Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

TPHCM cấp phép thành lập Công viên Silicon

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

TPHCM cấp phép thành lập Công viên Silicon

Quốc Hùng

TPHCM cấp phép thành lập Công viên Silicon
Ông Nguyễn Minh Hiếu (trái), Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Công viên Sài Gòn Silicon, đón nhận giấy chứng nhận đầu tư phát triển dự án Khu Sài gòn Silicon City tại SHTP, từ Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Mạnh Hà -Ảnh: Quốc Hùng

(TBKTSG Online) – Mô hình khu công nghệ "Silicon Valley" của Mỹ sẽ được phát triển tại khu công nghệ cao TPHCM qua một nhà đầu tư Việt Kiều từ Mỹ.

Ngày hôm nay, 27-4, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ – Kinh doanh Địa ốc Việt R.E.M.A.X, Công ty TNHH Vector Fabrication Việt Nam và ông Nguyễn Trung Quang đã nhận giấy chứng nhận đầu tư thành lập Công ty cổ phần Công viên Sài Gòn Silicon để phát triển dự án xây dựng hạ tầng khu Saigon Silicon City tại Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP) ở Quận 9.

Ông Nguyễn Minh Hiếu, Việt kiều Mỹ, cũng là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Công viên Sài gòn Silicon, cho biết dự án này có tổng vốn đầu tư khoảng 860 tỉ đồng (tương đương 40 triệu đô la Mỹ), sẽ được phát triển trên diện tích 52 héc-ta tại SHTP.

Ông Hiếu nói: "Chúng tôi mong muốn xây dựng phát triển Saigon Silicon City thành một đô thị thông minh đẳng cấp quốc tế theo mô hình thung lũng Silicon, sẵn sàng về cơ sở hạ tầng tiện ích, dịch vụ hỗ trợ để thu hút các doanh nghiệp là người Việt Nam ở nước ngoài và doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt là các doanh nghiệp trong khu vực thung lũng Silicon về đầu tư nghiên cứu và sản xuất sản phẩm công nghệ cao, cũng như công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp nghệ cao."

Dự án dự kiến sẽ được khởi công xây dựng vào tháng tới và bắt đầu thu hút đầu tư vào đầu năm 2016 với tổng vốn đầu tư khi lấp đầy khoảng 1,5 tỉ đô la Mỹ. Ông Hiếu cho biết bản thân ông hoạt động trong lĩnh vực bán dẫn công nghệ cao có mối quan hệ làm ăn với nhiều Việt kiều ở các nước hoạt động cùng ngành cũng như các tập đoàn nước ngoài, nhờ đó có thể thu hút được những doanh nghiệp này đầu tư vào dự án.

Trong giai đoạn đầu, ông Hiếu cho biết dự án đã thu hút được sự quan tâm của 24 doanh nghiệp là người Việt Nam ở nước ngoài cũng như một số tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao muốn đầu tư sản xuất tại đây.

Ông Hiếu tin rằng dự án sẽ thu hút được nhiều nguồn vốn phát triển công nghệ cao hơn nữa cũng như góp phần vào việc phát triển công nghiệp hỗ trợ, nhằm nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm công nghệ cao của các tập đoàn công nghệ bán dẫn và điện tử đã và đang đến Việt Nam.

Trước đó, UBND TPHCM đã đồng ý với Ban Quản lý Khu công nghệ cao TPHCM về việc dành ưu đãi cao nhất để thu hút người Việt Nam ở nước ngoài đầu tư vào dự án nói trên trong SHTP nằm ngay tại cửa ngõ phía Đông thành phố.

Cũng tại buổi lễ này, Ban Quản lý khu Công nghệ cao TPHCM đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho dự án xây dựng Công viên Thiên niên kỷ trong khu cho Trường Đại học Nguyễn Tất Thành với vốn đầu tư khoảng 900 tỉ đồng, tương đương 41,6 triệu đô la Mỹ.

Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng là đại diện nhà đầu tư cho biết dự án theo mô hình công viên Thiên Niên kỷ ở Chicago (Mỹ) này sẽ được phát triển trên khu đất rộng 22,7 héc-ta gồm các hạng mục: vườn ươm và cây cảnh ba miền; công viên khoa học (tháp Thiên niên kỷ, quảng trường năng lương mặt trời, khu ăn uống, mua sắm và giải trí, Trung tâm biểu diễn ngoài trời có mái che, trung tâm triển lãm khoa học kỹ thuật, khu vui chơi giải trí….); quảng trường chính; và bảo tàng thiên nhiên – nhà kính sản xuất nông nghiệp kỹ thuật cao. Ông Hùng cho biết dự án sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác vào đầu năm 2017.

Theo lãnh đạo Ban quản lý khu công nghệ cao TPHCM, dự án nhằm tạo môi trường xanh, ươm tạo các loại cây giống, cải thiện vi khí hậu, giảm thiểu các chất ô nhiễm từ khói, bụi, tiếng ồn, sóng điện từ; tạo cảnh quan đặc trưng riêng trong khu công nghệ cao của thành phố hài hòa, phù hợp với điều kiện tự nhiên. Tại đây sẽ ứng dụng công nghệ cao thông qua các ứng dụng năng lượng xanh, vật liệu xây dựng mới và phương pháp nông nghiệp kỹ thuật cao. Học sinh, sinh viên và các nhà nghiên cứu có thể tham gia và học hỏi các lĩnh vực về công nghệ, năng lượng và nông nghiệp đô thị kỹ thuật cao.

Ngoài ra, dự án cũng nhằm phục vụ cộng đồng, thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan, vui chơi, nghỉ dưỡng, mua sắm… thông qua các sự kiện văn hóa, triển lãm, hội thảo…

Đây là dự án thứ ba của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đầu tư vào SHTP. Trước đó, trường đã đón nhận giấy chứng nhận đầu tư Trung tâm Phát triển Công nghệ cao và Trung tâm Đào tạo Công nghệ cao tại đây. Những dự án này nằm trong đề án phát triển trường đến năm 2020, đưa Trường ĐH Nguyễn Tất Thành phát triển theo mô hình trường đại học trọng điểm, định hướng nghiên cứu kết hợp ứng dụng, đào tạo đa ngành.

Định hướng của trường là sẽ trở thành trung tâm đào tạo đạt chuẩn quốc tế các ngành kỹ thuật công nghệ cao: công nghệ thông tin, công nghệ cơ điện tử – tự động hóa, công nghệ sinh học, vật liệu mới; là trung tâm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ hàng đầu về công nghệ cao của TPHCM và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Hiện nay Khu Công nghệ cao TPHCM đã tiếp nhận 68 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký khoảng 4,1 tỉ đô la Mỹ. Giá trị xuất khẩu luỹ tiến của doanh nghiệp hoạt động tại Khu công nghệ cao TPHCM tính từ khi đi vào hoạt động đến nay đạt gần 10 tỉ đô la Mỹ và giá trị nhập khẩu đạt gần 8,8 tỉ đô la Mỹ.

Mời đọc thêm:

>>> Vốn vào Khu công nghệ cao TPHCM tăng mạnh nhờ Samsung

>>> TPHCM ưu đãi tối đa để hình thành "Công viên Silicon"

>>> SHTP: Nhiều ưu đãi khi đầu tư vào Khu Không gian khoa học

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới