Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

TPHCM cần vốn và hợp tác để phát triển du lịch MICE

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

TPHCM cần vốn và hợp tác để phát triển du lịch MICE

Đào Loan

TPHCM cần vốn và hợp tác để phát triển du lịch MICE
Các diễn giả trao đổi về phát triển TPHCM thành điểm đến nóng tiếp theo trong ngành du lịch MICE – Ảnh: Đào Loan

(TBKTSG Online) – TPHCM có tiềm năng phát triển thành một điểm đến về du lịch sự kiện (MICE) nhưng ngành du lịch cần vốn và sự hợp tác giữa các điểm đến lân cận để có thể biến tiềm năng thành thực tế.

Tiềm năng cao nhưng vẫn xếp hạng thấp

Hầu hết các chuyên gia và doanh nghiệp trong hội thảo "TPHCM có trở thành điểm nóng tiếp theo trong ngành du lịch MICE toàn cầu" do Ban Du lịch và Nhà hàng thuộc Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam tổ chức vào sáng nay (9-9) tại TPHCM đều cho rằng thành phố có đủ các điều kiện để trở thành một điểm đến về du lịch MICE (hội họp, hội nghị, triển lãm…).

MICE mang lại hiệu quả kinh tế lớn và theo số liệu dẫn ra tại hội thảo thì cứ 1 đô la Mỹ mà du khách chi cho MICE sẽ mang đến từ 7-10 đô la Mỹ cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, Hiệp hội Quốc tế về Hội thảo và Hội nghị (ICCA) cho biết TPHCM xếp thứ 141 trong bảng xếp hạng các thành phố phát triển dịch vụ này; xếp sau Hà Nội, nơi giữ vị trí thứ 125.

Các chuyên gia, doanh nhân cho rằng TPHCM có nhiều điều kiện cần thiết như cơ sở hạ tầng, dịch vụ khách sạn, kết nối hàng không phát triển và lại là một trung tâm kinh tế năng động của cả nước và cả quyết tâm của ngành du lịch muốn phát triển MICE. Tuy nhiên, mảng này vẫn ì ạch vì vẫn thiếu nhiều thứ và những lợi thế hiện có thì chưa được vận hành tốt để tạo thành lực đẩy cho du lịch MICE.

Bà Bùi Viết Thủy Tiên, Giám đốc Điều hành Công ty Asian Trails Co., cho rằng, ở góc độ doanh nghiệp, thách thức là TPHCM vẫn chưa xây dựng được thương hiệu là một thành phố cho du lịch MICE để khách hàng dễ nhận diện, chưa phát triển được những sản phẩm phụ trợ cho khách MICE, và giao thông chưa tốt.

"Trong đó, cải thiện giao thông là một yêu cầu cấp bách. Hiện nay, để tổ chức cho đoàn MICE lớn đi trong nội thành là một vấn đề rất khó khăn của công ty du lịch," bà nói.

Bà Tôn Nữ Thị Ninh, chuyên gia về giáo dục và văn hóa, cũng cho rằng cần có những dịch vụ du lịch khác như mua sắm, du lịch sinh thái, cũng như phải xây dựng được thương hiệu thì TPHCM mới có thể phát triển thành một điểm đến về MICE. "Chúng ta cần có những kế hoạch hành động, thời gian thực hiện cụ thể và phải có sự kết nối, quảng bá tốt thì mới phát triển được," bà nói.

Ông Glenn Koh, giám đốc vùng Việt Nam, Campuchia và Lào thuộc Tổng cục Du lịch Singapore, cho rằng kinh nghiệm của Singapore (điểm đến xếp thứ 6 về MICE trong bảng xếp hạng của ICCA) là muốn du lịch MICE phát triển, trước hết cần phải hoàn thiện về cơ sở hạ tầng như sân bay, giao thông cũng tạo môi trường tốt cho doanh nghiệp trong nước và nước ngoài hoạt động. Nhiều doanh nghiệp hoạt động thì sẽ có nhiều sự kiện được tổ chức, góp phần vào sự phát triển của mảng du lịch này.

Tương tự như những diễn giả khác, ông cho rằng ngành du lịch cũng không nên chỉ nhắm vào MICE mà phải phát triển song song nhiều mảng du lịch khác để các dịch vụ hậu thuẫn cho nhau. "Chúng tôi phát triển đồng thời cả MICE và du lịch thuần túy. Số liệu cập nhật gần nhất vào năm 2013 cho thấy, Singapore có 3,5 triệu lượt khách MICE với tổng doanh thu là 5,5 tỉ đô la Singapore," ông Koh trao đổi bên lề với TBKTSG Online.

Đoàn MICE của một doanh nghiệp tại Việt Nam – Ảnh: Quỳnh Thư

Tìm ngân sách và cách kết nối

Kinh nghiệm được đưa ra là muốn phát triển du lịch MICE thì phải có kinh phí để đầu tư, và để có ngân quỹ lớn thì phải có sự hợp tác công – tư. Thêm vào đó, TPHCM phải hợp tác với các địa phương, thậm chí hợp tác với các điểm đến cạnh tranh để tạo thêm sản phẩm cho mảng du lịch này.

Về hợp tác công tư, kinh nghiệm của Singapore cho thấy, trước hết ngành du lịch phải chủ động làm việc với các ngành khác, kết nối với doanh nghiệp để tạo ra những chương trình có hiệu quả. "Chính doanh nghiệp là nơi gợi ý cho chúng tôi cần phải làm gì và khi doanh nghiệp cần hỗ trợ, chúng tôi sẽ hợp tác, thậm chí hỗ trợ tài chính, có khi lên đến 50% cho những sự kiện cần thiết," ông Koh trao đổi với TBKTSG Online.

Cũng theo ông, sự hợp tác công – tư cũng là cách để xây dựng ngân quỹ dành cho MICE. Chính phủ đóng góp một phần, doanh nghiệp cũng tham gia bởi sẽ được hưởng lợi nếu du lịch phát triển. Ông Koh nói rằng không thể công bố kinh phí mà Singapore dành cho MICE mỗi năm nhưng cho biết cơ quan quản lý du lịch rất linh động khi thực hiện các kế hoạch phát triển.

"Khi có sự kiện, có những đoàn đặc biệt, cơ quan du lịch sẽ đứng ra kêu gọi các doanh nghiệp tham gia. Lúc này, họ không chi tiền cho chúng tôi làm mà đóng góp bằng các dịch vụ tổ chức của doanh nghiệp," ông nói.

Cũng theo ông Koh, để làm MICE thì cơ quan quản lý du lịch không nên chỉ nhắm đến cạnh tranh điểm đến mà phải hợp tác. "Chúng tôi không chỉ nhìn đơn lẻ một điểm đến Singapore mà nhìn ASEAN như là một vùng du lịch để kết nối nhằm có thêm thị trường, sản phẩm," ông nói.

Bà Ninh cùng ông Ralf Osterndorf, Giám đốc Quản lý Thị trường VisitBerlin Marketing, cũng đồng ý với nhận định là phải hợp tác giữa các điểm đến. "Tôi rất đồng ý với quan điểm nhìn ASEAN là một vùng du lịch. Chúng ta phải kết nối, chẳng hạn du khách có 5 ngày thì 3 ngày ở Singapore còn hai ngày ở Malaysia hay Việt Nam. Sự hợp tác sẽ làm phong phú cho sản phẩm", bà Ninh nói.

Đọc thêm:

DN đặt 6.000 cuộc hẹn tại Hội chợ du lịch Quốc tế

Làm du lịch MICE thời nay

Tour chèo thuyền du ngoạn kênh Nhiêu Lộc đã mở

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới