Thứ Năm, 28/09/2023, 22:11
34 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


TPHCM áp dụng đo lường đa chiều để xác định hộ nghèo

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

TPHCM áp dụng đo lường đa chiều để xác định hộ nghèo

Bảo Uyên

(TBKTSG Online) – Sáng ngày 8-3, Ban chỉ đạo chương trình giảm nghèo bền vững TPHCM đã tổ chức họp báo thông tin về kế hoạch khảo sát lập danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo tại thành phố giai đoạn 2016-2020.

TPHCM áp dụng đo lường đa chiều để xác định hộ nghèo
Một hộ dân đang sống trên bờ kênh Nhị Xuân, huyện Hóc Môn. Ảnh: Thái Ngọc

Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Văn Xê, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH kiêm Phó Ban chỉ đạo chương trình giảm nghèo bền vững TPHCM, cho biết 2016-2020 là giai đoạn chuyển tiếp của chương trình Giảm nghèo bền vững của thành phố, sử dụng song song phương pháp đo lường nghèo theo thu nhập và theo đa chiều với 5 chiều xã hội để xác định.

Trước khi lập danh sách các hộ nghèo, hộ cận nghèo, thành phố sẽ tiến hành khảo sát, thu thập thông tin theo phương pháp hộ dân tự điền vào phiếu khảo sát thực trạng đời sống dân cư năm 2016. Các cộng tác viên của phường, xã sẽ phối hợp với tổ dân phố phổ biến nội dung khảo sát và hướng dẫn cách ghi phiếu cho người dân. Thời gian cuộc khảo sát kéo dài từ 29-2 đến hết ngày 29-4.

Theo ông Xê, khoảng 450.000 hộ dân, tức hơn 20% tổng số dân TPHCM, sẽ tham gia cuộc khảo sát này. Đây là những hộ được phường, xã gửi danh sách lên. Tuy nhiên, nếu hộ dân nào tự thấy có đủ tiêu chí để xét hộ nghèo vẫn có thể đến phường, tổ dân phố để đăng ký trả lời phiếu khảo sát.

Tiêu chí xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo được áp dụng cho người dân có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú KT3 tại TPHCM.

Theo đó, 5 chiều xã hội trong phương pháp mới này bao gồm: giáo dục, y tế, việc làm và bảo hiểm xã hội, điều kiện sống và tiếp cận thông tin. Có 11 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các chiều xã hội cơ bản: (1) trình độ giáo dục của người lớn; (2) tình trạng đi học của trẻ em; (3) trình độ nghề; (4) tiếp cận các dịch vụ y tế; (5) bảo hiểm y tế; (6) việc làm; (7) bảo hiểm xã hội; (8) nhà ở; (9) nguồn nước sinh hoạt; (10) sử dụng dịch vụ viễn thông; (11) tài sản phục vụ tiếp cận thông tin.

Cách tính điểm các chỉ số như sau: trừ chỉ số thứ 10 và 11 về sử dụng dịch vụ viễn thông và tài sản phục vụ tiếp cận thông tin được cho 5 điểm/chỉ số; 9 chỉ số còn lại, mỗi chỉ số được cho 10 điểm. Như vậy, tổng số điểm thiếu hụt là 100 điểm. Điểm thiếu hụt của hộ gia đình sẽ bằng điểm thiếu hụt của tất cả các chỉ số cộng lại.

Với cách tính mới này, hộ nghèo là những hộ dân có một trong hai tiêu chí hoặc cùng lúc có cả hai tiêu chí: thu nhập bình quân từ 21 triệu đồng/người/năm trở xuống và có tổng số điểm thiếu hụt của 5 chiều nghèo từ 40 điểm trở lên; còn hộ cận nghèo là hộ có cả hai tiêu chí gồm thu nhập bình quân đầu người từ trên 21 triệu đồng/người/năm đến 28 triệu đồng/người/năm và tổng số điểm thiếu hụt 5 chiều nghèo là dưới 40 điểm (từ 0 đến 35 điểm).

Trao đổi với TBKTSG Online, bà Lê Thị Thanh Loan, Quản đốc dự án giảm nghèo đa chiều của TPHCM, cho biết phương pháp xác định hộ nghèo/cận nghèo đa chiều đã được thí điểm tại một số phường, xã ở các quận 6, 11, Tân Phú và huyện Bình Chánh.

“Mạng lưới nghèo đa chiều (MPPN) đã hỗ trợ Việt Nam kỹ thuật xây dựng các tiêu chí để xét chuẩn nghèo. Từ kết quả thí điểm, chúng tôi thấy so với việc chỉ dựa vào thu nhập như trước kia, phương pháp này giúp chính quyền thành phố xác định hộ nghèo/cận nghèo nhanh hơn và kịp thời có hướng giải quyết, giúp đỡ người dân”, bà Loan nói.

Phương pháp nghèo đa chiều do Tổ chức OPHI (sáng kiến giảm nghèo và phát triển con người) của Đại học Oxford (Anh) xây dựng và hiện đang được áp dụng tại 32 nước như Mexico, Philippines, Bhutan… Phương pháp này được áp dụng lần đầu tiên trong  trong Báo cáo Phát triển con người của Liên hiệp quốc vào năm 2010, sử dụng để tính Chỉ số nghèo đa chiều (MPI) thay thế cho Chỉ số nghèo con người (HPI).

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới