Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

TPHCM: Bắt đầu trục xuất cơ sở kinh doanh tại chung cư

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

TPHCM: Bắt đầu trục xuất cơ sở kinh doanh tại chung cư

Cao Ban

TPHCM: Bắt đầu trục xuất cơ sở kinh doanh tại chung cư
Phần lớn căn hộ chung cư 42 Nguyễn Huệ được dùng để kinh doanh. Ảnh: Thành Hoa

(TBKTSG Online) – Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) TPHCM vừa có văn bản nhắc nhở tất cả doanh nghiệp trong vòng 15 ngày phải dời văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh ra khỏi căn hộ chung cư.

Hơn 2.000 doanh nghiệp có trụ sở tại chung cư

Văn bản này nói rõ, trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở KH-ĐT) ra thông báo, doanh nghiệp không được kinh doanh tại căn hộ chung cư và phải nộp hồ sơ thay đổi địa chỉ trụ sở chính, địa điểm hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh tại căn hộ chung cư sang địa điểm khác không phải là căn hộ chung cư (trừ phần diện tích nhà chung cư dùng để kinh doanh).

Nếu các doanh nghiệp không nộp hồ sơ, Sở 
KH-ĐT sẽ phối hợp với Sở Xây dựng và UBND các quận huyện nơi doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đặt trụ sở để xử lý theo quy định.

Sở KH-ĐT ra văn bản này nhằm thực thi các quy định của Nghị định 99/2015 hướng dẫn Luật Nhà ở. Theo nghị định này, các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được cấp giấy tờ đăng ký kinh doanh tại căn hộ chung cư phải chuyển địa điểm kinh doanh này sang địa điểm khác không phải chung cư trong vòng sáu tháng, kể từ ngày 10-12-2015 (ngày có hiệu lực của nghị định này). Như vậy, sau ngày 10-6-2016, hộ gia đình, cá nhân không được phép dùng căn hộ chung cư làm địa điểm kinh doanh nữa.

Thế nhưng, đến thời điểm này – đã quá hạn chót di dời 6 tháng, vẫn có nhiều doanh nghiệp thản nhiên hoạt động tại các chung cư trên địa bàn TPHCM. Chẳng hạn, tại chung cư 42 Nguyễn Huệ (quận 1), hiện vẫn còn hơn 30 căn hộ được dùng vào mục đích kinh doanh. Trao đổi với TBKTSG Online, ông  Trần Quốc Thắng, thành viên Ban quản lý chung cư cho biết, hiện chung cư này chỉ còn 7-8 hộ dân sinh sống, các hộ còn lại đã chuyển đi nơi khác và dùng căn hộ của mình cho người khác thuê lại kinh doanh.

“Chúng tôi không quản được vì chủ căn hộ muốn cho ai thuê thì thuê. Đi kèm đó là các vấn đề an toàn cháy nổ, tội phạm, ma túy… không biết ai sẽ quản lý. Việc yêu cầu họ di dời hay không được phép kinh doanh tại căn hộ chung cư đều phụ thuộc vào cơ quan chức năng”, ông Thắng nói.

Khi được hỏi về yêu cầu di dời địa điểm kinh doanh, đại diện một doanh nghiệp có trụ sở kinh doanh tại chung cư 42 Nguyễn Huệ cho biết doanh nghiệp rất khó có thể di dời ngay trong 15 ngày. “Tìm được địa điểm mới với giá cả phù hợp tốn rất nhiều thời gian. Hơn nữa, mọi địa chỉ nhận thư từ, hóa đơn của công ty đã ổn định, để di dời ra một địa điểm mới cần phải thông báo cho ngân hàng, cơ quan thuế, các đối tác và khách hàng biết”, vị này chia sẻ.

Theo Sở KH-ĐT TPHCM, hiện thành phố có khoảng 2.000 doanh nghiệp đăng ký trụ sở ở chung cư, 1.300 doanh nghiệp đăng ký trụ sở ở cao ốc và có trên 10.000 doanh nghiệp đăng ký trụ sở trong tòa nhà.

Luật chưa chặt

Ông Cù Thanh Đức,  Phó phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở KH-ĐT TPHCM, cho biết trên thực tế, nhiều chung cư vẫn được doanh nghiệp đăng ký làm trụ sở là do lách chữ “chung cư” thành “tòa nhà” hoặc thậm chí không đề “chung cư” vào địa chỉ đăng ký. Đây là phần không kiểm soát được khi doanh nghiệp đăng ký địa điểm kinh doanh do luật không bắt buộc doanh nghiệp phải kê khai địa chỉ hoạt động là chung cư.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn Luật sư TPHCM) phân tích, Điều 80 của Nghị định 99 cấm dùng căn hộ chung cư làm địa điểm kinh doanh, nhưng nghị định này chỉ ghi là “địa điểm kinh doanh” mà lại không định nghĩa địa điểm kinh doanh là gì.

“Luật Doanh nghiệp định nghĩa địa điểm kinh doanh là nơi mà doanh nghiệp tiến hành hoạt động kinh doanh cụ thể. Hiểu một cách thông thường như thế thì Nghị định 99 chỉ cấm dùng căn hộ chung cư làm địa điểm kinh doanh chứ không cấm làm trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện. Như vậy, quy định của nghị định này chưa chính xác”, ông Phượng phân tích.

Còn nếu viện dẫn quy định “căn hộ phải sử dụng đúng mục đích” để không cho đăng ký, xử phạt vi phạm hành chính thì vẫn được, vẫn đúng pháp luật. Luật sư Phượng cho rằng, Nghị định 99 cần phải sửa đổi cho chính xác tránh để luật quy định không rõ “nơi kinh doanh”, khiến người dân phải chịu thiệt hại, thời gian, công sức và ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh.

Luật sư Phượng nhận định, việc kinh doanh tại các căn hộ chung cư vẫn diễn ra bất chấp quy định pháp luật vì hiện mới chỉ quy định hành vi bị cấm mà không có quy định về việc xử phạt, khó buộc người vi phạm tự nguyện thực thi.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới