Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

TPHCM: Khó giảm kẹt xe bằng giải pháp tạm thời

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

TPHCM: Khó giảm kẹt xe bằng giải pháp tạm thời

Lê Anh

TPHCM: Khó giảm kẹt xe bằng giải pháp tạm thời
Tình trạng kẹt xe tại TPHCM ngày càng trầm trọng – Ảnh: Lê Anh

(TBKTSG Online) – Tình trạng kẹt xe, tắc đường tại TPHCM ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Dường như các giải pháp đã thực hiện trước đây như xây cầu vượt, cải tạo nút giao… chỉ phát huy tác dụng trong một thời gian ngắn. Một loạt các giải pháp mới vừa được Sở Giao thông Vận tải (GTVT) đưa ra như chuyển đường hai chiều thành đường một chiều, thu phí ô tô đi vào trung tâm… Thế nhưng, những giải pháp này được cho là khó mang lại hiệu quả vì người dân không có nhiều lựa chọn về phương tiện giao thông công cộng.

Theo đánh giá của Sở GTVT, giao thông của thành phố trong thời gian gần đây thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm. Thống kê cho thấy năm 2016, thành phố xảy ra 27 vụ ùn tắc (tính theo tiêu chí xe bị ùn tắc trên 30 phút và không di chuyển được). Con số này còn cao hơn nhiều nếu tính các vụ ùn tắc dưới 30 phút. Nguyên nhân chính, theo đánh giá của cơ quan quản lý giao thông, là do lượng người và xe tăng nhanh trong khi quỹ đất dành cho giao thông tăng rất thấp.

Để giải quyết tình hình ùn tắc, Sở GTVT dự kiến sẽ áp dụng một số giải pháp mới như phân luồng một số tuyến đường hai chiều thành đường một chiều, cải tạo nút giao, thu phí ô tô vào trung tâm thành phố v.v… Ở cửa ngõ phía Đông – Bắc dự kiến cũng cho xe máy đi vào đường dẫn cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây để giảm ùn tắc ở xa lộ Hà Nội.

Theo đánh giá của các chuyên gia giao thông, các giải pháp mà Sở GTVT đưa ra khó giảm được kẹt xe, thậm chí nếu làm không tốt có thể dẫn đến ùn tắc nhiều hơn.

Ông Phạm Sanh, một chuyên gia về giao thông đô thị, cho rằng việc phân luồng đường một chiều đối với đường Lê Quang Định, Phan Văn Trị mà Sở GTVT dự tính làm là không khả thi do hai tuyến đường này không song song nhau mà còn chéo góc. Trên 2 tuyến đường này còn có rất nhiều đường cắt ngang, rồi người dân họp chợ lấn đường. "Nếu phân hai tuyến đường này trở thành đường một chiều thì không có đường quay lại, khi đó người dân lại đi ngược chiều thì tình hình giao thông còn rối ren hơn", ông Sanh lo ngại.

Theo vị chuyên gia này, giải pháp để giảm kẹt xe trên hai tuyến đường này là cải tạo một số nút giao trên đường Phan Văn Trị để dòng xe thoát nhanh. Đồng thời phải giải tỏa được việc lấn chiếm lòng lề đường làm nơi buôn bán.

Đối với đường Cộng Hòa, Trường Chinh thì các tuyến đường cắt ngang như Hoàng Hoa Thám, Bình Giã, Tân Kỳ Tân Quý cũng đã quá tải nên việc chuyển thành đường một chiều cũng khó để giảm ùn tắc. Hiện nay, dự án mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý vẫn chưa làm được thì chuyển sang đường một chiều ùn tắc vẫn xảy ra. Giải pháp để giảm tải cho đường Cộng Hòa là xén thêm vỉa hè để mở rộng làn đường cho xe máy thì có thể hạn chế kẹt xe.

Trong đề tài nghiên cứu giảm kẹt xe ở tuyến đường Cộng Hòa, Trường Chinh, bà Nguyễn Phương Nguyệt Minh và nhóm cộng sự của khoa Đô thị học, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM đã chỉ ra rằng chu kỳ tắt mở đèn xanh-đèn đỏ giữa các tuyến đường cắt ngang đường Cộng Hòa được thiết lập cố định, song lượng xe ở 2 tuyến đường lại khác nhau gây nên tình trạng ùn tắc. Do vậy cần lắp đặt đèn tín hiệu thông minh để điều tiết hợp lý hơn nhằm giảm ùn tắc.

Nếu như ở cửa ngõ Tây – Bắc giải pháp chuyển thành đường một chiều được cho là không khả thi thì ở cửa ngõ phía Đông – Bắc việc cho xe máy đi vào đường dẫn cao tốc Long Thành – Dầu Giây là phương án sẽ giải tỏa ùn tắc ở nút giao An Phú, quận 2. Theo Sở GTVT tuyến đường này chỉ cần lắp dải phân cách tách làn xe máy với ô tô là có thể đưa vào sử dụng trước tết Nguyên đán.

Nếu xe máy được lưu thông vào đường dẫn cao tốc thì người dân có thể đi tuyến đường này ra đến đường vành đai 2, qua cầu Phú Hữu đến Khu công nghệ cao để ra xa lộ Hà Nội, ra Suối Tiên, rút ngắn được thời gian và khoảng cách khá nhiều; đồng thời làm giảm áp lực lưu thông cho tuyến xa lộ Hà Nội, đường Nguyễn Duy Trinh và giải tỏa được ùn tắc ở nút giao An Phú.

Anh Lê Văn Vinh, nhà ở đường Đỗ Xuân Hợp (quận 9) cho biết, hiện nay muốn đi về quận 1, anh thường phải chạy vòng ra xa lộ Hà Nội rất xa, và thường kẹt xe. “Nếu đoạn đường dẫn từ An Phú đến đường vành đai 2 cho xe máy lưu thông thì rất thuận lợi. Từ nhà tôi qua quận 1 sẽ rút ngắn được hơn 3 km”.

Một giải pháp khác cũng đang được Sở GTVT tái khởi động là thu phí ô tô vào trung tâm. Đây cũng là một trong những giải pháp cấp bách để kéo giảm ùn tắc trên địa bàn thành phố năm 2017. Giải pháp này trước đây đã từng bị phản đối và phải tạm dừng. Nếu so với đề án thu phí vào trung tâm trước đây, đề án mới cũng không có nhiều thay đổi. Chỉ có hai vấn đề cần làm rõ hơn là quy định pháp lý của việc thu phí và hình thức chế tài như thế nào.

Trong bối cảnh xe ô tô đang phải chịu nhiều loại thuế, phí như hiện nay, giải pháp này cũng vấp phải sự phản đối của dư luận và xem ra cũng rất khó triển khai vì hiệu quả mang lại chưa kiểm chứng được.

Ông Phạm Sanh cho rằng, nếu muốn giảm kẹt xe trước tiên phải làm tốt giao thông công cộng, khi đã có phương tiện công cộng thì các giải pháp hạn chế xe cá nhân hay thu phí vào trung tâm mới mang lại kết quả. Hiện nay, các trường học, bệnh viện, khu cao ốc văn phòng vẫn còn nằm ở khu trung tâm thì các giải pháp mà Sở GTVT đưa ra cho năm 2017 khó mang lại hiệu quả như mong muốn.

Theo một số chuyên gia đô thị, để giải bài toán kẹt xe của TPHCM cần phải thực hiện tổng thể đồng loạt các giải pháp từ ngắn hạn đến dài hạn. Các giải pháp mà Sở GTVT đưa ra thời gian qua chỉ giải quyết tạm thời theo kiểu tắc chỗ nào thì gỡ ở chỗ đó. Vì thế, hiệu quả mang lại cũng chỉ trong thời gian ngắn. Và tình trạng kẹt xe của TPHCM vẫn sẽ kéo dài cho đến khi các tuyến metro hoàn thành đưa vào khai thác.

Mời xem thêm:

>> Chống kẹt xe tại TPHCM, phải làm từ giải pháp nhỏ

>> Người dân khổ vì kẹt xe nghiêm trọng tại các cửa ngõ TPHCM

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới