Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

TPHCM: Hàng giả vẫn tràn lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

TPHCM: Hàng giả vẫn tràn lan

Minh Tâm

QLTT nhận định, tình hình buôn bán, sản xuất hàng giả không giảm, hàng giả vẫn được bán tại chợ, thậm chí cả trung tâm thương mại. Ảnh: Thúy Hà

(TBKTSG Online) – Theo Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TPHCM, số vụ sản xuất, tiêu thụ hàng giả bị phát hiện trong thời gian qua có chiều hướng tăng cao. Các mặt hàng tiêu dùng như giày dép, túi xách, đồng hồ, mắt kính, điện thoại di động giả mạo nhãn hiệu ngoại nổi tiếng, bán giá rẻ vẫn diễn ra tràn lan tại các cửa hàng trên đường phố, chợ, trung tâm thương mại dù liên tục được kiểm tra, kiểm soát.

>>> Bức bối hàng gian hàng giả

Chi cục QLTT TPHCM cho biết, trong tháng 4, đã phát hiện 22 vụ giả nhãn hiệu hàng hóa (tăng 12 vụ so với tháng 3) với các mặt hàng như giày, túi xách, bóp, sữa tắm, kem dưỡng da… trong đó có nhiều vụ khá lớn như vụ doanh nghiệp in ấn Thiên Sơn ở quận Bình Tân in giả mạo nhãn hiệu sữa tắm White Care Shower Cream của Malaysia với số lượng gần 5.400 chai; Công ty Diệu Anh (huyện Bình Chánh) sang chiết và đóng gói sữa tắm giả.

Chi cục QLTT cũng cho biết, các sản phẩm giả các nhãn hiệu nối tiếng như Louis Vuitton, Gucci, Chanel… được bày bán tại nhiều chợ như Tân Bình, Bến Thành và cả ở các trung tâm thương mại lớn.

Theo ông Lý Ngọc Thắng, Đội trưởng Đội QLTT 3A, đơn vị chuyên phụ trách kiểm tra, phát hiện hàng giả của Chi cục QLTT TPHCM, trong số các loại hàng bị làm giả thì các mặt hàng tiêu dùng cá nhân là nhiều nhất. Nguyên nhân là các mặt hàng này dễ tiêu thụ, xoay vòng vốn nhanh, chi phí bỏ ra thấp trong khi thu lãi cao nên các đối tượng làm giả thường tập trung.

Phương thức của các đối tượng làm giả là mua nhãn mác tại các chợ đầu mối (có thể là có nguồn gốc từ nước ngoài), mua nguyên liệu về rồi gia công. Hàng giả sau khi được sản xuất sẽ lập tức được phân phối tại nhiều nơi để tiêu thụ.

Cũng theo ông Thắng, thêm một lý do khiến tình trạng sản xuất, tiêu thụ hàng giả vẫn không giảm là việc chế tài xử phạt không đủ sức răn đe. “Với các mặt hàng gia dụng, biện pháp xử lý là xử phạt hành chính với nhiều mức tùy vào giá trị hàng bị phát hiện. Nhưng nhìn chung, phạt gấp 1,5 lần hay 2-3 lần như hiện nay không thấm gì với các đối tượng làm hàng giả, khi nếu trót lọt, lợi nhuận sẽ gấp nhiều lần” – ông Thắng nói.

Ông Thắng cũng cho hay, trong thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra các mặt hàng nổi cộm này. Theo kế hoạch, trong thời gian tới, QLTT sẽ chú trọng kiểm tra những đầu mối cung cấp nguyên phụ liệu để sản xuất các loại quần áo, giày dép, túi xách giả.

Theo QLTT, tình hình buôn bán, sản xuất phân bón giả – mặt hàng được phản ánh nhiều trong thời gian trước, trên địa bàn trong những tháng qua đã bớt “nóng” khi số vụ vi phạm bị phát hiện giảm rõ rệt. Theo đó, từ sau vụ khám phá đường dây sản xuất, tiêu thụ phân bón giả vào tháng 6-2009 với 400 tấn hàng (vụ án đã được khởi tố), lực lượng QLTT chưa phát hiện thêm vụ vi phạm nào khác.

Nguyên nhân được đưa ra là có thể các đối tượng làm giả phân bón trở nên ngán ngại hơn sau những đợt kiểm tra đồng loạt của cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, đặc điểm của sản xuất phân bón giả là làm theo thời vụ, không làm thường xuyên. Các đối tượng thường tập trung vào thời điểm nông dân có nhu cầu mua, sử dụng phân bón cao để phục vụ sản xuất như vụ hè thu (tháng 7-8).

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới