Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tôi ủng hộ quyền im lặng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tôi ủng hộ quyền im lặng

Hoàng Xuân

Tôi ủng hộ quyền im lặng
Ảnh minh họa: báo Tuổi Trẻ TPHCM

(TBKTSG Online) – Tôi ủng hộ quyền im lặng của nghi can khi họ bị bắt cho đến khi có mặt luật sư bào chữa cho họ.

Không chỉ vì ở Việt Nam hiện nay hầu hết người dân vẫn rất e ngại khi đụng đến pháp luật. Do thiếu hiểu biết, do hệ thống pháp luật quá rắc rối và do thực tế thi hành pháp luật ở nước ta cũng đa đoan không kém cho nên "đáo tụng đình" lẽ ra là giải pháp nên được sử dụng nhất khi có tranh chấp thì ngược lại, nhiều người coi đó là việc bất đắc dĩ, chỉ nhắc tới khi đã cùng đường. Lý do khác tôi muốn đề cập là từ phía những cán bộ điều tra. Theo tôi, việc cho nghi can được quyền im lặng cho đến khi có luật sư cũng sẽ giúp ích cho bên điều tra, đồng thời trả lại sự công bằng trong nhìn nhận hoạt động nghề nghiệp của họ.

Thật đau lòng khi ngày càng thường xuyên xuất hiện những lời châm chọc hài hước kiểu "bị can sơ ý chết trong đồn công an". Tôi có nhiều năm làm việc trong tờ báo chuyên về pháp luật, nó giúp tôi quan sát từ nhiều góc độ và các mối quan hệ cá nhân đa dạng với nhiều người làm việc trong ngành. Từ góc độ người dân, tôi phẫn nộ khi đọc các tin tức về nhục hình bị can. Từ nhiệm vụ người làm báo, cùng với những nhà chuyên môn, chúng tôi cố gắng tìm hiểu nguyên nhân và đề xuất những giải pháp khả thi nhất có thể để hạn chế và chấm dứt nó. Nhưng tôi cũng có những người bạn thân đang làm công an, và tôi đau đớn cùng bạn mình khi các anh bị hung thủ đâm bằng đủ thứ hung khí, bị chích kim tiêm có máu nhiễm HIV, bị cười cợt thách thức và thất bại sau hàng tháng trời đeo bám thủ phạm.

Một trong số họ đã qua đời từ khá lâu. Khi chúng tôi đến thăm, anh đã bị HIV đến giai đoạn nào tôi không biết, nhưng có lẽ là gần cuối. Da anh sạm lại, chỗ đen chỗ xám, toàn thân nổi đầy những nốt sần ri rỉ máu và mủ, thoảng mùi tanh. Ruồi nhặng vo ve xung quanh bất cứ chỗ nào anh ngồi. Anh là cảnh sát hình sự. Bị một tên cướp trong công viên đâm kim tiêm có máu vào người. Từng bị ba bốn lần nhưng đều xét nghiệm âm tính. Lần này thì…

Vợ anh đạp xe ra đón chúng tôi từ đầu hẻm. Nhỏ nhắn, cân đối, linh hoạt và rạng rỡ, đôi mắt sáng và miệng cười đầy đặn phúc hậu, chị khiến tôi mến ngay từ khi mới gặp. Ngôi nhà anh chị đang ở do cha mẹ anh để lại, ngày xưa cao rộng, giờ càng trống huơ trống hoác, vật trang trí chỉ là mấy tấm hình cưới phóng lớn, hình một nhóc tì con trai kháu khỉnh và vài bức liễn gỗ quý nhắc nhở đã từng có thời vàng son. "Thằng nhỏ đâu?" – tôi hỏi. Chị vẫn cười: "Nội đón về nuôi rồi. Cuối tuần mới dắt về đây chơi chút đỡ nhớ". Trời ơi, hóa ra chị cũng đã đặt một chân bên kia cửa tử, chị cũng đã lây từ anh khi cơn bệnh đang còn ngấm ngầm. Ơn trời phật, cháu bé mới bốn tuổi vẫn khỏe mạnh.

Khoảng năm tháng sau, chúng tôi choáng váng nhận được tin chị qua đời. Không tin được vì chị trông còn khỏe mạnh hơn anh. Lý do: chị không phải chiến sĩ trong ngành nên không được cấp thuốc đặc trị. Sau khi báo chí lên tiếng một thời gian, việc này mới được thay đổi. Nhưng không còn kịp nữa.

Anh còn sống sau chị ít lâu rồi cũng ra đi. Vừa ba mươi mấy tuổi. Trẻ, tử tế và hiền lành.

Ngay khi viết những dòng này, lòng tôi lại quặn lại. Tôi nhớ hồi ấy bên hông ngôi nhà của họ trồng mấy chậu hoa, những bông nho nhỏ màu đỏ thắm lắt lay trong gió rất đẹp. Tôi xin chị hạt giống về trồng trong hành lang nhà mình, nhưng hoa chưa tàn mà cả hai người họ đều đã mất. Đó là một nỗi đau tôi chưa bao giờ nguôi được.

Tôi nghĩ thành thật rằng không có ai chỉ trong một lúc biến thành kẻ ác. Những con quái vật ham thích đánh đập đồng loại chắc cũng có, nhưng cũng như bất cứ cái gì cực đoan, chúng rất ít. Người công an lại có khá nhiều ràng buộc về kỷ luật ngành, vậy tại sao có thể diễn ra những trò nhục hình khiến người ta kinh sợ?

Tôi nghĩ vì công an trước hết cũng là người, họ cũng có những phẫn hận, những căm tức và cả sự bất lực trong công việc. Trong một môi trường thường xuyên bị áp lực cao độ, nếu không được kiểm soát tốt, nó dễ bùng lên thành những phản ứng quá khích và sai đường.

Việc có mặt luật sư của nghi can ngay từ đầu quá trình bắt giữ điều tra, do vậy, là đối trọng cần thiết để tái lập môi trường cân bằng về tâm lý cho cả hai bên: điều tra viên và nghi phạm, đồng thời là sự cảnh cáo thường trực với những hành vi lạm quyền. Muốn vậy, những thủ tục rắc rối hiện tại phải được giải tỏa.

Tương tự, quyền của nghi can được im lặng cho đến khi có luật sư của mình sẽ khiến điều tra viên buộc phải vận dụng trí tuệ và các biện pháp hợp pháp để phá án chứ không phải là dùi cui và quyền lực. Đó là một thứ quyền giản dị, nhưng là quyền của con người.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới