Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tôm đang thuận lợi; cá tra, ba sa gặp khó khăn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tôm đang thuận lợi; cá tra, ba sa gặp khó khăn

Nguyễn Thanh Hoa – Trần Ngọc Yến – Phạm Quang Diệu

(TBKTSG) – Xuất khẩu thủy sản đang gặp khó khăn?

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong bảy tháng đầu năm 2010 tăng trưởng khá ổn định (trừ tháng 2 giảm vì rơi vào thời điểm dịp Tết). Nhu cầu tiêu dùng thủy sản của người dân Nhật Bản, Mỹ… được cải thiện đáng kể sau một thời gian dài suy giảm do khủng hoảng kinh tế cộng thêm việc nguồn cung thủy sản tại nhiều quốc gia suy giảm mạnh là nguyên nhân chính đẩy giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam tăng lên trong vài tháng trở lại đây.

Tuy nhiên, theo số liệu của hải quan, 15 ngày đầu tháng 8 xuất khẩu thủy sản đạt mức 201 triệu đô la Mỹ, chưa bằng một nửa của tháng 7 (466 triệu đô la Mỹ).

Có thể xuất khẩu thủy sản chưa đến mức vào giai đoạn suy giảm nhưng có một số khó khăn đang nổi lên. Tình hình nguồn cung nguyên liệu gặp khó khăn, lượng cung ít với giá bán cao, đặc biệt là đối với tôm. Bão lũ xảy ra ở miền Trung nên xuất khẩu thủy sản bị ảnh hưởng. Đặc biệt là xuất sang Trung Quốc – thị trường xuất khẩu thủy sản khá lớn của Việt Nam – suy giảm. Ngoài ra, một số thị trường xuất khẩu cá tra gặp khó khăn như Ai Cập, Brazil vì đang trong giai đoạn cân nhắc đưa cá tra vào diện xem xét nguồn gốc xuất xứ và chất lượng vệ sinh thực phẩm.

Điều chỉnh tỷ giá – áp lực lên nguồn cung nguyên liệu

Điều chỉnh tỷ giá đồng Việt Nam với đô la Mỹ của Ngân hàng Nhà nước mới đây sẽ giúp các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản được lợi do thu về từ xuất khẩu bằng đồng đô la Mỹ. Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác tỷ giá tăng sẽ làm cho nhập khẩu nguyên liệu gặp khó khăn. Áp lực làm nguyên liệu đầu vào có xu hướng tăng giá, ảnh hưởng đến giá thành sản xuất. Kể từ đầu năm 2010, giá thành sản xuất của hộ nuôi trồng thủy sản liên tục tăng. Giá khoai mì lát nguyên liệu cho nuôi trồng thủy sản đã tăng mạnh so với giá tôm hay cá tra, ba sa, đây sẽ là một cản trở đáng kể cho phát triển của ngành thủy sản trong trung hạn.

Trong khi đó xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Nhật Bản được lợi vì đồng yen tăng giá so với đồng đô la Mỹ, đặc biệt là ngành tôm sú. Hiện nay Việt Nam xuất khẩu khoảng 30% tôm sú sang Nhật Bản, với mức kim ngạch đạt trên 50 triệu đô la Mỹ trong tháng 6-2010.

Thuận lợi cho xuất khẩu tôm

Năm 2010, có một diễn biến khá rõ là xuất khẩu tôm ngày càng có vị trí tốt, trong khi cá tra, ba sa gặp nhiều trở ngại. Các đơn vị xuất khẩu thủy sản hàng đầu đang bị chiếm lĩnh bởi các doanh nghiệp ngành tôm như Minh Phú; Công ty cổ phần Chế biến và Xuất nhập khẩu thủy sản Cà Mau; Công ty cổ phần Thủy sản Sóc Trăng; Công ty cổ phần Chế biến Thủy sản Út Xi… Trong khi đó, Hùng Vương, Vĩnh Hoàn, Nam Việt, Công ty cổ phần Basa… có xu hướng giảm vị trí trong bảng xếp hạng.

Theo báo cáo triển vọng ngành hàng tôm của AgroMonitor phát hành vào tháng 8-2010, các thị trường châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore… có triển vọng nhập khẩu tôm tăng mạnh. Xuất khẩu tôm sang Mỹ và Nhật thời gian tới vẫn được đánh giá là lạc quan, đặc biệt là Mỹ. Nguyên nhân chính là từ những khó khăn về nguồn cung từ phía Mexico và Indonesia – 2 nhà cung cấp tôm lớn truyền thống cho thị trường Mỹ, cũng như sản lượng nội địa nước này suy giảm vì sự cố tràn dầu.

Sản lượng tôm tại Mexico do dịch bệnh đốm trắng có thể giảm một nửa. Đối với Indonesia sản lượng tôm nội địa giảm mạnh, đầu năm Bộ Nông nghiệp nước này lên kế hoạch sản lượng là 400.000 tấn, gần đây dự báo giảm xuống còn 350.000. Hiện nay mưa rất lớn ở các khu vực nuôi tôm nên sản lượng dự đoán sẽ còn tiếp tục giảm. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam chưa khai thác được cơ hội này vì khoảng trống sụt giảm thị phần của Indonesia và Mexico lại rơi vào tay Thái Lan và Trung Quốc. Nguyên nhân có thể do các sản phẩm tôm chế biến của Việt Nam chưa đa dạng. Thái Lan bao phủ các phân khúc thị trường rộng: đã có trên 30 mã tôm Thái Lan được chào bán riêng tại thị trường tôm NewYork, trong khi con số này của Việt Nam chỉ là dưới 10 mã.

Các mã tôm Thái Lan khá phong phú từ tôm vỏ bỏ đầu đông lạnh, tôm thịt rút gân, tôm thịt chín, tôm thẻ các loại… với nhiều kích cỡ khác nhau. Trong khi Việt Nam chủ yếu tập trung vào dòng tôm sú cỡ lớn và tôm thịt rút gân, với phân khúc thị trường nhà hàng, khách sạn, phân khúc tiêu dùng cho các hộ gia đình lại chưa được chú ý.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới