Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tôi đi Uber ở Philippines

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tôi đi Uber ở Philippines

Viết Huân

Tôi đi Uber ở Philippines(TBKTSG) – Để hiểu thêm về dịch vụ Uber đang gây tranh cãi, TBKTSG trích đăng lá thư sau từ một doanh nhân người Việt ở Manila về trải nghiệm cá nhân của anh khi sử dụng Uber.

Từng rất ấn tượng với cách những tài xế taxi ở Kuala Lumpur sử dụng điện thoại thông minh và ứng dụng di động MyTeksi (ở các nước khác là GrabTaxi) để tăng thu nhập, nên khi được giới thiệu với ứng dụng mới Uber – dịch vụ đi nhờ xe cá nhân, tôi liền thử ngay và sau đó sử dụng hàng ngày để đi làm ở Manila.

Trước đó, tôi thường sử dụng taxi để đi lại vì mới từ Việt Nam qua chưa sắm xe riêng. Taxi ở Manila khá rẻ nhưng cũ và dơ có tiếng, với hàng chục thương hiệu “làng nhàng” như nhau đến nỗi sau hơn sáu tháng ở đây, tôi hầu như không nhớ nổi tên hay số điện thoại của một hãng taxi cụ thể nào. Khi cần thì ra ngoài đường vẫy bất kỳ một chiếc nào đó chạy ngang.

Điều bực mình nhất là các bác tài thường hạ kính xe xuống hỏi nơi đến rồi từ chối nếu phải chạy ngang qua những điểm “nóng” kẹt xe, kể cả với các xe có ứng dụng GrabTaxi hoặc EasyTaxi. Mà ở Manila thì kẹt xe hơi cũng là chuyện “cơm bữa” không khác gì kẹt xe máy ở Sài Gòn. Có lần do quá mệt mỏi vì chờ bắt taxi và bị từ chối nhiều lần, tôi giả bộ không hiểu tiếng địa phương, cứ ngồi lì trong xe và lặp đi lặp lại mỗi địa chỉ nơi đến, tài xế đuổi hoài không xuống nên đành phải chở. Những lần khác thì phải chấp nhận giá cố định tài xế đưa ra (thường gấp 2-3 lần giá bình thường) hoặc phải hứa “bo” thêm một khoản.

Dài dòng như vậy để các bạn có thể hiểu cảm giác của tôi khi lần đầu tiên được một chiếc Toyota Camry đen bóng đến đón, tài xế ăn mặc lịch sự xuống mở cửa xe, và được bắt chuyện hỏi han bằng thứ tiếng Anh khá lưu loát. Đến nơi, lại không cần phải loay hoay mở ví đếm tiền hoặc phải chạy đi đổi tiền lẻ, mà chỉ cần cám ơn tài xế rồi bước đi, chỉ vài chục giây sau là điện thoại nhận được tin nhắn đã thanh toán tiền xe qua thẻ tín dụng và sau đó là giấy biên nhận của Uber gửi qua e-mail. Thỉnh thoảng đồng nghiệp lại hỏi vui xem tôi hôm nay đi làm bằng Camry hay Fortuner. Tuy nhiên, cũng có lúc đi làm về trễ, vào giờ cao điểm, giá Uber tăng lên chóng mặt, gấp hai, ba thậm chí bốn lần giá thường.

Sau một thời gian, Uber ra tiếp dịch vụ UberX với các dòng xe rẻ tiền hơn như Innova, Vios, Yaris; còn dịch vụ BlackCar được nâng giá lên gấp ba lần dịch vụ UberX nên tôi cũng chuyển sang dùng dịch vụ mới để đi làm hàng ngày.

UberX mới là đối thủ cạnh tranh chính với các xe taxi truyền thống. Khác với tài xế lái BlackCar phải có bằng lái xe chuyên nghiệp và xe phải mua bảo hiểm thương mại, tài xế UberX chỉ cần có bằng lái xe thông thường và xe chỉ cần mua bảo hiểm dành cho xe cá nhân.

Có lần khi được biết tôi có xe riêng nhưng thường chỉ dùng vào cuối tuần, còn hàng ngày đi làm bằng Uber, một bác tài liền khuyên tôi nên thuê tài xế riêng, hàng ngày tài xế chở tôi đi làm rồi sau đó sẽ chạy dịch vụ Uber. Bác bảo đảm là thu nhập không chỉ giúp trang trải chi phí tài xế riêng, chi phí bảo dưỡng xe mà còn có thể giúp tôi sắm xe mới sau 2-3 năm, và cam đoan là không cần phải đăng ký thêm bất kỳ giấy phép gì cả.

Nghe có vẻ cũng hấp dẫn nhưng công việc bận rộn nên cũng chưa có dịp ngồi tính toán cụ thể bài toán kinh doanh này.

Mấy tuần trước báo chí Manila xôn xao vì một chiếc xe Uber bị bắt phạt trong chiến dịch chống xe “dù” của Cơ quan Quản lý vận tải công cộng LTFRB (sau đó cả Uber lẫn cơ quan quản lý đều cải chính là tài xế không bị phạt). Hầu hết các xe Uber đều không đăng ký với cơ quan quản lý nên được xếp chung với các loại xe “dù” khác.

Sự kiện này được một hành khách đi xe đưa lên Twitter và nhanh chóng trở thành một đề tài nóng trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội.

Bộ Giao thông-Vận tải Philippines – cơ quan chủ quản của LTFRB, nhanh chóng ra lệnh cho cơ quan này phải “nói chuyện” với Uber để tìm ra cách thức hiện đại hóa các quy định về vận tải. Cơ quan phát triển vùng thủ đô Manila (MMDA) cũng lên tiếng tuyên bố Uber không phạm luật. MMDA cho rằng Uber và các dịch vụ chia sẻ tương tự là những phương tiện giúp gia tăng sự an toàn và tiện lợi cho khách hàng trong bối cảnh thiếu vắng các phương tiện giao thông đáng tin cậy. Tuy vậy, hiệp hội taxi vẫn than phiền là Uber cạnh tranh không công bằng: các xe Uber không phải đăng ký các giấy phép nhượng quyền, không bị hạn chế về số lượng xe lưu thông và hơn nữa, không bị khống chế về giá cước.

Trong cuộc gặp mới đây giữa Uber và cơ quan quản lý, hai bên đều đồng ý là dịch vụ của Uber mang lại những lợi ích cho người dân và những quy định quản lý là bắt buộc để bảo đảm an toàn và trật tự công cộng. Có thể các xe tham gia Uber sẽ phải đăng ký tương tự như các xe “cho thuê” khác và cơ quan quản lý có quyền truy cập thông tin về các tài xế theo những quy định mới đang được các bên thảo luận.

Dù sao đi nữa, sáng mai tôi vẫn tiếp tục mở ứng dụng Uber để gọi xe đi làm.

Mời đọc thêm

Uber – cấm hay quản?

Uber vẫn lên kế hoạch mở rộng tại Việt Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới