Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

TPHCM: Cấp nước sạch gặp khó vì xâm nhập mặn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

TPHCM: Cấp nước sạch gặp khó vì xâm nhập mặn

Văn Nam

TPHCM: Cấp nước sạch gặp khó vì xâm nhập mặn
Hồ Dầu Tiếng chứa một lượng nước lớn đẩy mặn cho sông Sài Gòn – Ảnh: Văn Nam

(TBKTSG Online) – Từ đầu năm 2016 đến nay nhiều nhà máy nước tại TPHCM buộc phải ngưng lấy nước thô từ sông Sài Gòn, sông Đồng Nai nhiều lần bởi xâm nhập mặn ngày càng khốc liệt, khiến cho hoạt động khai thác nước sạch cung cấp cho thành phố gặp nhiều khó khăn.

Các sông Sài Gòn, Đồng Nai là nguồn cung cấp nước thô cho các nhà máy nước của TPHCM với công suất sản xuất nước sạch gần 3 triệu m3/ngày đêm.

Theo thông tin mà Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) đưa ra hôm nay, hiện tượng El Nino đang gây hạn hán, tác động nghiêm trọng đến nguồn nước sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, gây thiếu nước, xâm nhập mặn. Hoạt động sản xuất của hàng loạt nhà máy nước sạch đang khó khăn.

Theo phân tích của Sawaco, dự báo trong năm 2016 trữ lượng nước về các hồ đầu nguồn giảm mạnh. Trong đó, lượng nước tích trữ của hồ Dầu Tiếng trên thượng nguồn sông Sài Gòn hiện nay là 928 triệu m3, chỉ đạt khoảng 76%, và lượng nước tích trữ của hồ Trị An trên sông Đồng Nai chỉ đạt khoảng 80% so với trung bình hằng năm.

Lưu lượng nước sông về hạ nguồn giảm kết hợp với triều cường đã dẫn tới xâm nhập mặn lấn sâu về thượng nguồn sông Sài Gòn, ảnh hưởng trực tiếp tới trạm bơm nước thô Hòa Phú (tại Bến Than, Củ Chi) và tác động nghiêm trọng đến hoạt động của nhà máy nước Tân Hiệp (có công suất 300.000 m3/ngày).

Cụ thể, độ mặn nước sông Sài Gòn từ cuối tháng 1-2016 đến nay thường xuyên vượt ngưỡng 150 mg/lít và ngưỡng 200 mg/lít nhiều giờ mỗi ngày. Nhiều thời điểm, đặc biệt là ngay trong tết Nguyên đán, độ mặn tại Hòa Phú vượt quy chuẩn khá cao buộc nhà máy nước Tân Hiệp phải ngừng lấy nước thô trong nhiều giờ.

Để khắc phục, nhà máy nước Tân Hiệp đã yêu cầu Công ty Khai thác Thủy lợi Dầu Tiếng – Phước Hòa hỗ trợ xả nước đẩy mặn nhiều đợt, đồng thời Tổng công ty đề nghị Nhà máy nước Kênh Đông (Củ Chi) vận hành tăng cường công suất để bổ trợ nước sạch cho Nhà máy nước Tân Hiệp trong các thời điểm độ mặn lên cao để bù đắp sản lượng thiếu hụt.

Trong khi đó, trên sông Đồng Nai, xâm nhập mặn cũng đã ảnh hưởng trực tiếp đến trạm bơm nước thô của nhà máy nước Bình An (nằm ở khu vực hạ lưu gần Cầu Đồng Nai, Biên Hòa). Có nhiều ngày độ mặn liên tục tăng cao vượt 250 mg/lít, buộc nhà máy nước Bình An phải tạm ngừng khai thác nước thô và gián đoạn hoạt động sản xuất.

Mặc dù vị trí khai thác nước thô trên sông Đồng Nai của các nhà máy nước khác như Thủ Đức, BOO Thủ Đức, Thủ Đức 3 tại trạm Hóa An sông Đồng Nai độ mặn chưa vượt quy chuẩn nhưng cũng có xu hướng tăng và tình trạng thiếu nước cũng đã gây ra nhiều khó khăn cho vận hành, sản xuất.

Theo nhận định của Sawaco, ảnh hưởng của hiện tượng El Nino vẫn còn gay gắt, đồng thời do trữ lượng nước hiện tại của các hồ đầu nguồn thấp nên nguy cơ thiếu nước và xâm nhập mặn sẽ tiếp diễn cho đến hết mùa khô năm 2016 và có thể tiếp tục gây ra những tác động xấu đến hệ thống cấp nước thành phố.

Hơn nữa với ảnh hưởng ngày càng rõ nét của biến đổi khí hậu cũng như vấn đề ô nhiễm môi trường trong thời gian tới, các tác động bất lợi đến nguồn nước sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn.

Về giải pháp lâu dài, Sawaco đang triển khai các bước đầu tư cải tiến công nghệ xử lý nước; nâng cao dung tích và khả năng dự phòng của các công trình chứa nước sạch; nghiên cứu khai thác các nguồn nước mới. Đáng chú ý nhất là giải pháp xây dựng các hồ dự trữ nước thô để đảm bảo khả năng cung cấp nước thô cho các nhà máy ứng phó với xâm nhập mặn và ô nhiễm nguồn nước.

Xem thêm:

>> Nguồn nước cho TPHCM bị đe dọa ra sao?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới