Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

TPHCM: Linh hoạt để cấp sổ đỏ cho dân

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

TPHCM: Linh hoạt để cấp sổ đỏ cho dân

Mạnh Tùng

TPHCM: Linh hoạt để cấp sổ đỏ cho dân
Một  ngôi nhà xây sai phép tại huyện Hóc Môn bị cưỡng chế tháo dỡ. Ảnh: Mạnh Tùng

(TBKTSG Online) – Không phụ thuộc vào việc chủ đầu tư đã trả hết nợ cho ngân hàng hay chưa, người mua nhà ở đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với chủ đầu tư tại các dự án vẫn sẽ được cấp sổ đỏ.

Đây là chỉ đạo của ông Nguyễn Hữu Tín, Phó chủ tịch UBND TPHCM trong cuộc họp của UBND Thành phố về giải quyết việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người mua nhà tại các dự án trên địa bàn thành phố, diễn ra trong sáng 17-11.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Trưởng ban Kinh tế và Ngân sách HĐND Thành phố cho biết, trong phần lớn các cuộc tiếp xúc với người dân ở địa bàn khác nhau, ông đều nghe người dân than phiền tình trạng các dự án nhà ở đã hoàn thành, các hộ mua nhà đã trả gần hết tiền cho chủ đầu tư và nhận nhà để ở nhiều năm nay nhưng vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận (sổ đỏ). Đây là vấn đề nóng được cư dân tại nhiều chung cư trên địa bàn bức xúc trong thời gian qua.

Theo ý kiến của nhiều lãnh đạo các sở, ngành và quận, huyện trong cuộc họp, vấn đề trên liên quan đến mối quan hệ phức tạp giữa chủ đầu tư và ngân hàng, giữa chủ đầu tư và khách hàng. Nhưng cuối cùng, khách hàng bị đẩy vào thế không được cấp sổ đỏ dù họ đã đóng đủ tiền. Do đó, các vị này đề nghị thành phố gỡ vướng việc cấp giấy chứng nhận cho người dân tại cho một số trường hợp dự án cụ thể.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Tín cho rằng, việc tiếp cận từng dự án như đề xuất của các vị trên là khó khả thi, đồng thời việc cần làm là tháo gỡ cho tất cả người dân bị rơi vào tình trạng này thời gian qua.

Theo ông Tín, việc thế chấp giữa chủ đầu tư và ngân hàng là quan hệ dân sự giữa hai bên, trong đó chủ đầu tư có trách nhiệm phải trả nợ cho ngân hàng bằng tài sản của mình và ngân hàng có trách nhiệm cho vay phải kiểm soát được việc sử dụng nguồn vốn vay để đảm bảo thu hồi vốn.

Do đó, không thể để người dân khi đã thực hiện xong nghĩa vụ tài chính với chủ đầu tư mà không được cấp quyền sở hữu với căn nhà họ đã ở trong nhiều năm.

Từ đó, ông Tín chỉ đạo UBND các quận, huyện thông báo về việc cấp giấy chứng nhận cho các hộ đã mua nhà trong dự án cho chủ đầu tư và ngân hàng biết. Thông báo này được niêm yết công khai và gửi đến cho chủ đầu tư và ngân hàng đang nhận thế chấp cho chủ đầu tư vay vốn.

Trong vòng 15 ngày kể từ ngày ra thông báo, nếu các ngân hàng có ý kiến thì UBND quận, huyện hướng dẫn ngân hàng và chủ đầu tư xử lý phần nợ và tài sản thế chấp theo hướng chỉ thế chấp phần tài sản thuộc sở hữu của chủ đầu tư. Nếu ngân hàng không có ý kiến thì UBND quận, huyện tiến hành thủ tục cấp giấy chứng nhận cho người dân.

Đối với các hộ chưa đóng cho chủ đầu tư khoản tiền 5% còn lại của giá mua căn hộ, UBND các quận, huyện sẽ đứng ra thu số tiền này để cấp giấy chứng nhận (theo thông lệ, người mua nhà được giữ lại khoảng 5% giá trị hợp đồng và sẽ nộp số tiền này cho chủ đầu tư khi được cấp sổ đỏ – BT). Trong trường hợp ngân hàng có ý kiến đồng ý thì số tiền này sẽ được chuyển vào tài khoản của ngân hàng cho chủ đầu tư. Nếu ngân hàng không có ý kiến thì số tiền sẽ được chuyển vào Kho bạc nhà nước tạm giữ.

Cũng theo chỉ đạo của ông Tín, đối với các trường hợp các dự án bị các cơ quan có thẩm quyền ngăn chặn để đảm bảo thi hành án do chủ đầu tư mắc nợ cũng giải quyết tương tự.

Đồng thời, các nội dung chỉ đạo trên sẽ được UBND Thành phố báo cáo, đề nghị Bộ Tư pháp cho ý kiến.

Liên quan đến những vi phạm xây dựng trong các công trình nhà ở của người dân, ông Tín cho rằng, vấn đề này đang diễn biến phức tạp dưới nhiều hình thức khác nhau. Tuy nhiên, quan điểm của ông Tín là không nên quá máy móc trong việc giải quyết vấn đề mà cần linh hoạt để cấp giấy chứng nhận cho dân. 

Theo đó, nếu các lỗi về xây dựng của người dân mà không ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng chung, không vi phạm quy hoạch đô thị thì cơ quan chức năng nên linh hoạt hợp thức hóa cho người dân. Ông Tín ví dụ, nếu nhà dân xây sai khoảng lùi nhưng vẫn nằm trong khuôn viên nhà họ thì cũng nên linh hoạt cấp giấy chứng nhận. "Đây không phải là hợp thức hóa vi phạm hay khuyến khích chuyện vi phạm mà là gỡ khó cho người dân. Bây giờ dân đã ở rồi, tháo dỡ được không, đập phá được không?”, ông Tín nói.

Mời đọc thêm:

>> TPHCM: 34.000 nhà, đất mua bán giấy tay sẽ được cấp sổ

>> Nhà ở dưới 7 tầng không cần giấy phép xây dựng

>> Bộ Tài nguyên và Môi trường: Chậm cấp sổ đỏ, lỗi do chủ đầu tư

>> Bộ trưởng Bộ TN-MT: vẫn còn nhũng nhiễu trong cấp sổ đỏ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới