Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

TPHCM học kinh nghiệm phát triển du lịch trách nhiệm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

TPHCM học kinh nghiệm phát triển du lịch trách nhiệm

Đào Loan

TPHCM học kinh nghiệm phát triển du lịch trách nhiệm
Những sản phẩm lưu niệm do những người khuyết tật làm ra được trưng bày tại một gian hàng bên ngoài hội trường diễn ra Hội thảo Du lịch có trách nhiệm tại TPHCM – Ảnh: Đào Loan

(TBKTSG Online) – Để phát triển du lịch trách nhiệm, hay đưa TPHCM thành điểm đến du lịch trách nhiệm, trước hết thành phố phải phát triển thành một điểm đến sống động dành cho người dân, có như thế mới tạo tiền để để trở thành điểm đến đáng tham quan và trải nghiệm với du khách.

Nội dung trên được một số chuyên gia du lịch đề cập tại Hội thảo về Phát triển Du lịch có trách nhiệm tại TPHCM.

Hội thảo do UBND TPHCM tổ chức, quy tụ khoảng 300 cử tọa là quan chức nhà nước, doanh nghiệp, chuyên gia du lịch trong và ngoài nước, nhằm ghi nhận ý kiến về kinh nghiệm phát triển du lịch trách nhiệm. Đây là một những bước khởi đầu nhằm cụ thể hóa mục tiêu phát triển du lịch theo xu hướng này tại thành phố.

Ông Peter Semone, Giám đốc Điều hành Destination Human Capital, cho rằng phát triển du lịch trách nhiệm phải đi từ việc bảo vệ tự nhiên, môi trường. Nếu TPHCM muốn phát triển thành điểm đến của du lịch trách nhiệm thì nên xem kinh nghiệm của thành phố Copenhagen (Đan Mạch) trong việc hạn chế khí thải, phát triển các loại hình giao thông cũng như hệ thống dịch vụ du lịch, khách sạn thân thiện với môi trường. Copenhagen phấn đấu đến năm 2025 trở thành thành phố đầu tiên trên thế giới trung hòa 100% khí carbon thải ra. Hiện nay, 75% khách sạn, 100% không gian phòng họp được chứng nhận bền vững.

Theo ông, đến Việt Nam, du khách nước ngoài hay than phiền về việc lái xe bất cẩn, không có vỉa hè, tiếng còi xe liên tục, tài xế taxi lừa đảo, người dân địa phương không thân thiện,… Để giải quyết được những vấn đề này, ngành du lịch phải chú trọng chất lượng dịch vụ, thu hút sự tham gia của cộng đồng vào phát triển du lịch, tạo nên những thiết kế thông minh và sáng tạo như hệ thống giao thông thông minh, những khu phố đi bộ… Muốn trở thành một điểm đến du lịch trách nhiệm thì phải phát triển thành thành phố có chất lượng cuộc sống cao.

"Những thành phố có chất lượng cuộc sống cao cũng sẽ mang lại những trải nghiệm chất lượng cho du khách. Đừng quá chú tâm vào du khách mà hãy chú trọng chính cư dân của thành phố, hỏi họ về điều gì làm cho cuộc sống có chất lượng và thực hiện", ông Semone nói.

Nhiều chuyên gia khác cũng chia sẻ những kinh nghiệm về phát triển du lịch có trách nhiệm. Họ cho rằng, ngày nay nếu muốn phát triển thành điểm đến của thế giới thì du lịch trách nhiệm là cách tốt nhất để đạt được mục tiêu.

Tư duy của du khách có trách nhiệm thường bao gồm việc sử dụng các phương tiện công cộng để hạn chế những tổn hại đến môi trường, ở tại các cơ sở lưu trú nhỏ của người dân địa phương, mua thức ăn, đồ uống và đồ lưu niệm được sản xuất tại địa phương, hạn chế rác thải nhựa, phân phối lại lợi ích kinh tế bằng cách bảo trợ một loạt các nhà cung cấp, sử dụng tiết kiệm các nguồn tài nguyên, tránh lạm dụng các đối tượng dễ bị tổn thương như trẻ em, phụ nữ, các loại động thực vật có nguy cơ tuyệt chủng…

Ngành du lịch phải nâng cao giá trị sản phẩm du lịch có trách nhiệm trong nền kinh tế trải nghiệm, tạo ra một điểm đến sống động cho người dân là tiền đề để trở thành điểm đến đáng tham quan và trải nghiệm với du khách. Kế đến, những người làm du lịch phải tập huấn, giáo dục kỹ năng cho người dân để nâng cao tính chuyên nghiệp trong việc tạo ra những những trải nghiệm đậm chất địa phương cho du khách.

Bà Barkathunnisha, Giám đốc Điều hành và sáng lập Công ty Tư vấn và Đào tạo Elevated nêu những kinh nghiệm phát triển du lịch theo xu hướng này tại Singapore. Bà cho rằng, đây là xu hướng du lịch của toàn cầu và cơ quan quản lý du lịch cũng như các cơ quan liên quan phải tạo ra những trải nghiệm du lịch có giá trị cao, đậm chất địa phương, chú trọng tạo ra những sản phẩm trải nghiệm về mặt cảm xúc, không sản phẩm, tích hợp công nghệ để nâng cao trải nghiệm…

Chẳng hạn, Singapore đang làm mới sản phẩm bằng cách phát triển loại hình du lịch trang trại, đưa du khách đến các trang trại của người dân địa phương để cùng trải nghiệm việc trồng trọt, tiếp xúc trực tiếp với nông dân – người dân bản địa. Du khách trên thế giới đang có nhu cầu tiếp cận gần nhất với cuộc sống của người dân địa phương và đã quá quen thuộc với một Singapore hiện đại nên Singapore chọn loại hình này. Tuy nhiên, những người làm du lịch đã dùng công nghệ để đưa khách đến đây. Du khách có thể kết nối với những nơi này bằng điện thoại thông minh, bằng các phần mềm ứng dụng.

"Nếu chúng ta chỉ mời khách đến để ngắm cái gì đó thì chúng ta chỉ bán được chương trình vài đô la Mỹ nhưng nếu kèm vào đó những trải nghiệm thì sẽ bán được nhiều tiền hơn. Về thị trường, du lịch TPHCM và Việt Nam đừng nhìn đâu xa, ASEAN là một thị trường rất tiềm năng", bà Barkathunnisha nói.

Đọc thêm:

Du lịch có trách nhiệm cùng người Mông

Các nước ACMECS cam kết phát triển du lịch trách nhiệm

Ứng xử khôn ngoan, có trách nhiệm với Phú Quốc

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới