Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tổng công ty chăn nuôi sẽ đầu tư trang trại bò thịt 20.000 con/năm sau sáp nhập GTNFoods

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tổng công ty chăn nuôi sẽ đầu tư trang trại bò thịt 20.000 con/năm sau sáp nhập GTNFoods

Vân Phong

(TBKTSG Online) – Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam (Vilico) dự tính đầu tư 1.700 tỉ đồng cho trang trại bò thịt có quy mô 20.000 con mỗi năm, sau khi nhận sáp nhập công ty mẹ là GTNFoods.

Tổng công ty chăn nuôi sẽ đầu tư trang trại bò thịt 20.000 con/năm sau sáp nhập GTNFoods
Vilico sẽ tiếp tục đầu tư mảng chăn nuôi bò sữa và sản xuất, kinh doanh các mặt hàng sữa thông qua Mộc Châu Milk. Ảnh: DNCC

Tài liệu đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 của Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam (Vilico) đã đưa ra phương án sáp nhập tổng thể Công ty cổ phần GTNFoods. 

Cụ thể, Vilico sẽ thực hiện phát hành thêm cổ phiếu phổ thông với mệnh giá 10.000 đồng một cổ phiếu để hoán đổi toàn bộ 250 triệu cổ phiếu của GTN đang lưu hành. Sau khi hoàn tất việc hoán đổi, cổ đông của GTNFoods sẽ trở thành cổ đông của Vilico, giúp vốn điều lệ của doanh nghiệp gia tăng.

Nhưng hiện tỷ lệ chuyển đổi vẫn chưa được GTNFoods thông báo với các cổ đông.

Thời gian thực hiện dự kiến kéo dài trong 90 ngày từ thời điểm Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận đăng ký chào bán. Khi thực hiện hoán đổi, GTNFoods sẽ thông báo ngày chốt danh sách cổ đông, mọi giao dịch liên quan đến cổ phiếu GTN sau ngày này sẽ không còn giá trị.

Sau khi hoàn tất hoán đổi cổ phiếu, GTNFoods sẽ được sáp nhập vào Vilico và chấm dứt sự tồn tại. Phía nhận sáp nhập là Vilico sẽ được hưởng các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và nghĩa vụ, tài sản khác của GTNFoods một cách toàn bộ và nguyên trạng.

Về lộ trình sáp nhập, hợp đồng sáp nhập sẽ được hai bên ký kết ngay trong tháng 3 và chậm nhất đến tháng 8-2021 sẽ thực hiện sáp nhập, theo GTN Foods.

Điều kiện để thực hiện kế hoạch sáp nhập là có ít nhất 65% cổ phần có quyền biểu quyết tham gia dự họp của GTNFoods và Vilico thông qua.

Theo Vilico, thương vụ sáp nhập sẽ giúp doanh nghiệp tăng quy mô vốn mà không phải huy động nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài và không làm giảm lưu lượng tiền mặt của doanh nghiệp sau sáp nhập.

Ngoài ra, Vilico có thể giảm giảm các chi phí cố định so với tổng chi phí phát sinh khi Vilico và GTNFoods hoạt động riêng lẻ.

Về định hướng kinh doanh sau sáp nhập, Vilico sẽ tập trung vào khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh và định hướng đưa doanh nghiệp này trở thành đơn vị lớn trong lĩnh vực ngành chăn nuôi và chế biến sản phẩm thịt tại Việt Nam. Theo đó, doanh nghiệp hiện có chủ trương đầu tư trang trại bò thịt quy mô 20.000 con mỗi năm với tổng vốn đầu tư không quá 1.700 tỉ đồng.

Lý giải nguyên nhân, Vilico cho biết quy mô thị trường thịt trâu/bò là hơn 2 tỉ Đô-la, với sản lượng khoảng 500.000 tấn mỗi năm. Tốc độ tăng trưởng của thị trường này hiện ở mức 6-7% mỗi năm, cao hơn hai lần so với thịt heo và thịt gà.

Bên cạnh mảng chăn nuôi và chế biến sản phẩm thịt, Vilico sẽ đầu tư mảng chăn nuôi bò sữa và sản xuất, kinh doanh các mặt hàng sữa thông qua công ty con là Công ty cổ phần Giống Bò Sữa Mộc Châu (Mộc Châu Milk).

Ngoài ra, các mảng kinh doanh như chè; rượu vang, nước giải khát; sữa; hàng tiêu dùng, chăn nuôi, nông nghiệp cũng được đẩy mạnh thông qua các công ty con phụ trách từng mảng.

Về cơ cấu cổ phần tại hai doanh nghiệp và các đơn vị liên quan, Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam (Vilico) sở hữu 51% cổ phần tại Mộc Châu Milk tính tới 10-11-2020. Nhưng Công ty cổ phần GTNfoods nắm giữ 73,72% cổ phần tại tại VLC nên cũng gián tiếp sở hữu Mộc Châu Milk.

Còn Vinamilk sở hữu 75,3% cổ phần tại GTNfoods tính tới 30-9-2020 nên nắm quyền quản lý cả GTNfoods và Mộc Châu Milk. Ngoài ra, bà Mai Kiều Liên – Chủ tịch HĐQT Vinamilk – cũng là Chủ tịch HĐQT của GTNfoods, VLC và Mộc Châu Milk.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới