Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

TPHCM: kiểm tra cung ứng hàng hóa ở các chợ truyền thống

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

TPHCM: kiểm tra cung ứng hàng hóa ở các chợ truyền thống

Chánh Trung

(KTSG Online) – Bộ Công Thương đề nghị TPHCM nghiên cứu nhanh chóng mở lại chợ truyền thống và xử lý nghiêm các hành vi găm hàng, tăng giá.

TPHCM: kiểm tra cung ứng hàng hóa ở các chợ truyền thống

Đoàn Công tác Bộ Công Thương trao đổi với tiểu thương tại chợ An Đông. Ảnh: Bộ Công Thương

Tạo điều kiện cho chợ truyền thống mở lại

Ngày 21-7 Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cùng các đơn vị của Bộ Công Thương đã đi kiểm tra 3 chợ truyền thống trên địa bàn TPHCM: Chợ An Đông (quận 5), chợ Nguyễn Tri Phương (quận 10) và chợ Bình Thới (quận 11).

Sở Công Thương TPHCM cũng đã công bố danh sách 30 điểm bán hàng lưu động tại nhiều địa bàn các quận, huyện, TP Thủ Đức. Theo đó, có 5 quận tại TPHCM chưa có điểm bán lưu động là quận 5, 10, 11, Phú Nhuận, Tân Phú và 2 huyện Nhà Bè, Cần Giờ. Còn lại các quận, huyện đều có điểm bán. Trong thời gian tới, các quận, huyện, TP Thủ Đức sẽ tiếp tục mở thêm điểm bán hàng lưu động, bình ổn giá tại các khu vực ít có hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi.

Qua kiểm tra thực tế, Bộ Công Thương đánh giá cao những nỗ lực của chính quyền các cấp, Sở Công Thương và các Ban quản lý chợ trên địa bàn TPHCM. Bởi trong bối cảnh Covid-19 phức tạp, thành phố vẫn có thể đảm bảo hoạt động một số chợ truyền thống, đảm bảo cung ứng các mặt hàng thiết yếu cho nhu cầu của người dân.

Tuy vậy, đặc điểm của thành phố là các chợ truyền thống và chợ đầu mối trong điều kiện bình thường đáp ứng tới 70% nhu cầu cung cấp thực phẩm, hàng hóa thiết yếu không những cho người dân thành phố, mà còn đáp ứng cho nhu cầu của một số địa phương khác.

Khi các chợ truyền thống và chợ đầu mối không hoạt động sẽ tạo áp lực cung ứng lên kênh siêu thị, trung tâm thương mại hiện đại. Vì vậy Bộ Công Thương đề nghị lãnh đạo UBND TPHCM cũng như các sở, ban, ngành tiếp tục nghiên cứu và có biện pháp để tạo điều kiện cho các chợ truyền thống mở cửa trở lại, nhằm giảm áp lực phân phối hàng hóa cho các kênh siêu thị và tạo điều kiện cho người dân khi mua hàng.

Tại các chợ ở TPHCM, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải lưu ý các tiểu thương cần đảm bảo nguồn hàng, bán đúng giá và tuân thủ nghiêm các quy định phòng chống dịch của Bộ Y tế và địa phương. Đối với Ban quản lý chợ cần lưu ý trong bối cảnh đang có dịch nên việc mở cửa các chợ truyền thống phải đảm bảo quy định của Bộ Y tế và chính quyền địa phương các cấp. Ví dụ như hiện nay một số chợ bố trí luân phiên cho tiểu thương kinh doanh bán hàng, giãn cách các quầy sạp hoặc bố trí cho tiểu thương bán xen kẽ.

Đoàn Công tác Bộ Công Thương trao đổi với tiểu thương tại các chợ truyền thống ở TPHCM. Ảnh: Bộ Công Thương

Theo báo cáo của Sở Công Thương TPHCM, tính đến ngày 21-7-2021, trên địa bàn TPHCM hiện chỉ còn có 32 chợ truyền thống hiện đang hoạt động, 205/237 chợ tạm ngưng hoạt động do liên quan đến các ca nhiễm, ca nghi nhiễm hoặc không đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch (202 chợ truyền thống và 3 chợ đầu mối).

Ngày 21-7-2021, ngưng hoạt động 1 chợ so với ngày 20-7 (chợ An Hội, quận Gò Vấp) do liên quan ca nhiễm tại đây. Một số chợ sau khi đóng cửa để thực hiện các công tác phòng, chống dịch như khử khuẩn, xét nghiệm, truy vết… đã khôi phục hoạt động như: chợ Nguyễn Tri Phương (Quận 5), chợ An Đông (Quận 5) khu vực kinh doanh thực phẩm; Quận 11 có chợ Bình Thới và chợ Phú Thọ; quận Bình Tân có chợ Kiến Thành; huyện Bình Chánh có các chợ: Tân Đoàn Việt, Bà Lát, Qui Đức và chợ tạm ấp 4 Vĩnh Lộc A.

Trước tình hình này, Sở Công Thương TPHCM tiếp tục công văn hỏa tốc gửi UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức, ban quản lý các chợ truyền thống trên địa bàn TPHCM hướng dẫn chi tiết cách thức tổ chức hoạt động chợ để mở lại các chợ truyền thống cho người dân mua bán.

Xử lý găm hàng, nâng giá

Theo Bộ Công Thương, thời gian qua tại thị trường TPHCM có hiện tượng một số mặt hàng giá cao hơn bình thường và một số mặt hàng chưa đủ cung ứng cho nhu cầu cho người dân. Bộ Công Thương đang và sẽ tiếp tục làm việc các bộ, ngành liên quan cũng như các sở ngành của thành phố để tăng nguồn cung, đảm bảo giá cả hợp lý.

Quản lý thị trường kiểm tra tại siêu thị Co.op mart Bình Tân 2. Ảnh: Tổng Cục Quản lý thị trường

Với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 dẫn tới có những nơi thiếu hàng hóa cục bộ và giá cả có thể tăng hơn so với điều kiện bình thường đã chỉ đạo quyết liệt để xử lý nghiêm tất cả những hành vi đầu cơ, tăng giá bất hợp lý theo đúng quy định của pháp luật. Ngoài ra, Bộ Công Thương và các bộ, ngành, địa phương sẽ có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả để tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân.

Ngày 21-7, Tổng cục Quản lý thị trường cho hay Đoàn công tác Tổng cục Quản lý thị trường đã tiến hành kiểm soát, giám sát thị trường tại TPHCM và các tỉnh phía Nam.

Sáng ngày 21-7, Đoàn công tác đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Thành Nam, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường để nắm bắt địa bàn và nhận nhiệm vụ được giao. Theo đó, Đoàn công tác sẽ được chia thành 4 tổ hoạt động tại địa bàn TPHCM, Bình Dương và Đồng Nai. Sau buổi làm việc Đoàn công tác đã triển khai kiểm tra, giám sát nắm bắt tình hình thị trường tại các siêu thị trên địa bàn TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai.

Đoàn công tác có nhiệm vụ kiểm soát, giám sát thị trường trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp để tham mưu cho Tổng Cục trưởng chỉ đạo Cục Quản lý thị trường TPHCM và các tỉnh phía Nam tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng để đảm bảo lưu thông hàng hóa, chống hiện tượng găm hàng, nâng giá, ép giá, bán hàng kém chất lượng, Tổng Cục Quản lý thị trường cho hay.

 

Mời xem thêm:

Hàng hóa không thiếu nhưng kênh phân phối tắc nghẽn

Lái xe vận chuyển hàng hóa trong 19 tỉnh, thành phía Nam không cần giấy xét nghiệm Covid-19

Thêm nhiều lộ trình cho xe vận chuyển hàng hóa vào phía Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới