Tôi sợ bị so sánh về chuyện tiền thưởng Tết!
Trang Thảo (TPHCM)
![]() |
Dệt may là một trong những ngành có mức thưởng tết thấp. Ảnh: Lê Toàn. |
(TBKTSG Online) – Từ cuối tuần qua, thông tin về doanh nghiệp thưởng tết cho nhân viên cứ nóng lên từng ngày. Mới đây nhất, TPHCM đã có doanh nghiệp chi mức thưởng cao nhất đến 532 triệu đồng, chênh lệch gần… 600 lần so với mức thưởng 900.000 đồng của một doanh nghiệp khác cũng ở TPHCM.
Dĩ nhiên, mức thưởng “kinh khủng” này nếu so với mức thưởng 200.000 đồng của một doanh nghiệp ở Hà Nội, hay trước đó là một doanh nghiệp ở tỉnh Khánh Hòa với mức thưởng 30.000 đồng, thì còn gấp lên… hàng chục ngàn lần nữa!
Tôi, hiện là chủ một doanh nghiệp nhỏ, tự hiểu mình không đủ sức đua lên “hàng đỉnh” về mức tiền thưởng tết cho nhân viên, nhưng cũng đủ tự trọng và sĩ diện để tránh đánh rớt mình xuống “hàng đáy”, với mức thưởng tết gọi là qua quýt cho xong. Nhưng thử hỏi, trước thông tin về khoản tiền thưởng tết lên đến… hơn nửa tỉ đồng như vậy, liệu tôi có còn đủ bình tĩnh để không cảm thấy… tự ti với công việc kinh doanh mình đang theo đuổi? Liệu nhân viên của tôi có tránh được suy nghĩ “đứng núi nọ trông núi kia”?
Tất nhiên, mọi sự so sánh đều khập khiễng. Người được hưởng mức thưởng hơn 500 triệu đồng thì cũng phải đem về cho doanh nghiệp hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng trong năm qua. Doanh nghiệp dám thưởng cho nhân viên mình ở mức đó thì cũng phải thuộc loại làm ăn có tầm cỡ.
Nhưng nếu chỉ an lòng với mức tiền thưởng cho nhân viên của mình năm nay cao hơn năm trước, mà bỏ qua sự chênh lệch về mức thưởng giữa các doanh nghiệp đang ngày một lớn, cùng hiệu ứng lan tỏa của hiện tượng này, thì việc điều hành doanh nghiệp sẽ không dễ “xuôi chèo mát mái”.
Chẳng hạn, tôi đang điều hành một doanh nghiệp dân doanh tại TPHCM, mức thưởng tết vừa được công bố ở loại hình doanh nghiệp này là từ 1,9 triệu đến 150 triệu đồng. Tôi và các cộng sự, nhân viên của mình đều hiểu mức sàn của thưởng tết năm nay ở công ty mình phải là bao nhiêu.
Thế nên, dù lên kế hoạch thưởng tết cho nhân viên năm nay sẽ cao hơn mức năm ngoái, nhưng nếu mức thưởng này vẫn chưa đạt tới mức sàn kể trên thì cầm chắc là sang năm công ty tôi sẽ bị “chảy máu chất xám”.
Chưa hết, nếu muốn nâng tầm hình ảnh công ty để thu hút chất xám về đầu quân cho mình, công ty tôi phải đưa ra một mức thưởng… “tiệm cận” mức 150 triệu đồng, chứ nếu chỉ nhỉnh hơn mức 1,9 triệu đồng chút đỉnh thì… cũng thua.
Mà điều này thì không tùy thuộc ý chí chủ quan, nó lệ thuộc rất nhiều vào doanh thu và lợi nhuận mà công ty phải đạt được. Thế nên, khi khoảng cách về mức thưởng tết cho nhân viên giữa các doanh nghiệp ngày một giãn rộng, các khách hàng, đối tác, đối thủ và nhân viên trong công ty càng xem đây là một “chuẩn” để đánh giá về sự thành bại của một doanh nghiệp trên chốn thương trường. Có khi, việc làm ăn sau này của doanh nghiệp trở nên thuận lợi hay khó khăn hơn, cũng có thể bắt đầu từ đây.
Vì thế, tôi có thể hiểu vì sao chỉ có 40% doanh nghiệp trong các khu công nghiệp – khu chế xuất TPHCM (Hepza) chưa đưa ra báo cáo về chế độ lương và thưởng tết năm nay; cũng như có chưa đến một nửa doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa thực hiện chế độ báo cáo này cho sở lao động, thương binh và xã hội tỉnh.
Chẳng phải chúng tôi có gì khuất tất, chỉ vì chúng tôi ngại bị đưa ra so sánh, rồi có thể gặp nhiều bất lợi trong kinh doanh sau này, do năm nay làm ăn gặp nhiều trắc trở, có khi còn phải… “khất nợ” với người lao động.