TPHCM khẩn cấp phòng chống cúm heo H1N1
Hồng Văn
![]() |
Máy đo thân nhiệt ở cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất chỉ giám sát được trường hợp đã nhiễm bệnh và phát bệnh nhưng trường hợp nhiễm mà chưa phát bệnh thì máy này chịu thua – Ảnh TTD. |
(TBKTSG Online) – Chính quyền TPHCM đã khẩn cấp khởi động kế hoạch phòng chống dịch do virus H1N1 gây ra trên người (còn gọi là cúm heo), dựa trên kế hoạch do Sở Y tế thành phố đệ trình. Yêu cầu đặt ra là đảm bảo an toàn người dân, đảm bảo phát triển kinh tế-xã hội và không gây hoang mang.
Chiều 1-5, cuộc họp khẩn để triển khai các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh cúm H1N1 do Phó chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài chủ trì đã có sự tham gia đầy đủ của các ban, ngành và các quận, huyện, cũng như giới truyền thông.
Từng quận phải có khu cách ly kiểm dịch
Trong kế hoạch phòng chống dịch của mình, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Châu cho biết các quận huyện phải củng cố lại ban chỉ đạo phòng chống dịch do lãnh đạo quận huyện làm trưởng ban, từng quận huyện phải thành lập một khu cách ly kiểm dịch để dự trù tình huống xấu nhất là trong địa bàn quận huyện của mình có ca nghi ngờ nhiễm bệnh.
Trung tâm y tế dự phòng các quyện huyện là nòng cốt cho đội điều trị cơ động và đội phòng chống dịch của từng quận huyện, thậm chí ở phường xã cũng phải thành lập tổ phòng chống dịch.
Nhiều lãnh đạo quận huyện cho biết họ sẽ chọn hoặc là trường học, hoặc là khách sạn trên địa bàn để làm khu cách ly kiểm dịch như đã từng làm từ hồi dịch SARS cách nay nhiều năm.
Riêng khu cách ly kiểm dịch cấp thành phố, ông Châu cho biết sở của ông đã chọn trường tiểu học Thới An trên quốc lộ 1A của quận 12, để dùng vào tình huống ví dụ như một hành khách đi máy bay nhập cảnh vào TPHCM bị nghi nhiễm, phải cách ly kiểm tra toàn bộ hàng trăm hành khách đi cùng chuyến bay.
Bốn cơ sở điều trị được chỉ định là Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Phạm Ngọc Thạch và Bệnh viện Nhiệt đới.
“Chúng tôi đã củng cố lại hệ thống giám sát, chuẩn bị thuốc, hóa chất sát khuẩn để dự phòng tình huống xấu”, ông nói.
Lo nhất: nhiễm bệnh nhưng chưa phát bệnh
![]() |
Điều trị bệnh tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, một trong 4 cơ sở y tế được chọn làm nơi điều trị người bị nhiễm H1N1 nếu được phát hiện – Ảnh: www.bvpnt.org.vn |
Theo ông Châu, từ ngày 26-4 tới nay, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế đã giám sát đo thân nhiệt của gần 30.000 hành khách nhập cảnh ở sân bay Tân Sơn Nhất, trong đó có 728 người đến từ vùng dịch nhưng chưa phát hiện trường hợp nào nghi nhiễm H1N1.
Hiện tại ở sân bay Tân Sơn Nhất có trang bị một máy đo thân nhiệt và Phó chủ tịch thành phố Nguyễn Thành Tài trong cuộc họp đã yêu cầu Sở Y tế trang bị thêm 2 máy đo thân nhiệt.
Tuy nhiên, Phó giám đốc Sở Y tế Lê Trường Giang lại lo lắng rằng máy đo thân nhiệt chỉ phát hiện người nhiễm bệnh bị sốt với các biểu hiện nghi ngờ nhiễm H1N1, với những trường hợp đã nhiễm bệnh từ nước ngoài nhưng chưa phát bệnh thì máy này chịu thua.
“Đây mới là trường hợp nguy hiểm nhất, đáng sợ nhất vì họ đã nhiễm bệnh, vào Việt Nam sống trong khách sạn, đi du lịch, làm việc, lúc đó việc giám sát sẽ khó khăn hơn nhiều”, ông nói và cho biết khu cách ly kiểm dịch ở từng quận huyện sẽ “mệt” nếu quận huyện mình có người nghi nhiễm mà họ đã lọt qua máy đo thân nhiệt ở cửa khẩu.
Do vậy, ông Tài đã yêu cầu các ban ngành, quận huyện ở thành phố khởi động kế hoạch phòng chống dịch chứ không còn đơn thuần là giám sát của riêng ngành y tế như trong hơn 1 tuần qua, và quan trong nhất là vẫn phải làm sao phát hiện bệnh ngay từ khi người nhiễm bệnh đặt chân ở cửa khẩu, vì khi đã lọt qua thì việc giám sát khó vô vàn.
Tuy nhiên, ông Tài cũng yêu cầu các cơ quan chức năng cũng như giới truyền thông, khi tuyên truyền người dân phòng chống cúm H1N1 phải chính xác, đầy đủ nhưng tránh gây hoang mang trong dân, ảnh hưởng xấu tới sản xuất và đời sống.
“Bây giờ ngành y tế và ngành nông nghiệp đã xác định là chưa có cơ sở để chứng minh virus H1N1 lây từ heo sang người, không nên dùng từ “cúm heo” tránh làm ảnh hưởng tới thị trường thực phẩm và người chăn nuôi trong nước. Tuy nhiên, ông cũng không quên nhắc nhở ngành nông nghiệp vẫn phải tiếp tục tăng cường giám sát dịch bệnh trên gia súc, gia cầm.
Thị trường thịt heo sụt giảm
![]() |
Người chăn nuôi heo Việt Nam đang bị vạ lây từ “cúm heo” mà báo chí mấy ngày qua vẫn gọi – Ảnh: Hồng Văn. |
Chi cục trưởng Chi cục Thú y Huỳnh Hữu Lợi cho biết, hôm 30-4, lượng heo giết mổ tại thành phố và các tỉnh đưa về hơn 8.000 con thì ngày 1-5 giảm xuống còn 6.000 con, giá thịt heo hơi trên thị trường cũng tụt giảm mạnh từ 41.000 – 42.000 đồng/kg xuống còn 37.000 – 38.000 đồng/kg.
Do vậy ông Lợi đề nghị lãnh đạo thành phố, ngành y tế hoặc nông nghiệp phải có phát biểu chính thức trên báo đài rằng virus này hiện nay chưa hề gây ra dịch bệnh trên heo, tất nhiên là Việt Nam chưa có, bởi dịch này hiện chưa được phát hiện tại Việt Nam.
“Hàng ngày người dân xem báo ngheo đài toàn là tin tức dịch bệnh do virus H1N1 gây ra ở nước ngoài với tên gọi “cúm heo” thì làm sao người dân có thể yên tâm”, ông Lợi nói. Chính ông Tài cũng nói người dân thành phố đang có tâm lý không tốt về thịt heo.
Theo Sở Y Tế TPHCM, tới ngày 30-4, dịch bệnh do virus H1N1 đã lan ra 33 quốc gia trên thế giới có nghi ngờ và xác định có H1N1, trong đó 12 quốc gia đã có ca xác định nhiễm H1N1. Tại Mexico, có 2.900 ca nghi ngờ trong đó có 168 ca tử vong, tại Mỹ đã có 11 người mắc bệnh và 109 trường hợp xác định dương tính với H1N1. Việt Nam tuy chưa phát hiện trường hợp nhiễm H1N1 nhưng trong tình hình ở châu Á đã có ca nghi nhiễm, rất dễ xảy ra tình huống xấu cho Việt Nam khi rất khó kiểm soát bệnh ở biên giới trên bộ. |