Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tổng giám đốc WHO đối mặt sức ép từ chức

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tổng giám đốc WHO đối mặt sức ép từ chức

Lê Linh

(TBKTSG Online) – Phe Cộng hòa ở Mỹ yêu cầu Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tedros Adhanom Ghebreyesus, từ chức vì những yếu kém rong phản ứng chống dịch Covid-19 nhưng giới lãnh đạo trên thế giới tiếp tục ủng hộ ông trong cuộc chiến bảo vệ sức khỏe người dân trên toàn cầu.

Tổng giám đốc WHO đối mặt sức ép từ chức
Tổng thống Donald Trump (trái) chỉ trích Tổng Giám đốc WHO, Tedros Adhanom Ghebreyesus quản lý yếu kém mối đe dọa của dịch Covid-19. Ảnh: Reuters

Chỉ đóng góp cho WHO nếu Tổng giám đốc  từ chức

Hôm 16-4, 17 nghị sĩ đảng Cộng hòa thuộc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ gửi thư kêu gọi Tổng thống Donald Trump đóng băng những khoản đóng góp cho WHO cho đến khi Tổng Giám đốc WHO, Tedros Adhanom Ghebreyesus, từ chức.

Động thái trên thể hiện sự ủng hộ đối với ông Trump sau khi ông tuyên bố Mỹ sẽ ngừng đóng góp cho WHO để chờ tiến hành một cuộc điều tra về cách ứng phó đại dịch Covid-19 của WHO.

Tại cuộc họp báo ở Nhà Trăng hôm 14-4, Tổng thống Trump nói WHO đã không đảm đương được “nghĩa vụ cơ bản” trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Ông cáo buộc WHO đã quản lý quá yếu kém và che dấu mối đe dọa Covid-19, bao gồm việc lan truyền các thông tin sai của Trung Quốc về virus corona chủng mới (SAR-CoV-2) khi cho rằng virus này không thể lây lan giữa người với người và khuyến nghị các nước không cần phải cấm đi lại.

Ông cho rằng “việc WHO phụ thuộc vào các công bố của Trung Quốc có thể đã làm tăng số ca nhiễm Covid-19 lên gấp 20 lần”.

Tuyên bố của Trump về việc ngưng đóng góp cho WHO ngay lập tức vấp phải sự chỉ trích của nhiều lãnh đạo trên thế giới cũng như phe Dân chủ tại Mỹ.

Họ cho rằng WHO có thể cần phải được cải tổ nhưng ông Trump không nên gây khó cho WHO và mổ xẻ trách nhiệm của ông Ghebreyesus giữa lúc cuộc khủng hoảng Covid-19 vẫn đang ở giai đoạn cao trào và thế giới cần sự điều phối của tổ chức sức khỏe toàn cầu này.

Tại cuộc họp trực tuyến hôm 16-4 của các lãnh đạo khối 7 cường quốc công nghiệp G7, Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh cần tăng cường hợp tác toàn cầu để ứng phó dịch Covid-19 đồng thời bày tỏ sự ủng hộ tuyệt đối dành cho WHO.

Trong thư gửi cho Tổng thống Trump hôm 16-4, các nghị sĩ đảng Cộng hòa cho biết họ đã mất niềm tin với ông Ghebreyesus đồng thời đổi lỗi cho WHO và chính phủ Trung Quốc về mức độ trầm trọng của cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu hiện nay.

Họ cho rằng WHO đã lan truyền những thông tin sai do Trung Quốc cung cấp  trong giai đoạn đầu cuộc khủng hoảng dịch Covid-19

Thư có đoạn viết: “Điều này dẫn đến nhiều nước trên thế giới bao gồm đất nước chúng ta phải chống dịch Covid-19 với những thông tin thiếu hụt, khiến thời gian quý báu bị lãng phí”.

Trong thư cũng nêu rằng trước đây, ông Ghebreyesus thường ủng hộ chính sách và các thông điệp tuyên truyền của Trung Quốc và mối quan hệ gần gũi của ông với Trung Quốc đã làm “xói mòn khả năng phục vụ một cách vô tư của ông với tư cách là tổng giám đốc WHO”

Nhóm nghị sĩ cũng lưu ý Mỹ đóng góp cho WHO hơn bất cứ nước nào khác trên thế giới dù Mỹ có dân số thấp hơn một số nước.

Họ viết: “Mỹ là nước đóng góp lớn nhất cho WHO với hơn 893 triệu đô la Mỹ trong chu kỳ ngân sách hai năm hiện nay của WHO…Trong lúc đó, Trung Quốc đóng góp xấp xỉ 86 triệu đô la, tính cả khoản góp bắt buộc và tự nguyện”.

Dù vẫn ghi nhận vai trò quan trọng và có giá trị của WHO trong các chiến dịch bảo vệ sức khỏe trên toàn cầu, đặc biệt là trong tình huống nhân đạo nhưng họ đề xuất Tổng thống Trump chỉ nên ủng hộ các khoản đóng góp tự nguyện cho WHO trong năm tài chính 2020 với điều kiện ông Ghebreyesus từ chức.

Trái lại, phe Dân chủ kịch liệt phản đối việc Tổng thống Trump yêu cầu ngưng đóng góp cho WHO.  Chủ tịch hạ viện Mỹ, Nancy Pelosi, một thành viên của đảng Dân chủ, nói rằng quyết định của Trump là “nguy hiểm, bất hợp pháp” và bà sẽ làm bất cứ điều gì trong quyền lực của bà để đảo ngược quyết định này.

Bà nói rằng vai trò WHO rất quan trọng trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Bà chỉ trích Tổng thống Trump là một vị lãnh đạo yếu kém, thoái thác trách nhiệm về phản ứng không hiệu quả để ứng phó dịch bệnh.

Trong khi đó, tính đến ngày 17-4, một kiến nghị kêu gọi ông Ghebreyesus từ chức vì chậm trễ trong việc tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu trên trang web change.org đã đạt gần 1 triệu chữ ký ủng hộ.

Thế khó của WHO khi phải cân bằng ngoại giao

Giới phân tích cho rằng Tổng thống Trump đang muốn biến WHO thành “vật tế thần” để lẩn tránh những chỉ trích về phản ứng chậm trễ của Nhà Trắng trong cuộc chiến chống Covid-19, khiến Mỹ trở thành nước có số ca nhiễm và tử vong lớn nhất thế giới. Những chỉ trích này có thể khiến ông mất điểm trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới.

Thực tế, hôm 14- 1, WHO có chia sẻ những thông tin ban đầu từ các nhà nghiên cứu Trung Quốc nói rằng “không có bằng chứng rõ ràng” về khả năng virus SAR-CoV-2 lây nhiễm giữa người và người. Tuy nhiên, đến ngày 23-1, tức 3 ngày sau khi Mỹ ghi nhận ca nhiễm đầu tiên, WHO chính thức cảnh báo về khả năng này.

Về việc ông Tedros Adhanom Ghebreyesus ca ngợi Trung Quốc minh bạch và phản ứng nhanh chóng, giúp kìm hãm đà lầy lan của Covid-19, giới phân tích tỏ ra thông cảm vì ông cần dùng “những lời ngọt” để thuyết phục Trung Quốc mở rộng hợp tác.

Devi Sridhar, Giáo sư khoa y tế cộng đồng toàn cầu ở Đại học Edinburgh (Anh) tin rằng Trung Quốc đã trì hoãn công bố thông tin ở giai đoạn đầu của cơn bùng phát dịch Covid-19.

Song bà cũng cho rằng rất khó để đổ phần lớn lỗi cho WHO về cuộc khủng hoảng dịch Covid-19 hiện nay vì tổ chức này phải tìm cách cân bằng ngoại giao để thuyết phục các nước cùng nỗ lực chống dịch.

WHO không thể bắt buộc các nước chia sẻ thông tin về các cơn bùng phát dịch bệnh và chủ yếu trông chờ vào thiện chí hợp tác của họ.

Giáo sư Sridhar nhận định WHO sẽ nổi tiếng và được khen ngợi trên toàn thế giới “chỉ trong vòng 5 phút” nếu Tổng Giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus ra tuyên bố chỉ trích Trung Quốc mạnh mẽ ngay từ đầu nhưng một hành động như vậy sẽ cản trở cuộc chiến chống dịch Covid-19 trện toàn cầu.

Bà nói: “Làm như vậy sẽ được gì chứ? Ông ấy cần quay trở lại Trung Quốc và đề nghị Trung Quốc chia sẻ thông tin”

Bà tin rằng WHO thực sự đã gây áp lực để Trung Quốc phải minh bạch hơn trong giai đoạn đầu của dịch Covid-19 nhưng làm điều này ở hậu trường.

Bà nói: “Tôi nghĩ rằng có một sự khác biệt lớn trong ngoại giao giữa những tuyên bố công khai với báo chí và những việc làm thầm kín, thực sự thúc đẩy mọi việc tiến lên phía trước”

Theo The Hill, BBC

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới