Thứ Bảy, 19/07/2025
27 C
Ho Chi Minh City

TPHCM hợp tác với Nhật thiết kế và sản xuất chip

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

TPHCM hợp tác với Nhật thiết kế và sản xuất chip

Hùng Lê

TPHCM hợp tác với Nhật thiết kế và sản xuất chip
Đại diện SIIQ (trái) và HSIA (phải) ký kết MOU về hợp tác phát triển vi mạch với sự chứng kiến của Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Mạnh Hà (giữa) -Ảnh: Hùng Lê

(TBKTSG Online) - Ngày 9-11, Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Thiết kế vi mạch (ICDREC) TPHCM và Công ty RADRIX của Nhật Bản đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác (MOU) về việc phối hợp thiết kế và sản xuất chip, tính đến việc hợp tác hình thành liên doanh.

>>> TPHCM hợp tác với Nhật để phát triển công nghiệp vi mạch

>>> Nhiều tiềm năng cho thị trường bán dẫn Việt Nam

Theo MOU, hai bên sẽ hợp tác để thực hiện các dự án thiết kế LSI (Large scale intergated - chip phức tạp) mẫu. Các chip mẫu hướng đến là chip MPW (Multi-project-wafer) ở công nghệ 65nm.

Theo hai đơn vị này, mục tiêu đầu tiên của giai đoạn 1 (kéo dài đến giữa năm 2014) của dự án thiết kế là nghiên cứu thiết kế chip mẫu IEEE 802.11n 2x3 MIMO wireless LAN (Chip wifi chuẩn 4G).

Sau đó, hai bên sẽ hướng tới thiết kế Chip IEEE 802.11ac (chip wifi chuẩn 5G) cũng như tính đến việc thành lập doanh nghiệp liên doanh nhằm thương mại hóa sản phẩm.

Với việc hợp tác này, Trung tâm ICDREC sẽ đóng góp bằng các lõi IP VN1632LP CPU, Ethernet MAC 10/100, các ngoại vi và đảm nhận phần ghép nối hệ thống, kiểm tra (mô phỏng và trên FPGA), demo hệ thống...

Trong khi đó phía đối tác Nhật Bản sẽ đóng góp các lõi IP Wifi MAC/PHY, trình điều khiển (driver), phần mềm (software) và các nhiệm vụ phối hợp khác.

Theo ông Ngô Đức Hoàng, Giám đốc Trung tâm ICDREC, Tổng thư ký Hội công nghệ vi mạch bán dẫn TPHCM, chip wifi chuẩn 4G đang được ứng dụng rộng rãi và có thị trường rất lớn trên thế giới để hai bên cùng hợp tác thực hiện.

Tuy nhiên theo ông Hoàng, điểm đáng chú ý trong sự hợp tác này là tiếp tục đánh dấu bước tiến mới của ngành công nghiệp vi mạch tại Việt Nam mà cụ thể là Trung tâm ICDREC đóng góp vào dự án hợp tác này bằng chính các lõi IP do ICDREC đã nghiên cứu, thiết kế và phát triển được trong thời gian qua. Hiện tại ICDREC đang sở hữu 43 lõi IP và đã được chào bán trên sàn quốc tế.

Điều này đánh dấu các thiết kế, lõi IP của Việt Nam đã nhận được sự thừa nhận và đánh giá cao của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Nhật Bản, một quốc gia hàng đầu về vi mạch bán dẫn. Đồng thời dự án cũng sẽ khai thác tối đa hiệu quả của Phòng kiểm định lõi IP (do UBND TP.HCM đầu tư cho ICDREC năm 2012) cũng như Nhà thiết kế (Design House) trong tương lai.

Cùng ngày, Hội công nghệ vi mạch bán dẫn TPHCM (HSIA) cũng đã ký Bản ghi nhớ hợp tác với Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn và Công nghệ điện tử Kyushu (Kyushu Semiconductor & Electronics Technology Innovation Association còn được gọi là SIIQ) của Nhật Bản trong việc hợp tác phát triển công nghiệp vi mạch tại Việt Nam.

Theo đó, SIIQ sẽ cùng HSIA sẽ triển khai các nội dung hợp tác như trao đổi thông tin; trao đổi các công ty / các thành viên của HSIA và SIIQ cũng như hợp tác đào tạo nhân sự. Điểm đáng chú ý là thông qua việc hợp tác này, SIIQ sẽ xúc tiến đầu tư của các doanh nghiệp Nhật hoạt động trong lĩnh vực bán dẫn vào Việt Nam.

Ông Kytaka Makino thuộc SIIQ, cho biết đảo Kyushu có hơn 1.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vi mạch - nhiều nhất Nhật Bản, và chiếm khoảng 5% tổng giá trị vi mạch bán dẫn thế giới.

Theo ông Makino, thời gian gần đây các doang nghiệp thành viên của SIIQ có xu hướng chuyển đầu tư ra nước ngoài, trong đó Việt Nam được chú ý nhiều. Mới đây nhất là vào trung tuần tháng 10 rồi có đến 23 doanh nghiệp thuộc SIIQ đã đến TPHCM tìm hiểu cơ hội đầu tư vào khu công nghệ cao thành phố; đồng thời thảo luận về việc hợp tác các chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho ngành này tại TPHCM.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới