Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

TPHCM: không dễ chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

TPHCM: không dễ chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu

Kinh Luân

(TBKTSG Online) – Giữ vững tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của những nhóm hàng có ưu thế như dệt may, giày dép… đồng thời nâng cao tỷ trọng và kim ngạch xuất khẩu của những mặt hàng có giá trị gia tăng lớn, giảm dần việc xuất thô nông – lâm – thủy hải sản, là hướng chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu của TPHCM giai đoạn 2011 – 2015 và tầm nhìn 2020 mà Sở Công Thương vừa trình lên UBND thành phố chiều 3-8. Tuy nhiên, văn bản nêu trên cũng thừa nhận là đến nay nhiều dự án quan trọng nhằm thúc đẩy chương trình này đã “chết yểu” chỉ vì các đơn vị được giao “không có khả năng thực hiện”.

Đưa những sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao vào nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của thành phố và bảo đảm tỷ trọng 35% tổng kim ngạch xuất khẩu cho nhóm hàng có lợi thế cạnh tranh là dệt may, da giày và thủy hải sản chế biến, đây là hai trong số ba chỉ tiêu cụ thể mà TPHCM đã đặt ra khi xây dựng chương trình chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu. Thế nhưng, theo báo cáo của Sở Công Thương thì đến nay cả hai đề án có liên quan đến những chỉ tiêu này đều đã phải ngưng lại sau khi triển khai không lâu.

Với Ban quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp TPHCM (HEPZA), lý do ngừng chương trình “xây dựng các khu công nghiệp sản xuất hàng chuyên ngành, gắn kết với cụm công nghiệp sản xuất hàng phụ trợ xuất khẩu” là vì chi phí đền bù quá cao, chính sách ưu đãi không còn và tình hình thu hút đầu tư trong lãnh vực công nghiệp gần đây đã sút giảm.

Tương tự như vậy, Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA) cũng đã hủy bỏ kế hoạch xây dựng trung tâm nguyên phụ liệu cho ngành dệt may và da giày với lý do “không có mặt bằng phù hợp” và “đây không phải là chuyên ngành của đơn vị”.

Về phía Hội Lương thực – Thực phẩm TPHCM, đơn vị này cũng xin ngừng chương trình “Nâng cao tỷ trọng sản phẩm có giá trị gia tăng cao nhờ chế biến tinh” vì đa số các doanh nghiệp thành viên của hội thuộc nhóm hàng gia vị, trong khi đối tượng của chương trình là mì ăn liền, sữa, đồ hộp, dầu ăn… lại thuộc khối ngành công nghiệp trung ương.

Cũng trong cuộc họp này, một thực trạng khác cũng được báo cáo, đó là “công nghiệp phụ trợ của Việt Nam quá yếu, không đáp ứng nổi yêu cầu của nhà đầu tư- cả về chất lượng lẫn năng lực”. Ông Lê Anh Tuấn, Phó trưởng ban HEPZA, nhận xét rằng nếu muốn nâng giá trị gia tăng cho hàng xuất khẩu thì phải đẩy mạnh sản xuất hàng thay thế nhập khẩu, đặc biệt là nguyên phụ liệu. Điều này đồng nghĩa với việc đầu tư cho phát triển công nghiệp phụ trợ, bên cạnh việc hạn chế các dự án đầu tư sử dụng nhiều nguyên phụ liệu nhập khẩu.

Ngoài dệt may, da giày, thủy hải sản chế biến và sản phẩm công nghệ cao ra thì TPHCM cũng đặt nhiều hy vọng vào nhóm “dịch vụ phục vụ xuất khẩu”, cụ thể là mảng hậu cần (logistics). Chỉ tiêu đặt ra cho nhóm này là “đạt 8,5 tỉ đô la Mỹ vào năm 2015”, khá thấp so với mức 17,5 tỉ đô la năm 2010- lý do là vì chi phí logistics sẽ giảm dần theo xu hướng chung của thế giới. Bên cạnh các ngành trên, công nghiệp phần mềm cũng sẽ được đầu tư để sớm trở thành sản phẩm xuất khẩu chủ lực của thành phố vào năm 2020.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới