Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tồn đọng gia tăng, Lạng Sơn lại dừng tiếp nhận trái cây xuất sang Trung Quốc

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Từ ngày 16 đến 25-2, tỉnh Lạng Sơn lại dừng tiếp nhận phương tiện chở mặt hàng trái cây tươi để xuất khẩu sang Trung Quốc. Đây là quyết định được đưa ra khi lượng trái cây đang nằm chờ xuất khẩu tại các khu vực bến bãi, cửa khẩu đang tăng nhanh.

Xe chở nông sản xuất khẩu hàng sang Trung Quốc tại Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị. Ảnh minh họa chụp vào ngày 5-2. Ảnh: TTXVN

Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn vừa có văn bản gửi Sở Công Thương các địa phương trong cả nước về việc tạm thời dừng tiếp nhận phương tiện chở trái cây tươi đến cửa khẩu đường bộ tỉnh Lạng Sơn để xuất khẩu.

Theo đó, Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn cho biết, bốn cửa khẩu trên địa bàn tỉnh gồm, cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, cửa khẩu quốc tế ga đường sắt Đồng Đăng, cửa khẩu chính Chi Ma và cửa khẩu phụ Tân Thanh đang tích cực hoạt động thông quan hàng hoá. Tuy nhiên, do các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 của phía Trung Quốc thực hiện nghiêm ngặt nên hiệu suất thông quan rất thấp, chỉ đạt 70-80 xe/ngày.

Theo Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn, trước đó đơn vị này đã có văn bản đề nghị Sở Công Thương các địa phương khuyến cáo doanh nghiệp hạn chế đưa hàng lên cửa khẩu, nhưng lượng phương tiện chở hàng hoá từ nội địa lên cửa khẩu để chờ xuất khẩu có xu hướng tăng, trung bình đạt 160-180 xe/ngày (tức vượt năng lực thông quan), trong đó, chủ yếu là thanh long, dưa hấu, mít, xoài…

Điều này, khiến lượng xe chờ thông quan tại các khu vực cửa khẩu tiếp tục tăng, mà cụ thể đến ngày 11-2, tại ba khu vực cửa khẩu gồm Hữu Nghị, Tân Thanh và Chi Ma có 1.646 xe phải nằm chờ, trong đó, có 1.390 xe chở trái cây tươi, chiếm 85% xe hàng chờ xuất khẩu.

Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn cho biết, lượng hàng hoá từ các tỉnh tiếp tục lên cửa khẩu chờ xuất khẩu, trong khi năng lực thông quan như nêu trên, thì dự báo khả năng sẽ gây ùn ứ lớn tại các bãi, khu vực cửa khẩu ở địa phương này thời gian tới, gây thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp.

Mặt khác, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cùng các đơn vị liên quan về kịp thời xử lý, không để xảy ra tình trạng hàng hoá ùn ứ số lượng lớn tại các bến bãi, tránh phát sinh rủi ro trong phòng chống dịch Covid-19, dẫn đến dừng thông quan hàng hoá xuất nhập khẩu của cơ quan chức năng phía Trung Quốc, cho nên, tỉnh Lạng Sơn tạm thời dừng tiếp nhận phương tiện chở trái cây tươi như nêu ở trên.

Liên quan đến việc xuất khẩu nông sản nói chung và trái cây tươi sang thị trường Trung Quốc nói riêng, trước đó, nhiều địa phương có biên giới tiếp giáp Trung Quốc cũng nhiều lần thông báo dừng tiếp nhận hàng hoá từ các địa phương nội địa đưa lên nhằm giảm áp lực thông quan khi lượng phương tiện tồn đọng quá lớn.

Theo đó, từ ngày 17-1, Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn cũng áp dụng dừng tiếp nhận phương tiện chở trái cây tươi đến cửa khẩu của địa phương này để xuất sang Trung Quốc. Sau đó, chiều 5-2, từ 14-18 giờ tại Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn đã chính thức thông quan hàng hóa sang Trung Quốc. Hàng hóa thông quan chủ yếu là hoa quả, như thanh long, dưa hấu, xoài đã nằm chờ tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị trong những ngày nghỉ Tết.

Việc hàng nông sản nói chung và trái cây nói riêng của Việt Nam xuất khẩu phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc, cho nên, những biến động ở thị trường này lập tức ảnh hưởng đến thị trường trong nước. Chẳng hạn, với mặt hàng thanh long, có gần 90% sản lượng xuất khẩu của Việt Nam được bán sang Trung Quốc với doanh thu xuất khẩu đạt khoảng 1 tỉ đô la Mỹ/năm.

Trong khi đó, với mặt hàng mít Thái, nếu như ngày 3-2, thương lái mua với giá 26.000 đồng/kg đối với loại mít kem lớn (từ 9 kg/trái trở lên, không bị xơ đen) và 16.000 đồng/kg đối với mít kem nhỏ (từ 7 đến dưới 9 kg/trái, không bị xơ đen), thì đến ngày 13-2 giảm xuống chỉ còn 18.000 đồng/kg đối với mít kem lớn và 8.000 đồng/kg đối với mít kem nhỏ.

Riêng trong sáng nay, 14-2, mít kem loại lớn giảm xuống còn 14.000 đồng/kg và mít kem nhỏ chỉ còn 5.000 đồng/kg và dự báo giá sẽ còn tiếp tục giảm.

1 BÌNH LUẬN

  1. Đụng đến chỗ nào cũng thiếu chuyên nghiệp. Không chỉ thương nhân ta chưa biết cách buôn bán chuyên nghiệp, mà ngay cả những địa phương giáp biên giới phía bắc cũng rất thiếu chuyên nghiệp. Là những địa bàn địa đầu của đất nước, lẽ ra phải có sự chuẩn bị chu đáo từ khâu hạ tầng, dịch vụ, cho đến quan hệ đối tác với bên kia biên giới… Lẽ ra địa phương phải ý thức rõ đây là nguồn lợi kinh tế lớn của chính họ để từ đó có chính sách phối hợp cho nhịp nhàng ? Rõ là buồn !

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới