Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Toàn cầu hóa bắt đầu từ… 3 xu!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Toàn cầu hóa bắt đầu từ… 3 xu!

Sách Hiệu ứng Wal-Mart của Charles Fishman. Bản dịch của Trần Ngọc Đăng.

(TBKTSG) – Thử nghĩ, nếu một ngày Wal-Mart, hệ thống bán lẻ khổng lồ của Mỹ, đổ bộ vào Việt Nam, điều gì sẽ xảy ra?

Bạn sẽ có siêu thị mua sắm hàng tạp hóa rẻ, gần nhà, không lo đi mua sắm mà thiếu chỗ gửi xe và rửa xe, thay nhớt… Và…

Hơn nửa dân số Mỹ mất chỉ độ 10 phút để đi mua hàng tạp hóa ở cửa hàng Wal-Mart gần nhất, 90% người Mỹ sống trong vòng bán kính 30 ki lô mét tính từ một cửa hàng Wal-Mart. Trên các xa lộ liên bang nước này, hiếm khi nào đi 15 phút mà không gặp một chiếc xe tải chở hàng Wal-Mart. Mỗi giờ người Mỹ chi 42 triệu đô la ở các siêu thị Wal-Mart, suốt 24 giờ mỗi ngày, và mọi ngày trong năm.

Wal-Mart thay đổi tập quán và não trạng tiêu dùng người Mỹ không chỉ từ chuyện nó biết chọn chỗ đông người, phát triển mạng lưới nhanh mà còn với câu slogan nổi tiếng: “Giá thấp hàng ngày”. Một cách cụ thể để dễ hình dung: để bán được món hàng trị giá 100 đô la, Wal-Mart chi phí ít hơn hệ thống Target 3,1 đô la. Thu hút lao động lớn, xác lập văn hóa công ty là “thực hành tiết kiệm tự thân” để “trợ giá” cho khách hàng là điều mà Wal-Mart đã thực hiện và thành công.

Quyền lực của một hệ thống bán lẻ đã chiếm lĩnh và dẫn dắt văn hóa tiêu dùng ảnh hưởng thế nào đến những đối tác sản xuất nguyên thủy?

Câu chuyện về vại dưa chuột ngâm dấm của hãng Vlasic giá 3 đô la chẳng góp tí nào “bồng bềnh” cho thương hiệu này. Nhưng một hôm “cái vại nặng mùi” ấy xuất hiện ở Wal-Mart, sau đó nó được đàng hoàng treo giá 2,97 đô la (rẻ hơn ba xu!) và lập tức trở thành nhãn hiệu số một của quốc gia. Có thể nói rằng, nắm quy luật thị trường và điều khiển được văn hóa tiêu dùng thì chỉ với ba xu có thể thay đổi cả nền kinh tế.

Loại chuyện “bềnh bồng” trong vại dưa chuột như thế ở Wal-Mart cũng nhiều. Nhưng cũng không ít những “giai thoại làm ăn” cho thấy quyền lực Wal-Mart đặt lên những thương hiệu đối tác là nhãn tiền.

Có thể kể đến câu chuyện lọ khử mùi không hộp, tiết kiệm chi phí sản xuất, chiếc quần Jeans của Levi Strauss điêu đứng sau cú “trao nhẫn cưới” với Wal-Mart để sau đó chiến thắng thuộc về đứa con mà Wal-Mart “tự sản sinh” – một nhãn quần Jeans giá rẻ Faded Glory. Có lẽ đó cũng là lý do khiến anh chàng đóng đàn độc lập cảm thấy quạu và bỏ cơm nếu một hôm thấy nhạc cụ xuất hiện ở một gian hàng của hệ thống Wal-Mart với giá cả hết sức “đại chúng”…

Hiệu ứng Wal-Mart của Charles Fishman. Bản dịch của Trần Ngọc Đăng.

Thời đại & NXB Văn hóa Thông tin (2008) Giá 60.000 đồng.

Charles Fishman viết: “Wal-Mart đã tô điểm dung nhan của chính nó như một hành tinh kinh tế với những rào chắn không thể xuyên thủng, giấu kín việc nó lấy nguồn hàng như thế nào và tác động của nhu cầu của nó đối với các công ty cung cấp hàng. Wal-Mart đã quen hăng hái bảo vệ tập quán kinh doanh của mình bằng cách chỉ ra số lượng việc làm nó đã tạo nên”.

Nếu mới bước chân vào kinh doanh mạng lưới phân phối bán lẻ ở Việt Nam, có lẽ bạn hãy khoan… bắt chước cách làm này của Wal-Mart. Nhưng nên đọc cuốn sách này để hiểu rằng, có khi chỉ bằng việc trừ ba xu cho mỗi vại dưa chuột, những nhà kinh doanh đã tạo ra cả hiệu ứng, quyền lực thay đổi thói quen, tập quán và ảnh hưởng đời sống chúng ta như thế nào.

NGUYỄN VĨNH NGUYÊN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới