TPHCM: Cần xây đê bao và hồ chứa để chống ngập
Phi Tuấn
![]() |
Nhiều giải pháp chống ngập được các chuyên gia đề xuất dù chưa lượng hóa được mức độ ảnh hưởng của các nguyên nhân. Ảnh: Phi Tuấn |
(TBKTSG Online) – Để chống ngập ở TPHCM hiện nay, điều cần thiết là phải tiếp tục xây dựng hệ thống đê bao cùng các hồ chứa nước, là phát biểu của một chuyên gia tại hội thảo bàn về các giải pháp chống ngập, do Đại học Tôn Đức Thắng phối hợp với Hội tư vấn khoa học công nghệ và quản lý TPHCM tổ chức hôm 26-5.
“Đê bao là một giải pháp cứng, là một điều kiện cần đối với vấn đề ngăn triều chống ngập”, ông Nguyễn Ngọc Công, Phó giám đốc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập TPHCM nói.
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online bên lề hội thảo, ông Công nói TPHCM sẽ không xây đê bao theo dạng truyền thống vì nền đất yếu, mà bằng giải pháp đóng các bản cọc cừ dự ứng lực ở khu vực ngoại thành, và ở nội thị thì bằng giải pháp kè sông, xây tường đứng để ngăn lũ, chống ngập, đồng thời kết hợp với chỉnh trang đô thị. Dự kiến quý 4 năm nay thành phố sẽ triển khai giải pháp này.
Đối với vấn đề xây dựng hệ thống hồ chứa, gồm điều tiết nước mưa ở vùng cao, và hồ điều hòa nước triều ở vùng thấp, ông Công cho biết hiện thành phố đang làm đề cương quy hoạch, và các sở ngành đang xem xét phê duyệt.
Theo đó, khi cấp đất cho các nhà đầu tư, ngoài phần diện tích cho cây xanh còn cần phải có thêm diện tích hồ điều tiết, được nối vào hệ thống thoát nước của thành phố. Các chuyên gia tỏ ra nhất trí với đề nghị xây dựng hồ chứa nước, xem đó là một biện pháp hữu hiệu để giải quyết tình trạng ngập lụt ở một thành phố trũng với hơn 60% diện tích nằm dưới mực nước sông.
Theo giáo sư Lê Huy Bá, Đại học Công nghiệp TPHCM, ngập lụt đô thị đã trở thành một vấn đề của các thành phố trên cả nước, chứ không riêng TPHCM, và đang ngày càng trở nên phức tạp, khó giải quyết. Ông đề nghị thành phố cần triển khai một loạt các giải pháp như đào kênh vành đai, xây dựng hồ điều hòa ở một số khu vực, theo dạng chìm, nửa nổi nửa chìm, và hồ sinh thái nhằm điều tiết lượng nước ở thành phố.
Ông Bá tỏ ra nghi ngờ với giải pháp công trình đê bao thành phố, vì theo ông, nếu không có hồ điều hòa, thì đê bao cũng chính là đê chắn không cho nước thoát ra mỗi khi thành phố bị ngập lụt. Ông đề nghị cần phải tính toán rất kỹ về công trình đắp đê chống ngập.
Theo một chuyên gia, cho đến nay, giới khoa học và quản lý dường như vẫn chưa lượng hóa được bằng các số liệu khoa học các nguyên nhân gây nên ngập lụt, từ yếu tố mưa, lũ, triều cường hay do chính quy hoạch gây nên. “Các số liệu chung chung, dựa trên những cảm tính, rất khó nhận được sự quan tâm của nhà nước, của cộng đồng và của giới tài trợ quốc tế để có các giải pháp giải quyết tận gốc”, vị này nói.