Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tôm thẻ chân trắng bứt phá

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tôm thẻ chân trắng bứt phá

Hồng Văn  

Nông dân Quảng Ngãi thu hoạch tôm thẻ chân trắng có khi năng suất lên 10 tấn/héc ta, còn tôm sú cao lắm chỉ 3 tấn/héc ta-Ảnh: Hồng Văn.

(TBKTSG Online) – Từ chỗ nông dân nuôi tôm thẻ chân trắng mấy năm trước bị phạt hành chính vì đây là giống thủy sản bị hạn chế nuôi, thậm chí cấm nuôi ở ĐBSCL, vựa tôm lớn nhất Việt Nam, trước sức ép của doanh nghiệp xuất khẩu tôm, tháng 2-2008, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới cho nuôi tôm thẻ chân trắng đại trà.  

Năm 2009, trong tình cảnh người tiêu dùng tôm thế giới thắt chặt chi tiêu, cần mua tôm giá rẻ, tôm thẻ chân trắng càng có lợi thế để bứt phá.

Tôm vẫn là mặt hàng chủ lực

Hàng chục năm qua, tôm là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của thủy sản Việt Nam và bây giờ, tuy con cá tra, cá ba sa vươn lên nhưng con tôm vẫn chiếm hơn 50% kim ngạch xuất khẩu toàn ngành. Trong xuất khẩu tôm thì tôm sú thống trị gần như toàn bộ, tôm thẻ chân trắng hay con tôm càng xanh (tôm nước ngọt) gần như chiếm tỷ trọng không đáng kể.  

Những năm trước, khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn cấm nuôi tôm thẻ chân trắng vì những lo ngại dịch bệnh, các nhà máy chế biến tôm xuất khẩu vẫn xuất cho khách hàng tôm thẻ chân trắng đông lạnh bằng nguyên liệu nhập khẩu.  

Theo Hiệp hội chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), năm 2009 là một năm đáng ghi nhận đối với ngành tôm Việt Nam bởi kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng ngay cả trong bối cảnh kinh tế thế giới khủng hoảng nghiêm trọng. Dẫn nguồn hải quan, Vasep cho biết, trong 11 tháng đầu năm 2009, xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt 190.490 tấn, trị giá trên 1,518 tỉ đô la Mỹ, tăng 7,4% về lượng và 0,73% về giá trị so với cùng kỳ năm 2008.  

“Đây là mặt hàng thủy sản xuất khẩu duy nhất tăng trưởng trong năm 2009”, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Vasep cho hay. Cả nước có hơn 300 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu tôm, trong đó 60 doanh nghiệp dẫn đầu chiếm hơn 80% kim ngạch, 120 doanh nghiệp có giá trị xuất khẩu hơn 1 triệu đô la Mỹ.  

Điều đáng nói là kim ngạch xuất khẩu tôm không sụt giảm, phần nhiều nhờ công đóng góp của con tôm thẻ chân trắng. Từ chỗ tôm sú chiếm hơn 95% trong kim ngạch xuất khẩu tôm mấy năm trước, thì sau 2 năm kể từ khi nhà nước bỏ lệnh cấm nuôi tôm thẻ, nay tỷ trọng tôm sú xuất khẩu giảm xuống còn 75%.  

Theo thống kê sơ bộ, xuất khẩu tôm thẻ chân trắng năm 2009 đạt hơn 50.000 tấn với kim ngạch hơn 300 triệu đô la Mỹ. Một doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm thẻ chân trắng, cho biết tôm thẻ chân trắng nhờ chi phí sản xuất thấp, dễ nuôi và năng suất cao, nên có giá bán thấp và đây là lựa chọn của người tiêu dùng thế giới trong tình hình kinh tế khó khăn như năm 2009.  

Kỳ vọng 2010  

Thu hoạch tôm thẻ chân trắng ở Quảng Nam. Miền Trung là nơi tiên phong nuôi tôm thẻ chân trắng của cả nước-Ảnh: TL.

Nhật là thị trường nhập khẩu tôm lớn của Việt Nam và theo Vasep, thị trường này đang gia tăng nhập khẩu tôm thẻ chân trắng, chiếm tới 18% khối lượng tôm nhập khẩu; trong khi Mỹ, thị trường nhập khẩu tôm chân trắng lớn nhất thế giới thì tôm thẻ chiếm 28%.  

Theo dự báo của ông Trương Đình Hòe năm 2010, tôm sú vẫn là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của thủy sản Việt Nam nhưng tôm thẻ chân trắng có khả năng tăng mạnh nhờ giá thấp. Dự báo sản lượng tôm thẻ chân trắng năm nay sẽ tăng gấp 3 lần năm 2009, lên 150.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng gâp đôi, tức 500-600 triệu đô la Mỹ, chiếm 1/3 kim ngạch xuất khẩu tôm của cả nước, dù con tôm này chỉ mới được phép nuôi rộng rãi trong hai năm qua.    

Hiện Việt Nam có thể sẽ có lợi thế ở thị trường tôm chân trắng cỡ nhỏ do có tiềm năng phát triển. Cụ thể, hiện giá tôm sú dao động 90.000-100.000 đồng/kg, trong khi tôm thẻ chân trắng giá bán hơn 80.000 đồng/kg, kém tôm sú chút ít là yếu tố kích thích nông dân đẩy mạnh nuôi tôm thẻ chân trắng.  

Giá thấp, năng suất cao, kích cỡ tôm phù hợp với nhu cầu tiêu dùng thế giới là điều kiện để tôm thẻ chân trắng lên ngôi. Theo tính toán của các chuyên gia thủy sản, giá thành nuôi 1 kg tôm thẻ chân trắng nguyên liệu chỉ gần 30.000 đồng, trong khi nuôi 1 kg tôm sú tốn hơn gấp đôi, 65.000-75.000 đồng.  

Trong khi đó, từ chỗ con tôm sú thống lĩnh thị trường tiêu thụ tôm đông lạnh thế giới thì năm 2008, theo tính toán của một tổ chức thủy sản quốc tế, tiêu thụ tôm thẻ chân trắng đang chiếm 2/3 tiêu thụ tôm toàn cầu.  

Tuy nhiên, ông Trần Văn Lĩnh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần thủy sản Thuận Phước ở Đà Nẵng cho rằng tôm thẻ chân trắng hiện nay đang “chảy ngược” là do các nhà máy thủy sản của các tỉnh Trung Quốc giáp biên với Việt Nam thiếu nguyên liệu trầm trọng, đổ xô sang Việt Nam mua gom tôm thẻ chân trắng, khiến các nhà máy thủy sản ở miền Trung, nơi thường dùng nguyên liệu tôm thẻ chân trắng, khó cạnh tranh lại.  

Còn với người tiêu dùng trong nước khi vào nhà hàng khách sạn, gọi món tôm nước lợ nhưng hiếm ai phân biệt được tôm nào là tôm sú, tôm nào là tôm thẻ chân trắng, bởi nó chỉ khác một chút ở vùng chân và bụng.                    

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới