Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tổng thống Mỹ rối trí vì “danh tướng ngoại tình”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tổng thống Mỹ rối trí vì “danh tướng ngoại tình”

Thái Bình

Tổng thống Mỹ rối trí vì “danh tướng ngoại tình”
Ông trùm CIA, tướng David Petraeus, người hùng của quân đội Mỹ, đã phải công khai thừa nhận "ngoại tình" và từ chức cuối tuần trước. Ảnh Reuters

(TBKTSG Online) – Một tuần sau ngày tái đắc cử, Tổng thống Mỹ Barack Obama phải đương đầu với một vụ tai tiếng đang lan rộng trong giới chỉ huy an ninh quốc gia của ông và có thể gây phức tạp cho việc tái cơ cấu bộ máy chính phủ, ảnh hưởng tới các quyết định chiến tranh ở Afghanistan và chiến lược “chuyển hướng” về châu Á.

Cuộc điều tra của Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) dẫn tới vụ từ chức Tổng giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) của tướng David Petraeus vì liên quan tới ngoại tình đã mở rộng sang tướng John Allen, chỉ huy quân đội Mỹ tại Afghanistan.

Các quan chức quốc phòng Mỹ đang xem xét hàng loạt thư điện tử “tán tỉnh” mà tướng Allen gửi cho Jill Kelley, một phụ nữ ở Florida. Việc bà này than phiền vì bị quấy nhiễu bởi bà Paula Broadwell – người viết tiểu sử cho tướng David Petraeus – đã dẫn FBI tới việc phơi bày chuyện tình vụng trộm giữa ông trùm CIA với hai người đàn bà này.

Hôm thứ Ba 13-11, tướng Allen đã bị “đặt dưới sự điều tra” vì “giao tiếp không thích hợp” với bà Jill Kelley.

Như vậy, cho đến nay vụ tai tiếng đã liên quan trực tiếp đến hai ông tướng 4 sao, đều là chỉ huy quân đội Mỹ tại Afghanistan, trong đó tướng John Allen là người kế nhiệm tướng David Petraeus khi ông này rời chiến trường để trở về phụ trách cơ quan tình báo CIA.

Hôm thứ Ba, phát ngôn nhân của Nhà Trắng Jay Carney phủ nhận khả năng vụ tai tiếng sẽ xói mòn an ninh của Mỹ và cho rằng Tổng thống Obama đặt lòng tin vào khả năng của tướng Allen trong việc tiếp tục chỉ huy có hiệu quả các lực lượng Mỹ giữa lúc cuộc điều tra diễn ra, cũng như tin tưởng ở Quyền tổng giám đốc CIA Michael Morell.

Cho dù là như vậy, vụ tai tiếng nổ ra vào một thời điểm rất không thuận lợi: ông Obama đang chuẩn bị xây dựng lại bộ máy chính phủ, bổ nhiệm những chức vụ còn khuyết ở bộ máy an ninh quốc gia và chuẩn bị chuyến công du nước ngoài đầu tiên của nhiệm kỳ mới, tới ba nước Đông Nam Á vào cuối tuần này.

Trong nỗ lực ổn định bộ máy an ninh quốc gia và bỏ vụ tai tiếng lại sau lưng, ông Obama bị buộc phải đẩy nhanh tiến trình bổ nhiệm nhân sự chủ chốt. Trong chức vụ Ngoại trưởng thay cho bà Hillary Clinton, ông phải chọn gấp một trong ba ứng viên sáng giá là Thượng nghị sĩ bang Massachusetts John Kerry, Đại sứ Mỹ tại Liên hiệp quốc Susan Rice và Cố vấn an ninh quốc gia Tom Donilon. Ông John Kerry, đảng Dân chủ, từng là tù nhân chiến tranh tại Hà Nội và sau đó đã cùng Thượng nghị sĩ John McCain của đảng Cộng hòa vận động Tổng thống Mỹ Bill Clinton hủy bỏ cấm vận và bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam năm 1995.

Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta nghe đâu cũng sẽ ra đi và người thay thế có thể là TNS John Kerry, Thứ trưởng Quốc phòng Aston Carter hoặc bà Michele Flournoy, cựu Giám đốc chính sách của Bộ trưởng Panetta. Nếu được chọn, bà Flournoy sẽ là nữ bộ trưởng quốc phòng đầu tiên của Mỹ.

Chức vụ tổng giám đốc CIA của tướng Petraneus vẫn đang để ngỏ và có khả năng ông Michael Morell, đang là quyền tổng giám đốc, sẽ đảm nhiệm nếu ông ta đánh bại được ông John Brennan, cố vấn về chống phản gián của Nhà Trắng.

Quyết định của Tổng thống Obama đề cử tướng John Allen làm chỉ huy quân đội của khối NATO tại châu Âu cũng đã bị đình hoãn sau vụ tai tiếng và chưa biết sẽ giải quyết như thế nào. Vị trí chỉ huy quân đội NATO không chỉ có vai trò quyết định trong cuộc chiến tranh tại Afghanistan mà còn có tác động đến toàn bộ hoạt động quân sự của Mỹ.

Những sự cố như vậy đã đặt Tổng thống Obama vào một tình huống khó xử: chuyến công du châu Á đầu tiên với một đội ngũ an ninh quốc gia gần như tê liệt.

Một số nhà lãnh đạo châu Á đã nghi ngờ cam kết quân sự của Mỹ tại khu vực này, nghi ngờ chính sách “chuyển hướng” (pivot) của Mỹ về khu vực kinh tế năng động nhất thế giới với một nước Trung Quốc ngày càng hung hăng.

Châu Á đang tìm các bằng chứng cho thấy những vấn đề tài chính ở Washington sẽ không tác động tiêu cực tới chiến lược này. Nhưng sự rối ren trên chính trường Mỹ hiện nay càng khiến cho nỗi hoài nghi của các nhà lãnh đạo châu Á thêm sâu sắc.

(theo Reuters)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới