Toba Mika với Việt Nam qua tranh katazome
Thoa Nguyễn
![]() |
Tác phẩm của Toba Mika. |
(TBKTSG) – Những mái nhà san sát bên đường ray xe lửa, những mảnh tường chi chít con số “khoan cắt bê tông”, những dãy nhà “ổ chuột” tối mờ trên những con lạch nhỏ tí, đen sì… Hình ảnh về đời sống ở Việt Nam trên tranh katazome của nữ nghệ sĩ người Nhật Toba Mika hầm hập sức nóng (*).
Xem tranh của chị, dù không thấy bóng dáng con người trong tranh, người ta vẫn nhận ra hầu hết các tác phẩm chứa đựng trong nó sự nhếch nhác, lộn xộn, đói nghèo: nhà cửa chen lấn với đường tàu, dây điện tạm bợ nhằng nhịt, những mái nhà tôn cũ kỹ, những mảnh vải che chắn nhất thời…
Tất cả những hình ảnh đó đã quá đỗi quen thuộc với người Việt. Nhưng với Toba Mika, cuộc sống bình dân đó đang diễn ra một cách sinh động, đan cài trong nó là rất nhiều đổi thay cần được ghi lại, đáng để suy ngẫm, bởi đằng sau sự lam lũ dường như là một nguồn năng lượng căng tràn, đang chảy. Điều này thực sự hấp dẫn Toba Mika và nó giải thích cho việc chị đã hơn 20 lần đi về giữa Việt Nam – Nhật Bản kể từ năm 1994 đến nay.
Toba Mika tâm sự: “Mọi hình ảnh, cho dù rất bình dị nhưng cho tôi thấy được chính xác cuộc sống hàng ngày của họ”. Khác với những di sản văn hóa thế giới đã được công nhận ở Việt Nam, cuộc sống đời thường đó vẫn hiển hiện ở những ngóc ngách của đời sống xã hội được Toba Mika đặt tên là “di sản thế giới của riêng tôi” và chúng đi vào trong tranh của chị.
Và chị đã vẽ những di sản của riêng mình bằng thể loại tranh vẽ truyền thống katazome của Nhật. Kỹ thuật này cho phép tạo những bức tranh diện tích lớn, có bức mà chiều ngang đến 5 mét, chiều cao đến 3 mét, tựa như bức bình phong. Để vẽ một bức họa katazome, trước hết người họa sĩ tạo khuôn bằng một loại giấy đặc biệt, gọi là shibugami. Giấy này được phết keo và xử lý nhiệt để chống thấm. Họa tiết của bức tranh được khắc trên giấy bằng dao gọt sắc nét và các loại dùi chuyên dụng.
Sau đó, khuôn được đặt lên vải nền và được nhuộm màu. Phần được cắt gọt trên khuôn sẽ thấm màu nhuộm và những hoa văn hiện lên nền vải. Kỹ thuật này có hai đòi hỏi quan trọng: những nét khắc phải hoàn hảo (vì không thể thay đổi), và việc nhuộm màu phải liên tục bất kể những khó khăn đối với tranh khổ lớn, vì nếu không, màu sẽ không đều, thiếu độ tươi, sai độ đậm nhạt…
Phải là một tâm hồn nhạy cảm lắm thì Toba Mika mới đọc thấy những vẻ đẹp, những niềm hạnh phúc bé nhỏ đằng sau diện mạo của đời sống bình dị. Chỉ với trái tim nhạy cảm và đôi bàn tay tài hoa, Toba Mika mới có thể khiến người xem tranh của chị cảm nhận đời sống ở Việt Nam đã thực sự hòa quyện trong tranh katazome như thế nào.
![]() |
Tác phẩm của Toba Mika. |
_____________________________________________________________________________
(*) Triển lãm tranh katazome của nữ nghệ sĩ người Nhật Toba Mika đang diễn ra ở Văn miếu Quốc tử giám và bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Hà Nội đến hết ngày 25-12-2010.