Thứ Sáu, 26/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

TPHCM được phân bổ vaccine Pfizer nhiều nhất trong đợt tháng 7

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

TPHCM được phân bổ vaccine Pfizer nhiều nhất trong đợt tháng 7

A.Yên

(KTSG Online) – Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường đã ký quyết định phân bổ số lượng 745.000 liều vaccine phòng Covid-19 BNT162b2 (Comirnaty) – Pfizer được cung ứng trong tháng 7 cho các tỉnh, thành phố và bệnh viện trên cả nước. Theo quyết định phân bổ, hầu hết các tỉnh sẽ nhận được 5.850 liều Pfizer, riêng TPHCM nhiều nhất với gần 55.000 liều.

TPHCM được phân bổ vaccine Pfizer nhiều nhất trong đợt tháng 7
Lô vaccine ngừa Covid-19 của Pfizer gồm hơn 97.100 liều đã được vận chuyển đến Hà Nội vào ngày 7-7. Ảnh: DHL cung cấp

745.000 liều là tổng số vaccine Pfizer của 4 đợt về trong tháng 7, đợt đầu đã về 97.100 liều vào ngày 7-7 vừa qua. Vaccine này được mua từ tiền ngân sách, theo hợp đồng 31 triệu liều với Pfizer ký tháng 5.

TTXVN cho biết, theo quyết định phân bổ, hầu hết các tỉnh sẽ nhận được 5.850 liều Pfizer, riêng TPHCM nhiều nhất với gần 55.000 liều, Hà Nội 38.610 liều, Đồng Nai và Bình Dương mỗi tỉnh 25.740 liều, lực lượng quân đội 35.100 liều, lực lượng công an 43.290 liều. Nếu tính cả số phân về cho các bệnh viện thuộc Bộ Y tế trên địa bàn TPHCM, tổng số lên đến hơn 105.000 liều.

Vaccine Pfizer được  điều chế theo công nghệ mRNA, được Việt Nam phê duyệt khẩn cấp ngày 12-6, có hiệu quả 95,3%, ngăn ngừa trường hợp nhiễm nCoV nghiêm trọng. Miễn dịch tạo bởi vaccine kéo dài ít nhất 6 tháng nếu tiêm hai liều. Vaccine Pfizer hiện được sử dụng ở 103 quốc gia/lãnh thổ.

Ngoài ra còn có 21 bệnh viện, viện, trường đại học được phân bổ vaccine Pfizer, trong đó nhiều nhất là Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Phổi Trung ương, mỗi đơn vị 15.210 liều, Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Nhi Trung ương mỗi đơn vị 14.040 liều, Bệnh viện E 12.870 liều, Bệnh viện Thống Nhất 11.700 liều, Bệnh viện Hữu nghị 9.360 liều…

Bộ Y tế giao Dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thực hiện tiếp nhận, bảo quản và vận chuyển vaccine tới các đơn vị theo danh sách phân bổ.

Vaccine sau khi xuất khỏi kho lạnh, cần bảo quản ở nhiệt độ 2-8 độ, và phải sử dụng hết trong vòng 31 ngày.

Trường hợp không sử dụng hết vaccine hoặc có nhu cầu sử dụng thêm, các đơn vị phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur TPHCM để chủ động điều phối, tổ chức tiêm chủng, đảm bảo sử dụng vaccine hiệu quả.

Cho phép dùng vaccine Pfizer tiêm trộn vaccine ngừa Covid-19

Bộ Y tế cũng cho phép dùng vaccine này tiêm trộn vaccine Covid-19, tức là có thể tiêm mũi 2 bằng Pfizer, mũi 1 tiêm loại khác.

Theo Thứ trưởng Trương Quốc Cường, trường hợp số lượng vaccine hạn chế thì ưu tiên sử dụng vaccine Pfizer để tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 vaccine AstraZeneca từ 8-12 tuần nếu người được tiêm chủng đồng ý và tiêm mũi thứ nhất cho những người chưa được tiêm chủng.

Trên thực tế, một số quốc gia đã thử nghiệm chiến lược tiêm trộn vaccine Covid-19. Trung Quốc xem xét tiêm kết hợp các loại vaccine Covid-19 khác nhau để cải thiện hiệu quả tương đối thấp của vaccine trong nước. Thủ tướng Đức Angela Merkel đã được tiêm mũi 2 bằng vaccine Moderna, hai tháng sau khi bà tiêm mũi đầu tiên bằng AstraZeneca. Thái Lan mới đây tuyên bố sẽ tiêm thêm một mũi AstraZeneca cho nhân viên y tế đã tiêm hai liều Sinovac.

Theo nghiên cứu của trường Đại học Oxford, tiêm kết hợp hai loại vaccine của AstraZeneca và Pfizer sẽ tạo phản ứng miễn dịch mạnh hơn.

Nghiên cứu tên gọi Com-COV, công bố ngày 28/6. Trong đó, 4 tuần sau khi tiêm liều vaccine AstraZeneca đầu tiên, các nhà khoa học cho tình nguyện viên tiêm vaccine Pfizer làm liều thứ hai. Họ phát hiện rằng dù theo thứ tự này hoặc ngược lại, chúng tạo nồng độ kháng thể chống nCoV cao hơn so với việc tiêm hai liều AstraZeneca.

Nghiên cứu có 830 tình nguyện viên tham gia. Người tiêm hai liều vaccine Pfizer vẫn có lượng kháng thể cao nhất. Các nhà khoa học đang thử kéo dài thời gian giữa hai liều AstraZeneca và Pfizer lên 12 tuần.

Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 12-7 cảnh báo các nước không nên vội vàng tiêm trộn vaccine khi chưa đủ dữ liệu khoa học. Bà Soumya Swaminathan, trưởng nhóm khoa học gia WHO, cho rằng đây là "xu hướng nguy hiểm" vì chưa rõ tác động tới sức khỏe.

Hiện Việt Nam đã nhập gần 9 triệu liều vaccine. Trong đó, hơn 6 triệu liều AstraZeneca, 2 triệu liều Moderna, nửa triệu liều Sinopharm, 1.000 liều Sputnik.

Tính đến ngày 12-7, Việt Nam đã thực hiện tiêm 4.063.872 liều vaccine phòng Covid-19, trong đó 3.783.505 người được tiêm 1 mũi và 280.367 người đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine.

Tổng hợp

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới