Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

TPHCM: Hàng hóa tết dồi dào, giá ổn định

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

TPHCM: Hàng hóa tết dồi dào, giá ổn định

Nguyễn Quyên – Thành Hoa

TPHCM: Hàng hóa tết dồi dào, giá ổn định
Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM đang làm việc tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức tối qua 11/2. Ảnh: Thành Hoa

(TBKTSG Online) – Qua khảo sát, kiểm tra cho thấy nguồn hàng tết tại các chợ đầu mối khá dồi dào, mặt hàng đa dạng. Bên cạnh đó, do nhu cầu mua sắm của người dân tăng nên giá một số mặt hàng có biến động nhưng nhìn chung giá cả ổn định, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Đó là ý kiến của bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, khi cùng đoàn công tác thành phố kiểm tra công tác chuẩn bị phục vụ nguồn hàng tết tại các chợ đầu mối vào tối ngày 11/2.

Không lo thiếu hàng tết

Báo cáo tại buổi làm việc với đoàn công tác thành phố, bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Công ty TNHH quản lý và kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức, cho biết các thương nhân kinh doanh tại chợ đã hợp đồng với các hộ sản xuất dự trữ hàng hóa phục vụ tết. Theo đánh giá nguồn hàng chuẩn bị cho tết Ất Mùi 2015 vào các ngày cao điểm sẽ tăng từ 4.500 tấn đến 7.500 tấn/ngày (tương đương với cùng kỳ năm ngoái), đảm bảo phục vụ đủ nhu cầu của người tiêu dùng.

Cũng theo bà Hà, lượng hàng nhập chợ vào các ngày 22 âm lịch – 23 âm lịch dao động từ 4.000 tấn – 4.200 tấn/ ngày trong đó lượng rau dao động từ 1.900 tấn- 2.100 tấn/ngày, còn lại là lượng trái cây.

Dự báo lượng hàng nhập chợ vào 2 ngày cao điểm tết là ngày 27 âm lịch – 28 âm lịch. Vào các ngày này sản lượng nhập chợ sẽ đạt từ 7.200 tấn – 7.500 tấn, trong đó lượng rau dao động từ 3.200 tấn đến 3.500 tấn, lượng hàng trái cây dao động từ 4.000 tấn-4.500 tấn.

Khi đề cập đến giá cả, bà Hà cho hay vào cao điểm tết (27 âm lịch – 28 âm lịch) giá các loại trên sẽ tăng do năm nay thời tiết không thuận lợi nên mùa vụ tết của một số loại trái cây trồng bị ảnh hưởng như sâu bệnh tấn công, tỷ lệ đậu trái ít, năng suất giảm trong khi nhu cầu tăng mạnh vào cao điểm. Cụ thể giá bưởi sẽ tăng từ 40-60% so với mức giá hiện nay… Riêng mặt hàng rau, giá bán sẽ biến động nhẹ do nguồn cung dồi dào, chỉ có dưa leo, khổ qua giá sẽ tăng từ 50%-100% vào dịp cao điểm tết nguyên đán so với mức giá hiện nay. “Giá các loại trái cây dự kiến sẽ tăng do nhu cầu nhưng so với cùng kỳ năm ngoái vẫn thấp hơn”, bà Hà nhấn mạnh.

Tại chợ đầu mối Hóc Môn, ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc chợ này cũng cho hay, trong 8 ngày trước tết, tính từ ngày 23 tháng Chạp đến ngày 30 tháng Chạp, dự kiến lượng hàng về nhập chợ khoảng 3.100 tấn/ngày-đêm, tăng 43% so với bình quân ngày thường năm 2014, tăng khoảng 20% so với cùng kỳ (2.600 tấn/ngày-đêm). Ngày 26 tháng Chạp và 27 tháng Chạp, lượng hàng nhập chợ đạt cao nhất khoảng 4.500 tấn/ngày-đêm đến 4.600 tấn/ngày-đêm (rau củ và trái cây đạt cực đỉnh), tăng khoảng 112 % so với ngày thường, tăng khoảng 40% so với cùng kỳ (3.290 tấn/ngày-đêm). Còn 29 và 30 tháng Chạp, lượng hàng về chợ giảm mạnh; tuy nhiên lượng thịt heo nhập chợ đạt đỉnh vào ngày 29 tháng Chạp, khoảng 800 tấn, tăng khoảng 145% so với ngày thường (330 tấn/ngày), tăng khoảng 8% so với cùng kỳ là 740 tấn.

Ông Dũng chia sẻ, giá bán các loại rau củ và trái cây phụ thuộc vào mãi lực cung cầu. “Trong thời gian này, việc cung ứng hàng hóa nhập chợ của từng mặt hàng cũng như sức tiêu thụ hàng hóa của từng mặt hàng thường có sự khác nhau nên thị trường chợ thường có mặt hàng lên giá đôi chút đồng thời cũng có một số mặt hàng đứng giá như rau củ, thịt heo do lượng cung nhiều”, ông Dũng nhấn mạnh. Cụ thể, thịt heo từ nay tới tết có xu hướng giảm, giá thịt heo mảnh loại 1 hiện giảm khoảng 3,23% từ 65.000 đồng/kg xuống còn 60.000 đồng/kg; heo mảnh loại 2 giảm 10%, nạc dăm, nạc vai, sườn non cũng giảm.

Sau khi nghe báo cáo từ các chợ, bà Hồng đánh giá cao về công tác chuẩn bị nguồn hàng. Tuy nhiên, bà cũng nhấn mạnh cần phải xử lý các địa điểm buôn bán xung quanh chợ vì nó ảnh hưởng đến quyền lợi của thương nhân cũng như làm “xấu xí” chợ. Muốn làm được điều này cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa ban quản lý các chợ và cơ quan chính quyền tại địa phương.

Bên cạnh đó, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ phải được đặt lên hàng đầu. Bà Hồng đề nghị cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Sở Công Thương, Sở Nông  Nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học công nghệ cùng với 3 chợ đầu mối trên địa bàn thành phố để làm rõ thực trạng cung ứng hàng hóa vào chợ, xác định nguồn gốc xuất xứ  từng loại mặt hàng từ đó tiến tới xây dựng thương hiệu chợ.

Theo kiểm tra tại chợ đầu mối Thủ Đức cho thấy nguồn hàng cung ứng dịp tết năm nay dồi dào, ổn định

Hàng Trung Quốc giảm

Và một vấn đề quan trọng mà bà Hồng quan tâm là vấn đề hàng ngoại nhập vào chợ, đặc biệt là hàng Trung Quốc. Mặc dù hiện nay lượng hàng Trung Quốc về chợ đã giảm nhiều hơn so với trước cụ thể tại chợ Thủ Đức mỗi đêm hàng về chợ khoảng 1.900 tấn, trong đó hàng Trung Quốc chỉ có 136 tấn/đêm. Mấy năm trước hàng Trung Quốc chiếm 10% trong tổng số nguồn hàng về chợ, còn hiện nay chỉ khoảng 7-8%.

Tuy nhiên, có một thực trạng là người dân hiện vẫn còn mơ hồ khi phân biệt giữa hàng Việt và hàng Trung quốc, đặc biệt có sự đánh tráo hàng Trung Quốc thành hàng Việt để bán cho khách hàng. “Vì thế, tôi đề nghị đối với nguồn hàng vào chợ, ban quản lý phải kiểm tra chặt chẽ và xác định nguồn hàng đồng thời cần phải tuyên truyền, khuyến khích tiểu thương có trách nhiệm với người tiêu dùng”, bà Hồng nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc chợ đầu mối Hốc Môn vào ngày cao điểm 26 – 27 tết, lượng hàng nhập về chợ tăng khoảng 112% so với ngày thường

Xem thêm:

TPHCM: hàng Tết Ất Mùi sẽ dồi dào, đa dạng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới