Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

TPHCM: Đề án bình ổn giá đến năm 2015 còn nhiều vướng mắc

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

TPHCM: Đề án bình ổn giá đến năm 2015 còn nhiều vướng mắc

Thái Hằng

(TBKTSG Online) – Trong cuộc họp góp ý hoàn thiện dự thảo đề án về việc tạo nguồn hàng thiết yếu giúp bình ổn giá thị trường quanh năm từ nay đến năm 2015 tại UBND TPHCM với sự có mặt của nhiều doanh nghiệp và sở ban ngành, vẫn có nhiều ý kiến cho rằng dự thảo chưa đi vào thực tế, chủ yếu xung quanh vấn đề giá cả và nguồn hàng.

Ông Nguyễn Mạnh Tuệ, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM, cho rằng cần phải xem xét kỹ việc “bình ổn giá cả thị trường Tết, đã được thực hiện 7 năm nay khác xa với bình ổn giá liên tục đến 9 mặt hàng kéo dài 5 năm với tình hình giá cả vẫn luôn thay đổi theo quy luật thị trường”.

Cũng có ý kiến cho rằng việc bình ổn giá, nếu không nghiên cứu kỹ sẽ làm “méo mó thị trường”. Chẳng hạn, cùng kinh doanh gạo, nhưng một doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn vay bình ổn có thể bán với giá thấp hơn giá thị trường 10%, sẽ thu hút người mua hơn so với những doanh nghiệp không được trợ vốn.

Bên cạnh đó, còn có ý kiến lo ngại hàng hóa bình ổn được bán trong siêu thị với giá thấp, trong khi giá ngoài thị trường tăng mạnh, vô tình sẽ tạo điều kiện để nhiều người đi mua đi bán lại, hưởng chênh lệch như đã diễn ra dịp Tết Canh Dần vừa qua.

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho rằng, đối với nguồn hàng thực phẩm cũng cần hỗ trợ riêng cho doanh nghiệp để đầu tư chăn nuôi và giết mổ vì nguồn hàng đòi hỏi sắp tới rất lớn. Hiện nay hầu như các doanh nghiệp chế biến và kinh doanh thực phẩm (như thịt và thịt chế biến) đều mua hàng từ các địa phương và tỉnh lân cận.

Một vấn đề nữa chưa được đề cập trong chương trình là nguồn thực phẩm nhập. Hàng ngày thành phố tiêu thụ 120.000 con gà, trong đó doanh nghiệp giết mổ chỉ đạt 45.000-50.000 con, số còn lại là phải nhập. Nếu chỉ tập trung vào hàng tự sản xuất của doanh nghiệp mà không tính đến hàng nhập khẩu sẽ không có hiệu quả.

Về vấn đề vốn vay cho doanh nghiệp tham gia bình ổn giá, theo trong dự thảo thì “doanh nghiệp được vay vốn không lãi hoặc lãi suất ưu đãi tại Công ty Đầu tư tài chính hoặc Quỹ hỗ trợ tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa bảo lãnh vay vốn mà không cần thế chấp”. Điều này, ông Vương Đức Hoàng Quân, đại diện Công ty Đầu tư tài chính, cho rằng sẽ có nhiều rủi ro khi cho doanh nghiệp vay một số tiền có thể lên đến hàng trăm tỉ đồng mà không đòi hỏi thế chấp. “Vì thế, cần xem lại cơ chế cho vay”, ông Quân nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới