Tôi yêu VAR
Trần Anh
(TBVTSG) – Xem World Cup 2018, ở phút 65 trận Thụy Điển gặp Hàn Quốc, cầu thủ Thụy Điển té trong vòng cấm và trọng tài chính sau khi tham khảo VAR đã cho đội Thụy Điển đá quả 11 mét và Granqvist đã ghi bàn từ chấm 11 mét.
Rồi ở trận Brazil gặp Mexico, nhìn cảnh Neymar liên tục lăn lộn ngoài đường biên đau đớn, ai cũng nghĩ là anh bị chấn thương rất nặng như World Cup 2014, nhưng không có thẻ phạt nào cho Mexico, trận đấu tiếp tục và Neymar đứng dậy chạy bình thường. Đó là nhờ ông trọng tài đã tham khảo VAR rồi đưa ra quyết định như vậy.
VAR (viết tắt của Video Assistant Referee) là công nghệ dùng để hỗ trợ trọng tài bóng đá khi ra quyết định trong những tình huống quan trọng như phạt đền, phạt thẻ đỏ trực tiếp, bàn thắng không rõ ràng, hoặc xác định lỗi của cầu thủ. Công việc này được thực hiện bởi các trọng tài ngồi quan sát video trận đấu từ các camera đưa về phòng kỹ thuật trung tâm. Tùy hình huống trên sân, đội ngũ trọng tài VAR sẽ liên lạc để hỗ trợ trọng tài chính trên sân đưa ra quyết định đúng. Trong trường hợp cần kiểm tra lại trước khi ra quyết định, trọng tài sẽ cho dừng trận đấu và ra hiệu bằng tay theo hình màn hình ti vi để tham khảo các video và ra quyết định cho trân đấu. Công nghệ VAR sử dụng hình chiếu đa màn ảnh để giải thích tình huống trên sân bao gồm các góc quay về tình huống đã xảy ra, góc quay về hình ảnh trọng tài, góc quay về hình ảnh các cầu thủ và huấn luyện viên. Nhóm hình ảnh này sẽ được truyền trực tiếp tới màn hình kiểm tra trong khu kiểm tra của trọng tài, nơi đây các trọng tài có thể xem lại các hình ảnh đã được xử lý để đưa ra quyết định của mình. Dù là quyền quyết định vẫn do ông trọng tài, nhưng sự hiện diện của VAR rõ ràng đã mang lại sự công bằng nhất định cho tất cả, trong đó có người xem như tôi. Tôi cho rằng, chuyện tranh cãi về các quyết định của trọng tài là chuyện muôn đời của bóng đá, nhất là ở những giải đấu lớn như World Cup, Euro.
Nhiều người nghĩ bóng đá là trò chơi, trọng tài là con người thì cũng có thể gặp sai lầm, và có tranh cãi sau khi trận đấu kết thúc thì càng vui. Có những ý kiến khác là do tốc độ trận đấu quá nhanh có thể trọng tài không theo kịp, nên cần sự hỗ trợ của công nghệ như VAR. Ngược lại, nhiều người xem bóng đá không hứng thú lắm với VAR. Khi trận đấu đang căng thẳng đến từng giây cuối trận, một đội đang đá như lên đồng để tấn công, đội kia thì làm tiểu xảo phạm lỗi rồi tranh cãi với trọng tài đòi xem lại VAR, khi trọng tài dừng trận đấu thì nhịp độ tấn công đội kia cũng giảm đi và người xem cũng mất đi hứng thú. Do đó trọng tài cần nên chủ động trong việc ra quyết định của mình, nên trao đổi với nhóm trọng tài VAR nhiều hơn và hạn chế xem lại các video. Có như vậy trận đấu mới diễn ra liên tục, không ngắt khúc và trả lại trò chơi đúng nghĩa cho bóng đá.