Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

TP Hà Nội: công trình xây dựng hai bên đường Lê Văn Lương đúng quy hoạch

Thái Huy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – UBND thành phố Hà Nội vừa có văn bản trả lời phản ảnh của cử tri về quy hoạch đường Lê Văn Lương, trước kỳ họp HĐND thành phố sẽ diễn ra từ ngày 5 đến 8-12. Chính quyền thành phố cho biết các quy hoạch từ trước đến nay đều cho phép xây dựng nhà cao tầng hai bên đường Lê Văn Lương, cao nhất 45 tầng.

Theo UBND thành phố Hà Nội, qua các thời kỳ từ năm 2002 đến nay, trục Lê Văn Lương (trước hợp nhất) và Lê Văn Lương kéo dài (sau hợp nhất) luôn được xác định là xây dựng trục cao tầng. Ảnh minh họa: TTXVN

Theo TTXVN, cử tri phản ánh tuyến đường Lê Văn Lương thường xuyên ùn tắc do có nhiều khu đô thị, nhà chung cư; đề nghị thành phố kiểm tra lại quy hoạch, xử lý trách nhiệm cán bộ nếu có sai phạm. UBND TP Hà Nội đưa ra nhiều căn cứ pháp lý để khẳng định hai bên trục đường Lê Văn Lương được xây dựng đúng định hướng quy hoạch.

Theo đó, trên cơ sở Quyết định số 108/1998/QĐ-TTg của Thủ tướng về điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô, UBND thành phố phê duyệt Quy hoạch chi tiết tuyến đường Giảng Võ, Láng Hạ, Thanh Xuân (quyết định số 112/2002/QĐ-TTg), trong đó có đoạn Lê Văn Lương. Thời điểm này, trục đường Láng Hạ – Thanh Xuân (nối tiếp từ Giảng Võ đến Vành đai 2) được xác định xây dựng cao tầng, tối đa 33 tầng.

Năm 2008, cùng với việc hợp nhất Hà Nội với Hà Tây và một phần tỉnh Hòa Bình, Vĩnh Phúc, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Quy hoạch và Kiến trúc rà soát quy hoạch khu vực, nghiên cứu phương án định hướng không gian kiến trúc cảnh quan hai bên đường Lê Văn Lương và Phạm Hùng nhằm nâng cao chất lượng cảnh quan kiến trúc đô thị, xây dựng các tuyến phố văn minh hiện đại, hoàn chỉnh các dự án đầu tư hướng tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Trong quá trình thực hiện, Hà Nội đã có công văn gửi Bộ Xây dựng và được bộ này thống nhất về nguyên tắc chủ trương quy hoạch tổ chức không gian.

Theo Quyết định số 1259/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến đường Lê Văn Lương – Tố Hữu – Nguyễn Thanh Bình nằm trong khu vực nội đô mở rộng và chuỗi đô thị phía đông Vành đai 4, đi qua các quận Thanh Xuân, Cầu Giấy, Từ Liêm và Hà Đông. Các khu vực tuyến đường đi qua được phát triển mật độ cao, tiết kiệm đất, có không gian cao tầng tạo hình ảnh đô thị hiện đại.

Từ Quyết định 1259, năm 2015 thành phố Hà Nội ban hành quy hoạch phân khu đô thị H2-2 với chức năng hỗn hợp, tầng cao 30, 35 và cao nhất 45 tầng hai bên đường Lê Văn Lương. “Như vậy, chủ trương quy hoạch tuyến đường Lê Văn Lương đảm bảo thống nhất xuyên suốt các thời kỳ quy hoạch từ trước đến nay”, văn bản trả lời của UBND thành phố Hà Nội nêu.

Đường Lê Văn Lương dài khoảng 2 km, bắt đầu từ ngã tư giao với đường Láng, kết thúc tại ngã tư giao với vành đai 3. Ảnh chụp Google Map

Trang web của Bộ Xây dựng cũng thông tin vào tháng 5-2022, cơ quan này đã ban hành kết luận thanh tra, UBND thành phố Hà Nội và cơ quan chuyên môn nhiều lần điều chỉnh đồ án hoặc điều chỉnh cục bộ chấp thuận tổng mặt bằng, phương án kỹ thuật cho từng dự án trên tuyến đường Lê Văn Lương theo xu hướng chuyển đổi công năng thành nhà ở, tăng thêm tầng cao, tăng thêm diện tích sàn, có dự án tăng từ 5 thành 30 tầng.

Việc điều chỉnh sai quy định dẫn đến gia tăng dân số, chỉ tiêu quy hoạch không đảm bảo quy chuẩn xây dựng, thiếu đất dành cho giáo dục, trường học, cây xanh…

Trong kết luận thành tra, Bộ Xây dựng cũng chỉ ra nhiều chỉ tiêu hạ tầng xã hội, cây xanh của khu vực không đạt: không bố trí trạm y tế, sân luyện tập, chợ, trường học, đất công trình giáo dục không đạt 2,7m2/người. Diện tích đất trường mầm non thiếu hơn 12.000m2; diện tích đất cây xanh công cộng thiếu gần 35.000m2

Tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, ngày 3-11, đại biểu Lý Văn Huấn (Thái Nguyên) trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng, đã dẫn chứng việc xây dựng nhà cao tầng trên tuyến đường Lê Văn Lương là điển hình “phá vỡ quy hoạch tầm chiến lược và mất cảnh quan đô thị”. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị thừa nhận trong quá trình điều chỉnh quy hoạch ở một số địa phương, có trường hợp tùy tiện, chưa đảm bảo yêu cầu, quy chuẩn dẫn đến phá vỡ quy hoạch.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng trách nhiệm thuộc về cơ quan lập, thực hiện và điều chỉnh quy hoạch. Còn với trách nhiệm quản lý Nhà nước, Bộ Xây dựng đã thiếu đôn đốc, kiểm tra, giám sát, phát hiện cũng như hướng dẫn địa phương thận trọng trong điều chỉnh quy hoạch. Cơ quan này sẽ tiếp tục bổ sung chính sách về điều chỉnh quy hoạch; quy định rõ hơn việc thanh kiểm tra, xử lý vi phạm.

1 BÌNH LUẬN

  1. Nếu đúng quy hoạch thì xin lỗi, đó là một bản quy hoạch rất tồi, không dựa trên các chỉ tiêu quy hoach định lượng trên đầu người. Muốn nói gì thì cũng không qua được thực tế là kiểu quy hoạch này gây tắc nghẽn giao thông, bức bối, không đạt các tiêu chí về điện đường trường trạm, cây xanh, mặt nước, thoát và xử lý nước thải, xử lý rác, tác động giao thông, sự phù hợp của kiến trúc, dự trù vị trí các trạm xăng dầu, sạc xe điện,… Hy vọng những quy hoạch tồi như vậy sẽ không được phê duyệt để triển khai trong tương lai.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới