Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

TPHCM cần cân nhắc cơ chế đặc thù cho giáo dục

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

TPHCM cần cân nhắc cơ chế đặc thù cho giáo dục

Thanh Uyên

TPHCM cần cân nhắc cơ chế đặc thù cho giáo dục
Khi được áp ụng cơ chế đặc thù, học sinh ở TPHCM sẽ học chương trình giáo dục riêng – Ảnh: B.U

(TBKTSG Online) – TPHCM vừa kiến nghị Chính phủ xin triển khai một cơ chế đặc thù về giáo dục. Đồng tình với quan điểm này nhưng những người làm giáo dục cũng cảnh báo rằng nếu không có sự chuẩn bị kỹ càng thì học sinh, giáo viên thành phố sẽ chịu nhiều thiệt thòi.

Nếu đề xuất này được thông qua, các trường trên địa bàn thành phố sẽ được tự chủ về tài chính và nhân sự. Riêng về chương trình, sách giáo khoa, thi cử, dù vẫn tuân thủ chương trình khung của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), nhưng TPHCM đề xuất thực hiện chương trình giáo dục phù hợp với thực tiễn của địa phương và được chủ động tổ chức thi và công nhận tốt nghiệp THPT.

Trao đổi với TBKTSG Online, ông Nguyễn Kim Hồng, nguyên Hiệu trưởng Đại học Sư phạm TPHCM cho rằng với cơ chế này, ngành giáo dục thành phố sẽ được cởi bỏ nhiều quy định không phù hợp với địa phương, tạo động lực phát triển, hoà nhập với giáo dục khu vực.

Theo ông Hồng, tự chủ tài chính không có nghĩa là các trường không được cấp kinh phí từ ngân sách. Trái lại, các trường được tự chủ về tài chính trên cơ sở khoán chi ngân sách/học sinh. Các chi phí khác sẽ do trường xây dựng đề án thu chi để đảm bảo chi lương cho giáo viên đúng với công sức lao động của họ. Nhà trường có quyền miễn, giảm các khoản thu cho học sinh những gia đình nghèo, cấp học bổng cho những học sinh xuất sắc. 

Tự chủ về tài chính cũng như các quyền tự chủ khác, nhất là các quyền về tổ chức bộ máy (tuyển dụng và sử dụng giáo viên), quyền sử dụng tài liệu học tập (trong đó có sách giáo khoa), tổ chức các hoạt động trong nhà trường (kế hoạch giáo dục, kiểm tra đánh giá…) theo quy định của Luật Giáo dục… sẽ tạo sự cạnh tranh giữa các trường và sức ép trau dồi chuyên môn cho giáo viên."

Tất nhiên là Luật Giáo dục cần phải thay đổi để phù hợp với thực tế. Nhưng nếu TPHCM được áp dụng cơ chế tự chủ, người hưởng lợi không chỉ là học sinh, phụ huynh khi có nhiều sự lựa chọn trường học hơn; mà thu nhập của giáo viên cũng sẽ được cải thiện tùy theo năng lực của mình. Đơn cử một ví dụ về chuyện nhân sự, công tác tư vấn tâm lý trong trường học là hết sức cần thiết nhưng hiện nay đội ngũ làm công tác này vẫn không có chức danh, mã ngạch giáo viên tư vấn tâm lý trong các cơ sở giáo dục. Nếu được tự chủ nhân sự, đội ngũ này sẽ được đầu tư, học sinh được chú trọng phát triển toàn diện”, ông Hồng nói. 

Tuy nhiên, về chương trình học, ông Hồng cho biết không đồng ý với TPHCM về việc làm bộ sách giáo khoa riêng. Theo ông Hồng, cơ quan quản lý về giáo dục chỉ nên giữ vai trò kiểm định sách. Các trường phổ thông phải được quyền lựa chọn sách giáo khoa cho trường mình.

“Có sự cạnh tranh về sách giáo khoa thì mới nâng cao được chất lượng giáo dục. Nghĩa là không chỉ TPHCM có thể làm sách giáo khoa riêng, mà các tổ chức học thuật, các đơn vị phát hành tư nhân… cũng cần có quyền biên soạn sách giáo khoa. Và khi đó sự cạnh tranh về chất lượng sách giáo khoa, các trường mới thật sự có nhiều hơn một lựa chọn về bộ sách giáo khoa sẽ áp dụng”, ông Hồng giải thích.

Cũng theo ông Hồng, một vấn đề nữa cần quan tâm ở đây là ngân sách thực hiện. Ngân sách cho một chương trình giáo dục mới sẽ là rất lớn và TPHCM phải tính toán đường dài chứ không thể thực hiện thí điểm một vài năm không thành công rồi quay lại quy định cũ. Hơn nữa, được giao quyền tự chủ là lợi thế nhưng nếu không thanh tra, giám sát tốt, nó sẽ là con dao hai lưỡi đối với ngành giáo dục. Lúc ấy, người thiệt thòi cuối cùng vẫn là học sinh, giáo viên.

“Nhiều người cho rằng, việc chỉ ưu tiên cho mỗi TPHCM thực hiện cơ chế đặc thù là không công bằng với các địa phương khác. Nhưng học sinh, nguồn nhân lực tương lai được đào tạo trong môi trường giáo dục mới này đâu chỉ làm việc cho mỗi TPHCM mà có thể cho nhiều địa phương khác”, ông Hồng nói.

Một giáo viên đang công tác tại TPHCM cũng thể hiện sự đồng tình với cơ chế đặc thù về giáo dục trong tương lai của TPHCM. Theo giáo viên này, nhiều chủ trương, chính sách hiện đã không thể theo kịp sự phát triển của xã hội. Chẳng hạn, nếu vẫn phải tuân thủ quy định về số tầng của trường trung học, TPHCM sẽ gặp khó khăn khi mà số lượng học sinh ngày càng tăng theo sự gia tăng của dân số, trong khi quỹ đất có hạn mà lại không thể nâng tầng cho trường. 

"Còn chờ đợi luật và các tiêu chuẩn, quy chuẩn được cập nhật cho phù hợp thì không biết đến khi nào. Cơ chế đặc thù – vì vậy sẽ là một giải pháp đáng được cân nhắc. Một địa phương được hưởng cơ chế đặc thù trong giáo dục có sự tương đồng với một đặc khu kinh tế ở hai vai trò quan trọng: thí nghiệm các cải cách và tạo bước đột phá trong phát triển. Chính vì vậy, nếu được hưởng cơ chế đặc thù, giáo dục TPHCM sẽ không chỉ được hưởng lợi từ sự tự chủ mà còn phải gánh trên vai áp lực rất lớn phải cải cách thành công, trước khi trở thành mô hình để các địa phương khác học tập”, giáo viên này nói.

Giáo viên này cũng cho rằng, việc thay đổi bộ sách giáo khoa chỉ có ý nghĩa nếu các trường có nhiều hơn một bộ sách giáo khoa được giới thiệu và lựa chọn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới