ việc đảm bảo chất lượng các ngân hàng niêm yết (kế hoạch áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế như BáelII và tiêu chuẩn kế toán IFRS) là một động thái nhằm tăng tính minh bạch của các ngân hàng niêm yết. Vì vậy việc trì hoãn có thể là điều tốt giúp thị trường chứng khoán thực sự có nhiều cổ phiến ngân hàng đảm bảo an toàn và minh bạch hơn trong 2 năm tới”, nhà phân tích này lý giải.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới