Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tổng giám đốc CBRE: nhà, đất vẫn tiếp tục “cơn sốt” giá

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tổng giám đốc CBRE: nhà, đất vẫn tiếp tục “cơn sốt” giá

Ông Marc Townsend, Tổng giám đốc CBRE Vietnam – Ảnh: MỘNG BÌNH

(TBKTSG Online) – Giá đất sẽ tăng và người dân tiếp tục xếp hàng đăng kí mua căn hộ để bán lại kiếm lời. Ông Marc Townsend, Tổng giám đốc công ty tư vấn bất động sản CBRE Vietnam, đã đưa ra dự báo trên.

Trong những ngày cận Tết, ông Townsend đã dành thời gian trao đổi với TBKTSG Online về tình hình thị trường địa ốc cùng những diễn biến về giá cả trong thời gian sắp tới. 

TBKTSG Online: Giá đất, căn hộ vẫn tiếp tục trong tình trạng “bong bóng”, vậy theo ông liệu sẽ tiếp tục cảnh chen chúc nhau để đăng kí mua căn hộ cao cấp như tại dự án của Hoàng Anh Gia Lai hồi đầu năm nay?  

– Ông Marc Townsend: Thực ra tôi chưa sẵn sàng để gọi hiện tượng trên là sốt giá hay thị trường địa ốc đang ở tình trạng “bong bóng”. Tôi gọi đó là lòng tham và nỗi sợ căn bản của con người. Họ sợ rằng họ sẽ không còn cơ hội để tham gia vào thị trường này, và đây là điều rất thường xảy ra ở nhiều nước châu Á, không chỉ ở Việt Nam. Tôi ví dụ cảnh nhiều người xếp hàng để mua phần mềm của Microsoft vì sợ rằng Bill Gates có thể sẽ không tung ra thị trường bất cứ một sản phẩm mới nào nữa. Do đó, tôi cho rằng cảnh người xếp hàng dài chờ đăng kí mua căn hộ, nhất là tại các dự án tốt, sẽ vẫn tiếp tục tái diễn trong năm nay tại Việt Nam.

Nhưng tại sao nhiều người vẫn chờ chực đăng kí mua căn hộ với mức giá được cho là đã cao hơn giá trị thực của nó gấp nhiều lần?

Như tôi đã nói là giá căn hộ tại một số dự án sẽ tiếp tục tăng. Theo tôi, giá căn hộ tại một số dự án tại Hà Nội hiện tại vẫn còn thấp hơn khoảng 25-30% so với giá thị trường, và do vậy tôi cho rằng còn cơ hội cho nhiều người tham gia vào các dự án đó. Nếu tôi tìm được dự án tốt ở Hà Nội thì tôi cũng sẽ đứng xếp hàng để đăng kí mua cho được một căn hộ.

Thực tế cho thấy hầu hết những người tham mua các căn hộ cao cấp không có nhu cầu để ở mà chỉ mua đi-bán lại để kiếm lời?

Đúng thế. Bất cứ khi nào họ thấy có lời thì họ sẽ bán căn hộ của họ bằng không sẽ tiếp tục giữ lại chờ giá lên. Liệu xu hướng này sẽ tiếp tục tiếp diễn ở thị trường trong năm nay hay không? Có chứ, thị trường sẽ vẫn đi theo hướng này vì tại Việt Nam vẫn chưa có đủ dự án nhà ở cho người dân. Trong khi đó, ngày càng có nhiều người muốn thay đổi địa vị của mình trong xã hội, và đang ấp ủ những ước vọng, hoài bão mới. Nhiều người đang tìm cơ hội để cải thiện cuộc sống của mình, bỏ xe đạp để mua xe gắn máy rồi mua xe hơi. Điều này cũng xảy ra tương tự trong lĩnh vực nhà ở. Tuy nhiên, tôi ngạc nhiên là tốc độ và lượng tiền người mua có trong tay để đặt cọc. Số tiền đó là quá lớn.

Ông nghĩ sao khi nhiều ý kiến cho rằng giá nhà, đất ở Việt Nam hiện nay còn cao hơn cả ở Singapore và Mỹ? Ví dụ, nhiều người so sánh một căn biệt thự ở thung lũng silicon (Mỹ) giá khoảng 700.000 đô la Mỹ nhưng nhà ở khu ngoại thành TPHCM có thể lên đến cả triệu đô la Mỹ.  

Thế họ có biết là giá nhà ở Hongkong hiện nay cao gấp sáu lần tại TPHCM. Tôi cho rằng diễn biến của thị trường nhà ở phụ thuộc rất nhiều vào lòng tin vào nơi nào tốt hơn để mọi người làm việc, dù nơi đó là thung lũng silicon (Mỹ) hay ở Việt Nam. Bản thân tôi và gia đình thích sống và làm việc ở Việt Nam hơn là tại Mỹ, nơi mà nhiều người đang bị thất nghiệp.

Gía căn hộ cao cấp tại các vị trí tốt ở TPHCM vẫn sẽ tiếp tục sốt – Ảnh: MỘNG BÌNH

Như ông đã biết người ta đang bàn nhiều về dự thảo luật cho phép người nước ngoài mua căn hộ, và họ lo ngại đây cũng là một trong các lý do đẩy giá nhà đất tiếp tục tăng?

Tôi không nghĩ dự thảo trên sẽ tác động lớn đến việc tăng giá nhà ở vì số lượng người nước ngoài được phép mua nhà sẽ không nhiều. Con số đó chỉ là vài trăm và có thể là vài ngàn và do vậy sẽ không thể có lượng tiền lớn từ Hongkong hay Singapore đổ vào việc mua nhà tại Việt Nam.

Hiện có nhiều người nước ngoài rất quan tâm đến việc mua nhà tại Việt Nam nhưng họ còn phải cân nhắc khả năng lợi nhuận và tiền thuế mà họ phải trả. Do vậy, việc cho phép người nước ngoài mua căn hộ sẽ tác động đến giá cả thị trường địa ốc nhưng ảnh hưởng sẽ rất nhỏ.

Cũng có đề nghị Ngân hàng Nhà nước giới hạn mức vay địa ốc để hạ nhiệt thị trường. Ông có cho rằng nếu đề nghị này được chấp thuận thì sẽ ảnh hưởng thị trường địa ốc tương tự như chỉ thị giới hạn dư nợ cho vay cầm cố chứng khoán tác động đến TTCK?

Có nhưng sẽ không ảnh hưởng nhiều vì hiện nay lượng tiền đã đổ vào thị trường địa ốc rất lớn. Hơn nữa, ở Việt Nam người ta không dùng nhiều các khoản vay ngân hàng mà là tiền mặt và vàng của họ để mua nhà, đất. Nhiều người vẫn cứ hăm hở mua thêm đất, căn hộ để bán kiếm lời vì giá sẽ tiếp tục tăng.

Ở nhiều nước trên thế giới, nhất là vùng Đông Âu, nhiều người mua đất và sau đó họ phát triển cơ sở hạ tầng để tăng thêm giá trị. Còn ở Việt Nam thì khác, nhiều người mua nhiều đất, cụ thể ở quận 7 và 9 tại TPHCM, nhưng sau đó bán đi để kiếm lời mà không cần phải đầu tư cơ sở hạ tầng.

Liệu có bất ổn hay không khi có nhiều công ty ở Việt Nam phát hành cổ phiếu để lấy tiền đầu tư vào địa ốc mà không dùng số tiền này cho việc mở rộng kinh doanh trong lĩnh vực họ đang hoạt động?

Thường trong quá trình hội nhập thì nhiều công ty mở rộng kinh doanh, hoặc chuyển sang các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh mới như viễn thông, hàng không… Đây là một điều bình thường, và đã xảy ra ở Anh, Mỹ, Úc…

Xin cảm ơn ông.

MỘNG BÌNH thực hiện

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới