Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

TPHCM đầu tư gần 264.000 tỉ đồng vào ĐBSCL

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

TPHCM đầu tư gần 264.000 tỉ đồng vào ĐBSCL

Trung Chánh

(TBKTSG Online) – Qua 12 năm hợp tác liên kết (tính từ năm 2001), các doanh nghiệp của TPHCM đã tham gia đầu tư vào 23 khu công nghiệp và trên 1.000 dự án đầu tư khác ở khắp các tỉnh, thành vùng ĐBSCL với tổng nguồn vốn đăng ký đạt 263.937 tỉ đồng.

TPHCM đầu tư gần 264.000 tỉ đồng vào ĐBSCL
Nông, thủy sản là những mặt hàng thế mạnh của ĐBSCL được hệ thống siêu thị của Sai Gon Co.op mang về tiêu thu khá nhiều tại TPHCM. Trong ảnh là nhân công đang vận chuyển ghẹ về nơi tiêu thụ – Ảnh: Trung Chánh

Đó là thông tin được ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết tại hội nghị “Trao đổi giữa UBND 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL và TPHCM – Hội nghị G 13+1” trong khuôn khổ diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL Vĩnh Long năm 2013 (MDEC- Vĩnh Long 2013) – được tổ chức ở Vĩnh Long vào hôm nay (26-11).

“Các lĩnh vực được doanh nghiệp của TPHCM quan tâm và tập trung đầu tư vào ĐBSCL thời gian qua, gồm nông nghiệp, thủy sản; hạ tầng giao thông, đô thị; khu công nghiệp và thương mại du lịch…”, ông Quân cho biết.

Theo ông Nguyễn Phong Quang, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, Trưởng ban chỉ đạo MDEC Vĩnh Long- 2013, việc hợp tác, liên kết giữa ĐBSCL và TPHCM trong những năm qua là điều kiện quan trọng giúp phát triển kinh tế ĐBSCL, nâng cao đời sống người dân, bởi TPHCM là địa phương có vị trí quan trọng, là cửa ngõ giao lưu với nhiều nước trên thế giới, có tiềm lực về khoa học công nghệ, có nguồn nhân lực chất lượng cao.

Đặc biệt, TPHCM có nhiều doanh nghiệp quy mô lớn và là thị trường tiêu thụ hàng hóa nông, thủy sản quan trọng của ĐBSCL.

“Với những ưu thế đó, tôi khẳng định ĐBSCL rất cần quan hệ hợp tác với TPHCM để phát triển và ngược lại”, ông khẳng định. 

Đồng quan điểm trên, ông Quân của UBND TPHCM, cho rằng liên kết hợp tác giữa địa phương và ĐBSCL đã góp phần giúp ĐBSCL chuyển dịch nhanh và mạnh về cơ cấu kinh tế; môi trường đầu tư được cải thiện; hiệu quả sản xuất từng bước được nâng cao cả chất và lượng.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu tham dự hội nghị đánh giá việc liên kết hợp tác này thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế nên sự phát triển kinh tế nội vùng và liên vùng ĐBSCL chưa phát huy hết được tiềm năng.

Các đại biểu tham dự hội nghị G 13+1 bắt tay nhau thể hiện quyết tâm hợp tác, liên kết cùng nhau phát triển – Ảnh: Trung Chánh

Ông Quang của Ban chỉ đạo Tây Nam bộ dẫn chứng: “Chẳng hạn như hiệu quả kinh tế mang lại cho doanh nghiệp, nhà đầu tư và người lao động còn thấp; số vốn đăng ký đầu tư của doanh nghiệp TPHCM tại các tỉnh, thành vùng ĐBSCL vẫn chưa nhiều, tiến độ triển khai các dự án đã đăng ký còn chậm”.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, một số đại biểu chỉ ra do thiếu định hướng sản xuất, sản phẩm giá trị gia tăng của ĐBSCL còn ít, dù được cải thiện cả chất và lượng.

TPHCM là khu vực tiêu thụ một lượng lớn hàng nông sản của ĐBSCL, tuy nhiên, do nông dân tự sản xuất, chưa có định hướng nâng cao năng suất, chất lượng từ nhà quản lý nên chưa thể tạo ra được nhiều sản phẩm chất lượng cung cấp cho TPHCM, dù ĐBSCL có điều kiện đưa sản phẩm của nông dân về TPHCM thông qua hệ thống siêu thị Sai Gon Co.op (Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM) được hình thành khắp các tỉnh, thành  vùng ĐBSCL.

Theo một đại biểu, nếu liên kết  và hình thành được một số nhà máy chế biến giá trị gia tăng, chẳng hạn, chế biến trái xoài, cam thành những sản phẩm công nghiệp để tiêu thụ ở TPHCM và xuất khẩu sẽ giúp ích rất nhiều cho phát triển kinh tế ĐBSCL, nâng cao thu nhập người dân.

Bà Nguyễn Thị Hạnh, đại diện Sai Gon Co.op, cho biết đơn vị này đang có chiến lược phát triển và mở rộng hệ thống siêu thị trong cả nước đến năm 2015 đạt con số 100, trong đó, mỗi địa phương ở ĐBSCL có ít nhất 1 siêu thị của Sai Gon Co.op nhằm đưa hàng hóa về vùng nông thôn tiêu thụ và ngược lại lấy hàng hóa nông, thủy sản từ ĐBSCL về TPHCM bán.

“Ngoài phát triển mạng lưới, Sai Gon Co.op đang liên kết bao tiêu hàng hóa của nông dân ĐBSCL và đưa về TPHCM tiêu thụ. Chẳng hạn, liên kết với nông dân Tiền Giang tiêu thụ xoài cát hòa lộc, vú sữa, gạo, thanh long; liên kết với nông dân Long An tiêu thụ mặt hàng rau, dưa hấu; với Vĩnh Long có bưởi, quýt; với Kiên Giang liên kết đưa hàng thủy hải sản về TPHCM tiêu thụ”, bà Hạnh nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới