TPHCM: Các doanh nghiệp lớn chỉ mong… không lỗ
Chủ tịch TPHCM Lê Hoàng Quân đang trao đổi cùng đại diện các sở, ngành và các doanh nghiệp nhà nước trong cuộc họp ngày 2-3 - Ảnh: YD |
(TBKTSG Online) - Cuộc họp giao ban cuối tháng kéo dài bốn giờ tại hội trường UBND TPHCM nhằm tìm giải pháp để đối phó với khủng hoảng đang tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của TPHCM.
Lãnh đạo các tổng công ty nhà nước lớn trong phần trình bày đều đặt mục tiêu “duy trì bằng năm trước, ổn định lao động”.
Ông Nguyễn Văn Thọ, Tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn cho biết, trong tình hình khó khăn hiện nay, tổng công ty chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng của các công ty con chỉ bằng khoảng 90%, công ty mẹ tăng trưởng 124% so với năm ngoái. Còn ông Nguyễn Tiến Dũng - Tổng giám đốc Tổng công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn (Samco) - cho biết năm nay cố gắng duy trì doanh thu bằng như năm ngoái.
Theo kế hoạch sản xuất - kinh doanh năm 2009 thì doanh thu chỉ tiêu là 12.490 tỉ đồng (chỉ tăng 2% so với doanh thu 12.268 tỉ đồng của năm 2008, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 70% so với năm 2008 (259 tỉ đồng so với 335 tỉ đồng).
Ông Dũng cho biết trong hai tháng đầu năm, nhà máy sản xuất xe buýt của Samco tại Củ Chi đã tạm dừng hoạt động vì không có hợp đồng, nhưng tháng 3 đã hoạt động trở lại vì ký được hợp đồng với một số khách hàng khu vực phía Bắc. Tổng công ty nỗ lực duy trì chính sách lương cho công nhân như năm 2008.
Ông Huỳnh Văn Minh, Tổng giám đốc Satra cho biết một số doanh nghiệp trực thuộc chuyên về xuất khẩu thủy sản, nông sản đang gặp khó khăn vì nhiều khách hàng tại Mỹ từ chối hợp đồng. Nhiều doanh nghiệp có trại nuôi cá tra, cá basa vừa qua đã phải ngưng hoạt động do có quá nhiều rủi ro, bấp bênh. "Điều chúng tôi lo ngại hiện nay không phải là giảm giá sản phẩm mà là không có đơn hàng," ông Minh nói.
Trong vai trò chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM, ông Minh cho rằng mặc dù thành phố cũng đưa ra quỹ kích cầu và chương trình cho vay hỗ trợ lãi suất của chính phủ nhưng mang tính lý thuyết nhiều hơn, vì doanh nghiệp nhỏ và vừa rất khó tiếp cận với vốn vay. Ông Minh cho biết, nhiều doanh nghiệp hiện tại vẫn đang gặp khó khăn vì trước đây vay vốn với lãi suất cao, do đó, họ ngại ngần khi tiếp cận với việc vay vốn mới - mặc dù lần vay vốn mới có thể được hỗ trợ lãi suất.
Một đại diện từ Tổng công ty Bến Thành cũng cho biết doanh nghiệp chỉ đặt ra mục tiêu duy trì sản xuất, ổn định công việc cho người lao động, tranh thủ mua nguyên liệu giảm giá và tính toán để tạo đầu ra thị trường.
Về phía Tổng công ty du lịch Sài Gòn (Saigontourist), Phó tổng giám đốc Nguyễn Huyên cho biết, tổng công ty tăng cường hợp tác với Vietnam Airlines, các doanh nghiệp lữ hành để đưa ra nhiều chương trình giảm giá. Bên cạnh đó, Saigontourist đẩy mạnh việc thu hút khách từ khu vực châu Á, Đông Nam Á thay cho các thị trường trọng điểm là Mỹ và châu Âu.
Vừa qua, UBND TPHCM cũng ra quyết định 18 ban hành “Chương trình hành động thực hiện chủ trương kích cầu đầu tư và tiêu dùng trên địa bàn TPHCM từ nay đến năm 2010”. Theo đó, trong nhóm giải pháp kích cầu đầu tư, TPHCM tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giúp doanh nghiệp tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng ưu đãi để tranh thủ đầu tư, đổi mới công nghệ, mở rộng sản xuất kinh doanh nhằm đáp ứng kịp thời các đơn hàng xuất khẩu.
Nguồn vốn cho chương trình này gồm: nguồn phát hành trái phiếu đô thị (khoảng 20.000 tỉ đồng); nguồn vay từ các ngân hàng; nguồn thu vượt năm 2008 để lại cho thành phố; nguồn quỹ kích cầu đầu tư và tiêu dùng của Chính phủ...
SONG NGUYÊN
Kinh tế thành phố sụt giảm qua 2 tháng Tính chung hai tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn ước đạt 2,63 tỉ đô la Mỹ, giảm 17,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chủ yếu là do dầu thô - chiếm tỷ trọng đến 33,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu - giảm giá bình quân 55,7%, và thị trường xuất khẩu hàng hóa tiếp tục gặp nhiều khó khăn do khủng hoảng kinh tế thế giới. Trong hai tháng đầu năm, khách quốc tế đến thành phố ước đạt 520.000 lượt người, giảm 10% so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách trên địa bàn qua hai tháng ước thực hiện 19.153 tỉ đồng, đạt 15,6% dự đoán, giảm 10% so cùng kỳ. Một tín hiệu khả quan là tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ trong hai tháng đầu năm ước đạt 42.189 tỉ đồng, tăng 18,9% so với cùng kỳ. S.N |