Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

TPHCM: 6 người tử vong vì sốt xuất huyết

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

TPHCM: 6 người tử vong vì sốt xuất huyết

Thu Hiền

Trẻ nhập viện do dịch bệnh TCM và SXH tại bệnh viện Nhi Đồng 1. Ảnh: Tuân Nguyễn

(TBKTSG Online) – Trong 6 tháng đầu năm nay, TPHCM đã có 5.200 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), trong đó có 6 trường hợp tử vong. Và dịch sốt xuất huyết sẽ diễn biến xấu trong thời gian tới khi thời tiết tiếp tục mưa nhiều.

Đó là thông tin tại cuộc họp giao ban quận huyện trong 6 tháng đầu năm tại Sở Y tế TPHCM hôm 15-7.

Ông Nguyễn Đắc Thọ, Phó giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng cho biết TPHCM có nguy cơ phải đối mặt với sự bùng phát của dịch SXH. Tính từ đầu năm nay tới thời điểm giữa tháng 6, số người mắc bệnh đã lên con số 5.200 ca, 6 trường hợp đã tử vong.

Điều đáng lo ngại là năm nay, dịch SXH tăng rất sớm vào đầu và giữa tháng 5. Tỷ lệ gia tăng bệnh cũng ở mức 27,8%, so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo ông Thọ, 6 ca tử vong do SXH cho đến thời điểm này là một điều đáng lo ngại vì cả năm 2008 mới chỉ có 12 ca tử vong, lại hầu hết rơi vào thời điểm cuối năm. Từ nay đến cuối năm, số ca mắc bệnh có thể không cao hơn năm ngoái nhưng số ca tử vong rất khó dừng lại ở con số 12 nếu không làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh trong thời điểm này.

Theo báo cáo từ các bệnh viện, số ca nhập viện do SXH cũng đang tăng. Ghi nhận tại Bệnh viện Nhi đồng 2, mỗi ngày cũng có hàng trăm bệnh nhi nhập viện điều trị vì SXH và các bệnh tạp (như viêm họng, viêm đường hô hấp trên, viêm amiđan…) trong đó khoảng 30% là SXH.

Còn theo số liệu thống kê về tình hình bệnh trẻ em tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 trong tháng 6-2009, do đang là mùa mưa nên theo chu kỳ, bệnh SXH tăng 30% về số lượt khám và 67% về số trường hợp nhập viện. Trong đó, số trường hợp SXH có sốc tăng gấp đôi từ 33 bệnh nhân trong tháng 5 lên 67 bệnh nhân trong tháng 6.

Cùng với dịch SXH, các bệnh tay chân miệng, tiêu chảy cấp, tiêu đàm máu, viêm phổi, viêm tiểu phế quản, quai bị, trái rạ đều tăng. Số liệu điều tra dịch tễ cho thấy bệnh tay chân miệng (TCM) cũng ghi nhận trên dưới 1.500 ca từ đầu năm tới nay (mỗi tuần có trung bình khoảng 50-70 ca TCM mới), nhưng cũng đã có 5 ca tử vong.

Các quận có số ca mắc TCM cao rơi vào các quận huyện đang có dịch SXH như Bình Chánh, Tân Phú, Thủ Đức, Củ Chi, Hóc Môn, Bình Tân. Theo BS Thọ, số ca TCM không gia tăng nhưng nguy cơ tử vong cao do vi rút EV 71. Bởi, năm 2007, chỉ trong một mùa dịch đã có 12 ca tử vong do vi rút nguy hiểm này.

Bác sĩ Lê Trường Giang, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết hai tháng qua, thành phố lo đối phó với dịch cúm nên các vấn đề về y tế dự phòng đối phó các dịch bệnh khác bị sao nhãng: “Dồn nhân lực và vật lực đối phó với đại dịch cúm mà quên đi nguy cơ SXH là rất nguy hiểm, trong khi hiện nay tại TPHCM, số hành khách cách ly kiểm dịch và giám sát ngày càng giảm khoảng 2-5% cho đến đầu tháng 7’’.

Vì vậy, ông Giang cho rằng đã đến lúc phải chú ý đến khuyến cáo người dân đối phó với dịch SXH và tay chân miệng. Và nhân lực y tế nên tập trung chống các dịch bệnh nguy hiểm này.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới