Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

TPHCM kỳ vọng sự chuyển biến mạnh mẽ từ các chương trình đột phá

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

TPHCM kỳ vọng sự chuyển biến mạnh mẽ từ các chương trình đột phá

Anh Quân – Lê Hoàng

(TBKTSG Online) – Đổi mới công tác quản lý; phát triển hạ tầng; phát triển nhân lực – văn hóa là ba chương trình đột phá được Đảng bộ TPHCM đặt ra trong nhiệm kỳ 2020-2025. Ngoài ra, việc phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực sẽ là chương trình trọng điểm của Thành phố cho nhiệm kỳ 5 năm tới.

TPHCM kỳ vọng sự chuyển biến mạnh mẽ từ các chương trình đột phá
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, phát biểu chỉ đạo đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh: Ban tổ chức Đại hội cung cấp

Xác định 4 chương trình phát triển mang tính đột phá

Để thực hiện mục tiêu phát triển thành phố giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030 và 26 chỉ tiêu phát triển chủ yếu nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ TPHCM xây dựng và thực hiện 4 chương trình đột phá và trọng điểm để thành phố phát triển nhanh và bền vững hơn.

Cụ thể về đổi mới công tác quản lý, theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, Thành phố sẽ chủ động xây dựng, kiên trì kiến nghị, triển khai các cơ chế, chính sách quản lý thành phố phù hợp đô thị đặc biệt, đầu tàu về nhiều mặt của cả nước.

TPHCM, nơi được xem là trung tâm tài chính của cả nước, sẽ đề xuất tỷ lệ điều tiết ngân sách thành phố phù hợp nhu cầu; hình thành và phát triển Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông gắn với thành lập thành phố Thủ Đức. Đáng chú ý là sẽ thực hiện nhanh chuyển đổi số, hoàn thiện chính quyền số, xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh.

Chương trình đột phá phát triển hạ tầng, với mục tiêu trọng tâm là phát triển đồng bộ và hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng nhằm tạo môi trường, điều kiện tốt để phát triển kinh tế – xã hội, kết nối các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gắn với bố trí, cơ cấu lại sản xuất và phân bố dân cư.

Đối với phát triển nhân lực và văn hóa, TPHCM với mục tiêu trọng tâm là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo đạt trình độ quốc tế ở 8 lĩnh vực (công nghệ thông tin – truyền thông; cơ khí – tự động hóa; trí tuệ nhân tạo; quản trị doanh nghiệp; tài chính – ngân hàng; y tế; du lịch; quản lý đô thị).

Thành phố sẽ phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), chuyển tiềm năng của nguồn nhân lực chất lượng cao thành những thành quả ứng dụng và sáng tạo khoa học công nghệ, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Với chương trình trọng điểm, thành phố sẽ phát triển đội ngũ doanh nghiệp khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, phát triển sản phẩm chủ lực ới mục tiêu trọng tâm là đồng hành và tích cực hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, nâng cao hiệu quả hợp tác các ngân hàng, tổ chức tài chính và Nhà nước để hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp và phát triển.

Ngoài ra, chú trọng phát triển sản phẩm và thương hiệu sản phẩm, nâng cao tỷ lệ cung ứng sản phẩm đặc trưng của thành phố trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Nghiên cứu và triển khai các chính sách hỗ trợ kinh tế chia sẻ, kinh tế số và kinh tế tuần hoàn. Theo ông Phong, giai đoạn tới, Thành phố sẽ tập trung phát triển để trở thành Trung tâm tài chính của khu vực và quốc tế.

Trong 5 năm tới, Thành phố đặt mục tiêu bình quân mỗi năm tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GRDP) 8-8,5%; duy trì tỷ trọng đóng góp ngành dịch vụ trên 60%; GRDP bình quân đầu người đến cuối năm 2025 đạt 8.500 – 9.000 đô la Mỹ; tỷ lệ thất nghiệp dưới 4%;…

Thủ tướng nêu yêu cầu về đào tạo, khoa học và công nghệ

Phát biểu tại Đại hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giá cao việc TPHCM đã cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, bốn chương trình phát triển TPHCM giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030.

"Đây cũng chính là một trong những điểm nổi trội, đặc biệt nhất, thể hiện sự đổi mới, sáng tạo và tinh thần quyết tâm cao, ý chí vươn lên mạnh mẽ của Đảng bộ, chính quyền Thành phố, đưa TPHCM hướng tới là một đại đô thị thông minh, năng động, sáng tạo với khả năng cạnh tranh và đẳng cấp khu vực, quốc tế trong tương lai không xa", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Chính phủ cơ bản tán thành các mục tiêu, quan điểm, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của bốn chương trình phát triển nêu trên của TPHCM.

Nhấn mạnh với vai trò đầu tàu, là động lực phát triển kinh tế của vùng và cả nước, theo Thủ tướng Nguyễn Xu6n Phúc, trên cơ sở thực hiện tốt, vận dụng sáng tạo các chủ trương của Đảng, Nhà nước, nhất là việc thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố, sớm khắc phục hiệu quả những hạn chế, bất cập, tiếp tục phát triển với chất lượng, tốc độ tăng trưởng cao hơn mức bình quân chung của cả nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (đứng giữa) nhấn mạnh, TPHCM cần khai thác hiệu quả thế mạnh của một trung tâm khoa học công nghệ và đào tạo quốc gia. Ảnh: Ban tổ chức Đại hội cung cấp

Thủ tướng chỉ đạo TPHCM cần tập trung làm tốt công tác xây dựng và thực hiện quy hoạch thành phố giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, trong đó cần xác lập vai trò hạt nhân phát triển của thành phố, gắn kết chặt chẽ với vùng đô thị TPHCM các vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, Đông Đồng bằng sông Cửu Long, bảo đảm kết nối hiệu quả, tạo đột phá phát triển trên các lĩnh vực và phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia.

Người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ đạo cần quyết liệt tháo gỡ những nút thắt đang cản trở sự phát triển thành phố như hạ tầng giao thông, nhân lực chất lượng cao, thủ tục hành chính, môi trường đầu tư, liên kết vùng,…

Thủ tướng đề nghị cần tập trung nguồn lực để xây dựng đô thị thông minh, đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông thành phố, trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, các đô thị vệ tinh ven đô, đồng thời đề xuất thí điểm các mô hình mới phù hợp thực tiễn phát triển Thành phố với tốc độ nhanh và bền vững.

Thủ tướng cũng cho rằng TPHCM cần đi tiên phong trong giải quyết các bài toán phát triển đặt ra đối với đất nước và các địa phương, đặc biệt là đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại ngành, lĩnh vực gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động, nâng cao sức cạnh tranh, huy động, sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực.

Bên cạnh đó, TPHCM cần khai thác hiệu quả thế mạnh của một trung tâm khoa học công nghệ và đào tạo quốc gia để nắm chắc thời cơ, không ngừng đổi mới sáng tạo và đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ để đi đầu trong lĩnh vực mới.

Đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, thúc đẩy mô hình, phương thức kinh doanh mới, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm, thương mại điện tử. Phát triển nhanh các ngành, các lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế, giá trị gia tăng và công nghệ hiện đại như công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ thông tin, logistics, tài chính, ngân hàng, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao.

"Thành phố cần tiếp tục đi đầu trong xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và giữ vững vai trò là trung tâm phát triển doanh nghiệp của cả nước", Thủ tướng nói, và chỉ đạo: "Đẩy mạnh cơ cấu lại, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đồng thời phát triển mạnh kinh tế tư nhân, các loại hình kinh tế tập thể, hợp tác xã, hình thành các tập đoàn, các doanh nghiệp quy mô lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh cao trong khu vực".

Người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý TPHCM cần chú trọng thu hút, chọn lọc các dự án FDI có công nghệ, giá trị gia tăng, thân thiện môi trường, có sức lan tỏa, kết nối cao với các khu vực kinh tế trong và ngoài nước. Đồng thời, thành phố cũng phải đi đầu trong việc tạo ra những cơ chế chính sách đột phá để huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực.

Cùng với cả nước, thành phố cần sớm có lời giải cho bài toán tháo gỡ các điểm nghẽn, các nút thắt để các nguồn lực rất lớn từ đất đai, từ xã hội, trong dân, từ các thành phần kinh tế và từ bên ngoài được giải phóng bung ra phát triển mạnh mẽ, đúng hướng, theo Thủ tướng. Trong đó cần đặc biệt chú trọng phát triển đồng bộ, hiệu quả các loại thị trường, nhất là thị trường tài chính, chứng khoán, lao động, khoa học công nghệ, bất động sản.

Điểm lại một số dấu ấn nổi bật của TPHCM nhiệm kỳ qua, Thủ tướng đánh giá thành phố đã phát huy truyền thống đoàn kết, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X đề ra như: tốc độ tăng trưởng bình quân trong 4 năm liên tiếp luôn hơn 7,7%, chiếm 22% tổng sản phẩm nội địa (GDP) cả nước; đóng góp 27% ngân sách quốc gia; thu nhập bình quân đầu người cao gấp 2,4 lần trung bình cả nước…

Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cũng cho rằng, thành phố vẫn còn nhiều hạn chế như: tăng trưởng chưa tương xứng với tiềm năng, vị trí; động lực tăng trưởng mới vẫn còn trên định hướng, chưa định hình rõ nét; quy hoạch đô thị chưa theo kịp tốc độ phát triển; khoa học – công nghệ chưa thực sự trở thành động lực phát triển; cải cách hành chính chưa được như mục tiêu; tinh thần dám nghĩ dám làm còn hạn chế…

Theo chương trình, Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025) kéo dài đến ngày 18-10.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới