Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tổng thống Trump không đặt “thời hạn cuối” cho thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tổng thống Trump không đặt “thời hạn cuối” cho thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung

Khánh Lan

(TBKTSG Online) – Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ông không đặt ra “thời hạn cuối” để đạt được thỏa thuận thương mại với Trung Quốc. Phát biểu này làm gia tăng nỗi hoài nghi về khả năng hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 trong năm nay.

Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung sẽ leo thang tới đâu?

Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung: Ai sẽ nhường bước trước?

Tổng thống Trump không đặt “thời hạn cuối” cho thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung
Tổng thống Donald Trump (phải) trong cuộc gặp với Jens Stoltenberg, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại London hôm 3-12. Ảnh: AP

Trao đổi với báo chí trong cuộc gặp với Jens Stoltenberg, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại London hôm 3-12, Tổng thống Trump nói ông không đặt ra thời hạn cuối để chốt thỏa thuận thương mại với Trung Quốc.

Ông còn nói thêm ông muốn chờ đến sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào cuối năm 2020 mới tiến đến thỏa thuận thương mại với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Phát biểu của ông Trump làm tăng thêm tình trạng không chắc chắn về tương lai của thỏa thuận thương mại giai đoạn một giữa Mỹ và Trung Quốc.

Mei Xinyu, một chuyên gia ở Bộ Thương mại Trung Quốc, cho biết chính phủ Trung Quốc đã chuẩn bị cho “kịch bản tồi tệ nhất” của chiến tranh thương mại.

Phát biểu của ông Trump được đưa ra giữa lúc các nguồn tin của Bắc Kinh và Washington cho biết hai bên đã đạt được các tiến triển trong đàm phán nhưng vẫn còn bất đồng về việc Trung Quốc đòi Mỹ dỡ bỏ bớt các biện pháp áp thuế với hàng hóa Trung Quốc và Mỹ yêu cầu Bắc Kinh cam kết mua tăng nông sản Mỹ với số lượng chi tiết.

“Phía Trung Quốc phải có quyền đưa ra đòi hỏi như vậy vì nước này đã cam kết tăng mua nông sản Mỹ. Xét theo một chừng mực nào đó, đây là một giao dịch”, một nguồn tin Trung Quốc nói.

Trong khi đó, một nguồn tin ở Washington nói rằng Mỹ sẵn sàng rút bỏ bớt thuế nhằm vào hàng hóa Trung Quốc nhưng cũng muốn Bắc Kinh đưa ra các nhượng bộ lớn hơn để ngăn chặn tình trạng cưỡng ép các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ như là điều kiện để kinh doanh tại nước này.

Các chuyên gia thương mại nhận định, Mỹ có khả năng dỡ bỏ mức thuế 15% áp vào 125 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc kể từ ngày 1-9, bao gồm nhiều mặt hàng tiêu dùng như loa thông minh, tai nghe Bluetooth, tivi, giày dép.

Nhưng các hành động gần đây của Tổng thống Trump với Brazil và Argentina khiến các quan chức Trung Quốc lo lắng vì không biết liệu ông có tuân thủ thỏa thuận sau khi ký kết. Trước đó, hôm 2-12, ông Trump thông báo sẽ áp thuế 25% và 10% lần lượt với thép và nhôm nhập khẩu với hai nước này vì đã “phá giá tiền tệ nghiêm trọng”. Thông báo này đảo ngược thỏa thuận hồi năm 2018, theo đó, Mỹ đồng ý cung cấp cho hai nước một hạn ngạch xuất khẩu thép và nhôm sang Mỹ với mức thuế thấp.

Trao đổi với báo chí hôm 3-12, Bộ trưởng Thương mại Mỹ, Wilbur Ross, nói rằng các quan chức cấp công tác của Mỹ và Trung Quốc vẫn đang đàm phán thỏa thuận thương mại giai đoạn một. Tuy nhiên, hai bên vẫn chưa sắp xếp các cuộc đàm phán cấp cao hơn.

Ông nói nếu không đạt được tiến triển rõ rệt trong đàm phán hoặc không đạt được thỏa thuận trước ngày 15-12, vòng áp thuế với hơn 150 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc bao gồm các mặt hàng tiêu dùng như máy tính, laptop, điện thoại di động, đồ chơi… sẽ có hiệu lực.

“Tôi nghĩ điều quan trọng là tổng thống đã tỏ rõ rằng ông không bị áp lực phải đạt được thỏa thuận”, Bộ trưởng Thương mại Mỹ cho biết.

Ông cho rằng điều quan trọng hơn là phải đạt được một thỏa thuận có lợi cho Mỹ hơn là vội vã đặt bút ký vào cuối năm nay hay năm sau.

Theo ông, nếu Tổng thống Trump trì hoãn đàm phán thương mại qua cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020, điều này có thể loại bỏ suy nghĩ của Trung Quốc tự cho rằng nước này đang có lợi thế đàm phán vì ông Trump cần một thỏa thuận thương mại để bảo đảm kinh tế Mỹ tăng trưởng ổn định trước thềm bầu cử.

Tuy nhiên Seema Shah, Giám đốc chiến lược ở Công ty Principal Global Investors, cho rằng ông Trump sẽ không muốn thị trường chứng khoán lao dốc mạnh như hồi cuối năm 2018 khi chiến tranh thương mại với Trung Quốc leo thang.

Seema Shah nói: “Chính phủ Trung Quốc tin rằng Tổng thống Trump đang rất muốn đạt được thỏa thuận thương mai vào cuối năm nay khi cuộc chạy đua cho cuộc bầu cử tổng thống Mỹ bắt đầu nóng lên. Phát biểu gần nhất của ông Trump chỉ là chiêu thức để giành thế cửa trên trong các cuộc đàm phán hiện nay".

Phát biểu của Tổng thống Trump đã khiến thị trường chứng khoán toàn cầu chìm ngập trong sắc đỏ. Chốt phiên giao dịch hôm 3-12, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 280,23 điểm (1,01%), trong khi đó hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite lần lượt giảm 0,66% và 0,6%.

Hôm 4-12, các thị trường chứng khoán châu Á cũng giảm điểm với chỉ số Nikkei 225 (Nhật Bản) giảm 1,05%, chỉ số Shanghai Composite (Trung Quốc) giảm 0,23% và chỉ số Hang Seng giảm 1,25%.

David Cheetham, Giám đốc phân tích thị trường ở Công ty XTB Limited, cho biết các chỉ số chứng khoán Mỹ tăng điểm trong những tháng qua nhờ một phần không nhỏ vào những tín hiệu tích cực trong đàm phán thương mại Mỹ-Trung.

Giờ đây, giới đầu tư và phân tích lo ngại thị trường chứng khoán Mỹ có thể biến động mạnh nếu như Mỹ và Trung Quốc không đạt được tiến triển cụ thể nào trước ngày 15-12.

Theo Wall Street Journal, Reuters

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới