Chủ Nhật, 28/05/2023, 16:02
30 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


TPHCM đặt kỳ vọng vào công nghiệp vi mạch

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

TPHCM đặt kỳ vọng vào công nghiệp vi mạch

Quốc Hùng

TPHCM đặt kỳ vọng vào công nghiệp vi mạch
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Mạnh Hà (trái) và Thứ trưởng Bộ Thông tin -Truyền Thông Nguyễn Minh Hồng chủ trì Hội nghị triển khai chương trình phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM – Ảnh: Quốc Hùng

(TBKTSG Online) – Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Mạnh Hà cho biết năm 2013 là năm quan trọng để thành phố triển khai chương trình phát triển vi mạch. Tuy nhiên vấn đề trở ngại là chính sách phát triển thị trường như thế nào để doanh nghiệp an tâm đầu tư.

>>> TPHCM thực hiện chương trình phát triển vi mạch

Tại Hội nghị triển khai chương trình phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM diễn ra ngày 15-3, ông Hà cho rằng, TPHCM hiện có đầy đủ cơ sở để phát triển công nghiệp vi mạch. "Trong năm nay, chúng tôi sẽ tập trung ngân sách của thành phố để phát triển ngành này. Hiện TPHCM đã có kinh phí cho nghiên cứu, cho sản xuất thực nghiệm, cũng như kinh phí cho phát triển sản phẩm vi mạch", ông Hà nói.

Cũng theo ông Hà, tuy Chính phủ đã có chính sách chung ưu đãi phát triển công nghệ cao như được vay tới 85% vốn đầu tư, được hỗ trợ vốn vay… nhưng để việc phát triển ngành này hiệu quả thì cần có chính sách phát triển thị trường cho nhà đầu tư; chẳng hạn như chính sách xây dựng hàng rào kỹ thuật để bảo vệ sản phẩm trong nước sản xuất.

Tại Hội nghị, nhiều đại biểu kiến nghị cần khuyến khích nhà nước, các ngành ngân hàng, an ninh, kỹ thuật… sử dụng vi mạch trong nước sản xuất để vừa đảm cho nhà sản xuất có thị trường tốt tại chỗ, đồng thời góp phần đảm bảo về độ an toàn, an ninh cho người sử dụng so với nhập khẩu hiện nay.  

Trước câu hỏi của Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online về ý kiến lo ngại rằng TPHCM xuất phát điểm phát triển ngành này quá chậm so với các nước hiện nay liệu có cạnh tranh được, ông Hà cho rằng việc đi sau sẽ giúp thành phố rút được kinh nghiệm của các nước đi trước để thực hiện tốt hơn. Mặt khác, theo ông Hà, hiện nay một nguồn lực người Việt sống ở nước ngoài có kinh nghiệm làm việc lĩnh vực này lâu năm cho biết họ sẵn sàng hỗ trợ TPHCM phát triển ngành vi mạch và nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài đã liên hệ yêu cầu hợp tác đầu tư.

TPHCM vẫn chưa xác định thời điểm cho ra sản phẩm vi mạch đầu tiên song ông Hà lưu ý vấn đề mà Ban chỉ đạo cần thực hiện ngay là đào tạo lực lượng nghiên cứu, thiết kế chíp, đào tạo nguồn nhân lực để sẵn sàng khi nhà máy sản xuất vi mạch đi vào hoạt động, có thể ngay trong năm 2014.

Từ giữa năm ngoái UBND TPHCM đã đưa ra “Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM” với mục tiêu đến năm 2017, ngành vi mạch sẽ đạt doanh thu 100 – 150 triệu đô la Mỹ, đào tạo khoảng 2.000 kỹ sư, kỹ thuật viên, ươm tạo khoảng 30 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vi mạch.

Dự tính, chi phí ban đầu cho chương trình là 7.506 tỉ đồng. Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn là chủ dự án xây dựng nhà máy sản xuất chip điện tử được đặt tại Khu công nghệ cao TPHCM với vốn đầu tư 6.000 tỉ đồng, dự kiến cung cấp cho thị trường khoảng 1,8 tỉ con chip/năm với doanh thu khoảng 90 triệu đô la Mỹ/năm.

Ở các hội nghị về phát triển công nghiệp vi mạch của TPHCM trước đây, hầu hết các chuyên gia trong và ngoài nước nhận định, nếu chương trình phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM được thực hiện sẽ góp phần giảm nhập siêu cho nền kinh tế và kiềm chế lạm phát; đồng thời nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm điện tử Việt Nam và góp phần tích cực trong việc tạo điều kiện cho Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

TPHCM hợp tác với Nhật, Singapore phát triển công nghệ vi mạch

Ông Hajime Tomokage (trái), đại diện Hội Công nghệ Vi mạch bán dẫn Nhật Bản ký ghi nhớ với Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch HSIC – Ảnh: Quốc Hùng

Ngày 15-3, Hội Công nghệ vi mạch bán dẫn TPHCM (HSIC) đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Hội Công nghệ Vi mạch bán dẫn Nhật Bản và Hội Công nghệ Vi mạch bán dẫn Singapore về phát triển công nghệ vi mạch bán dẫn. Mục đích chính của thỏa thuận này là nhằm hướng tới những cơ hội hợp tác thương mại giữa các bên đồng thời thu hút đầu tư.

Hội Công nghệ vi mạch bán dẫn TPHCM được thành lập theo quyết định của UBND TPHCM vào cuối năm rồi và chính thức ra mắt vào ngày 15-3 và Giáo sự Đặng Lương Mô được bầu làm Chủ tịch danh dự và ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông là Chủ tịch Hội. Đây là hội đầu tiên trong cả nước về lĩnh vực vi mạch được thành lập. Hội là một tổ chức xã hội tự nguyện của các cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu, đào tạo, phổ biến, ứng dụng, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ngành vi mạch bán dẫn tại TPHCM. Qua đó nhằm tập hợp, đoàn kết, giúp đỡ nhau nâng cao trình độ kiến thức chuyên môn ngành vi mạch bán dẫn.

Tại Hội nghị triển khai Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch nói trên, các đơn vị trong nước như Ban Cơ yếu Chính phủ, Học viện Kỹ thuật Quận sự – Bộ Quốc phòng, Cục Công nghệ Thông tin – Bộ Tổng tham mư, Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM và Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Thiết kế Vi mạch (ICDREC) – Đại học Quốc gia TPHCM đã ký Bản cam kết về hợp tác trong triển khai đào tạo nguồn nhân lực; phối hợp nghiên cứu và phát triển các sản phẩm vi mạch phục vụ lĩnh vực an ninh quốc phòng…

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới