Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tôm thẻ chân trắng: sau 7 năm vẫn chưa ngã ngũ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tôm thẻ chân trắng: sau 7 năm vẫn chưa ngã ngũ

Nông dân nuôi tôm thẻ chân trắng thì bị phạt còn các nhà khoa học thì có ý kiến trái ngược nhau-Ảnh: HỒNG VĂN

(TBKTSG Online) – Cho tới giờ, sau gần 7 năm con tôm thẻ chân trắng được nuôi ở Việt Nam nhưng ý kiến của các nhà khoa học thủy sản vẫn còn trái ngược nhau xung quanh chuyện có nên nuôi hay không? Trong khi năm 2007, nhiều nông dân ở ĐBSCL bị phạt do nuôi tôm thẻ chân trắng.

Ông Nguyễn Văn Hảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thuỷ sản 2 cho biết Thái Lan là quốc gia nuôi tôm thẻ chân trắng chiếm tới 95% diện tích nuôi tôm, đã kết luận rằng tỷ lệ tôm càng xanh và tôm bản địa của Thái bị hội chứng Taura 25-35%, từ nguồn lây nhiễm của tôm thẻ chân trắng. Đây là hội chứng mà Thái Lan chưa bao giờ gặp phải trước khi có tôm thẻ chân trắng.  

Điều này cho thấy rằng nước họ chưa bao giờ bị hội chứng Taura nhưng nhập tôm thẻ chân trắng vào thì lây bệnh cho tôm càng xanh và tôm bản địa. Ngoài ra, họ nghiên cứu chuỗi thức ăn trong dạ dày của tôm thẻ chân trắng và chuỗi thức ăn trong dạ dày của tôm bản địa thì phát hiện rất tương đồng, giống nhau. Có nghĩa là 2 con tôm này ăn cùng một loại thức ăn và cạnh tranh thức ăn trong môi trường nuôi.  

Ông Hảo cho rằng, tôm thẻ chân trắng không phải là một phép màu để giải quyết mọi vấn đề thiếu nguyên liệu tôm cho chế biến hiện nay ở Việt Nam, từ bài học kinh nghiệm phát triển tôm thẻ chân trắng ở Thái Lan và Indonesia.  

“Trước mắt, để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho chế biến của các nhà máy thuỷ sản, nhà nước chỉ cho nuôi tôm thẻ chân trắng ở quy mô tập trung trang trại với những điều kiện đầy đủ, kiểm soát chặt chẽ để an toàn sản xuất và tránh nguy cơ dịch bệnh”, ông nói. Còn nếu cho nuôi tôm thẻ chân trắng tràn lan ở ĐBSCL tại các nông hộ nhỏ lẻ thì nguy cơ, thảm hoạ dịch bệnh là rất lớn, bởi khu vực này lũ diễn hằng năm và sông rạch chằng chịt.

Ngoài ra nhà nước phải có chiến lược đầu tư giống, nếu muốn phát triển tôm thẻ chân trắng. Còn nếu mua giống không rõ nguồn gốc hay nhập giống như hiện nay thì người nuôi tôm sẽ gặp phải những giống kém chất lượng, dễ nguy hại cho ngành thuỷ sản.  

Bà Trần Thị Việt Ngân,Giám đốc Trung tâm Giống và kỹ thuật thuỷ sản Phú Yên, cho biết cách nay 7 năm, con tôm sú tại Phú Yên đã mắc hội chứng còi cọc, nuôi chậm lớn, chi phí cao nhưng kích cỡ tôm lại nhỏ làm nhà nông bị thua lỗ. Do vậy khi Bộ Thuỷ sản đồng ý cho Phú Yên nuôi tôm chân trắng nhưng tỉnh lại không quy hoạch được vùng khoanh nuôi tập trung có diện tích tối thiểu 30 héc ta riêng cho con tôm này. Lý do là giữa những hộ nuôi không thể thống nhất về việc cùng xây dựng một vùng nuôi tôm thẻ chân trắng, trong khi đó Sở Thuỷ sản và các ngành chức năng  không đủ sức quản lý. Vì vậy đã xảy ra tình trạng ai nuôi gì thì nuôi.  

“Nhưng có điều tôi khẳng định chắc chắn rằng khi đã nuôi tôm thẻ chân trắng rồi thì người nuôi sẽ không bao giờ muốn quay lại với con tôm sú nữa, bởi tôm thẻ chân trắng không đòi hỏi công chăm sóc và đầu tư về thuốc, thức ăn như con tôm sú”, bà nói. Điều này cũng lý giải vì sao chỉ sau 3 năm đưa vào nuôi tôm thẻ chân trắng mà tại Thái Lan có đến 95% diện tích tôm chân trắng, tức tăng quá nhanh.Thậm chí hiện tại Thái Lan muốn điều chỉnh một phần diện tích sang nuôi tôm sú nhưng không được.  

Bà cho rằng tình thế đã buộc người nuôi phải tìm đến con tôm thẻ chân trắng, đặc biệt là phát triển nuôi tại miền Bắc và miền Trung, vì nó rất dễ nuôi và có thể đảm bảo vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến trong nước.   Tuy nhiên việc phát triển tôm chân trắng hiện nay đang gặp phải vấn nạn chất lượng tôm giống. Tại Phú Yên nguồn tôm thẻ chân trắng giống đảm bảo chất lượng không nhiều và khá nhiều trại tôm thẻ chân trắng giống ở Khánh Hoà sử dụng tôm chân trắng bố mẹ nhập từ Trung Quốc, có chất lượng không rõ ràng, để sản xuất tôm giống bán cho người nuôi Phú Yên và các tỉnh khác.  

Hiện con tôm thẻ chân trắng giống đảm bảo chất lượng có nguồn gốc từ Hawaii của Mỹ có giá từ 45 – 60 đồng/con tôm Post (tôm còn ấu trùng), cao hơn cả tôm sú giống, trong khi đó tôm thẻ chân trắng giống nguồn gốc từ Trung Quốc có giá bán chỉ khoảng 20 đồng/con.  

Bà cũng thừa nhận là có sự lây lan bệnh giữa 2 loại tôm thẻ chân trắng và tôm sú. Thời gian qua ở Phú Yên đã có nhiều dấu hiệu tôm thẻ chân trắng bị nhiễm bệnh đốm trắng có nguồn gốc từ tôm sú, nhưng “tôi chưa thấy dấu hiệu nào của bệnh Taura ở tôm sú có nguồn gốc từ tôm thẻ chân trắng như nhiều tài liệu của ngành thủy sản đã đề cập”.  

Cái quan trọng hiện nay, theo bà Ngân, nhà nước phải siết chặt việc nhập khẩu nguồn giống tôm thẻ chân trắng bố mẹ, kiểm soát để tôm giống của Trung Quốc chất lượng không rõ ràng tràn vào Việt Nam như hiện nay. “Chúng ta cũng nên học tập mô hình của Thái Lan, chỉ cho phép nhập tôm giống tại những địa chỉ đã được các cơ quan quản lý nhà nước theo dõi và xác định đó là nguồn cung cấp tôm thẻ chân trắng giống an toàn”, bà nói.

HỒNG VĂN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới