TPHCM: Đề xuất xây hồ chứa nước thô ở Củ Chi
Văn Nam
![]() |
Hồ Dầu Tiếng là nguồn cung cấp nước đẩy mạnh chính cho TPHCM. Ảnh: TL |
(TBKTSG Online) – Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) vừa có văn bản gởi Thành ủy, UBND TPHCM đề xuất xây dựng một hồ dự trữ nước thô có dung tích khoảng 1,35 triệu mét khối với diện tích 23 héc ta tại huyện Củ Chi ngay trong giai đoạn 2016-2017.
Sawaco cho rằng "điểm yếu" về nguồn nước cho thành phố hiện nay là vẫn chưa có đủ nguồn nước thô và các công trình xử lý nước dự phòng.
Do vậy, theo Sawaco, việc cấp bách xây hồ chứa nước thô quy mô lớn nói trên giúp đảm bảo cung cấp nước thô cho nhà máy nước Tân Hiệp hoạt động liên tục trong thời gian từ 1-3 ngày khi xảy ra tình trạng xâm nhập mặn và ô nhiễm trên sông Sài Gòn.
Theo Sawaco, giải pháp xây hồ dự trữ nước thô đã được áp dụng hiệu quả ở một số nước trên thế giới như Hà Lan, Nhật Bản … Tại TPHCM, tình hình biến đổi khí hậu, ô nhiễm, xâm nhập mặn xảy ra thường xuyên và gia tăng nên để đảm bảo nguồn nước cho hàng triệu dân cần phải nhanh chóng xây hồ dự trữ nguồn nước.
Tính đến nay, tổng công suất cấp nước của 6 nhà máy nước tại thành phố khoảng 2,1 triệu m3/ngày. Trong đó, bốn nhà máy đang khai thác nước thô từ sông Đồng Nai và hai nhà máy khai thác nguồn nước thô sông Sài Gòn.
Tuy nhiên, báo cáo của Sawaco cũng cảnh báo thực trạng đáng lo ngại rằng hiện nay nguồn nước sông Sài Gòn và sông Đồng Nai có xu hướng gia tăng ô nhiễm, đặc biệt là sông Sài Gòn, với nhiều chỉ tiêu hữu cơ, ammonia, vi sinh tăng nhanh và đã vượt quy chuẩn chất lượng nước mặt dùng cho cấp nước sinh hoạt.
Chưa hết, gần đây do tác động của biến đổi khí hậu nên tình trạng thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô diễn ra ngày càng gay gắt. Từ đầu năm 2016 đến nay El Nino đã ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống cấp nước thành phố, xâm nhập mặn đã làm một số nhà máy nước phải ngừng lấy nước thô từ sông trong nhiều thời điểm do độ mặn vượt mức cho phép, chi phí sản xuất nước gia tăng.
Một trong những “điểm yếu” của ngành cấp nước thành phố hiện nay chính là năng lực dự phòng hệ thống cấp nước hiện hữu của thành phố còn hạn chế, như chưa có đủ nguồn nước thô và các công trình xử lý nước dự phòng, chưa có các bể chứa nước sạch dự trữ…
Theo ông Nguyễn Văn Đam, Giám đốc Công ty Dịch vụ Thủy lợi TPHCM, thành phố là địa bàn bị động về nguồn nước bởi toàn bộ nguồn nước thành phố đang sử dụng đều chảy về từ các địa phương khác qua hệ thống sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sông Vàm Cỏ Đông chứ thành phố không có lượng nước tích trữ riêng, không có hồ, không có đập.
Do đó, việc xây dựng hồ tích trữ nước thô trong điều kiện biến đổi khí hậu khắc nghiệt như hiện nay là vô cùng cần thiết.
Lâu nay ngành cấp nước thành phố thường dùng nước thượng nguồn từ hồ Dầu Tiếng xả về để “cứu” các nhà máy nước sạch hạ nguồn. Tuy nhiên, tình trạng khô hạn mấy tháng qua cũng khiến lượng nước tích trữ ở hồ Dầu Tiếng bị thiếu hụt, hiện lượng nước ở hồ này chỉ còn gần 930 triệu m3, tương đương 76% mức trung bình nhiều năm, và kể cả hồ Trị An trên sông Đồng Nai hiện cũng chỉ trữ được 80% so với trung bình hằng năm.
Xem thêm: