Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

TPHCM: Lo ngại khí thải cực độc từ các lò đốt rác

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

TPHCM: Lo ngại khí thải cực độc từ các lò đốt rác

Văn Nam

(TBKTSG Online) – Theo kế hoạch, trong 5-10 năm tới TPHCM sẽ có gần 10 nhà máy xử lý rác bằng công nghệ đốt phát điện. Bên cạnh những tiện ích từ công nghệ đốt mang lại, đã có ý kiến lo ngại về sự độc hại của khí thải đối với sức khỏe cộng đồng nếu những tiêu chuẩn về môi trường của dự án không được kiểm soát chặt chẽ.

TPHCM: Lo ngại khí thải cực độc từ các lò đốt rác
Một lò đốt chất thải tại TPHCM. Ảnh: Văn Nam

Tại hội nghị chuyên đề kêu gọi đầu tư xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt – phát điện diễn ra tại TPCHM hôm 26-11, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Toàn Thắng cho biết khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh mỗi ngày tại thành phố khoảng 8.700 tấn, thành phần chủ yếu trong rác thải là chất thải thực phẩm, với tỷ lệ khá cao từ 60-80%. 

Hiện nay, chất thải rắn được thu gom, vận chuyển về hai khu liên hợp xử lý chất thải của thành phố để xử lý là Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước – Bình Chánh tiếp nhận 5.500 tấn/ngày và Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc Củ Chi tiếp nhận 3.100 tấn/ngày.

Ông Thắng cho biết, lượng chất thải rắn sinh hoạt dự báo sẽ tăng 5% mỗi năm, lên đến gần 13.000 tấn/ngày vào năm 2025. Trong thời gian tới thành phố cần kêu gọi đầu tư thêm 2-3 nhà máy đốt rác phát điện; chất thải rắn nguy hại cần thêm 1 nhà máy xử lý; chất thải rắn y tế cũng cần thêm 1 nhà máy xử lý. Việc ứng dụng công nghệ đốt phát điện của các nhà máy xử lý rác hiện hữu và những dự án mới trong thời gian tới sẽ giúp thu được nguồn năng lượng tái tạo dự kiến gần 200 MW vào năm 2025.

Phát biểu tại hội nghị sáng nay, ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng TPHCM cần đề ra tiêu chí về hiệu suất xử lý rác thành điện trong việc đấu thầu kêu gọi nhà đầu tư. 

Ông Đông nói xử lý bụi than của một nhà máy đốt than phát điện là một vấn đề phức tạp và để xử lý khói, bụi của một nhà máy đốt rác phát điện còn phức tạp, hơn đòi hỏi quy trình kiểm soát rất chặt chẽ.

Tại hội nghị sáng nay với sự tham dự của gần 40 nhà đầu tư mong muốn tham gia vào dự án đốt rác phát điện tại thành phố và đã có nhiều nhà đầu tư, nhà khoa học trình bày về công nghệ đốt rác phát điện tại hội nghị.

Sau khi nghe các nhà đầu tư trình bày, ông Đặng Huy Đông đề nghị các cơ quan quản lý môi trường tại TPHCM cần xem xét rất kỹ lưỡng về công nghệ, các chỉ số về khí thải, khói thải của một dự án đốt rác phát điện trước khi chấp thuận cho nhà đầu tư triển khai trên thực tế.

"Chẳng hạn có nhà khoa học cho rằng với nhiệt độ từ 600 – 850 độ C mà xử lý hết được dioxin và furan thì không ổn, tôi đề nghị xem lại. Thứ hai nữa một số nhà đầu tư tuyên bố công nghệ thải khí thải ở nhiệt độ từ 200 – 500 độ C là rất đáng quan tâm bởi theo tiêu chuẩn của Việt Nam và cả tiêu chuẩn quốc tế là khí thải ở đầu ống khói trên độ cao 18 mét theo quy định là phải dưới 80 độ C trong thời gian không quá 5 giây, nếu vượt qua tiêu chuẩn này thì tất cả những thành phần dioxin và furan còn tồn tại lại trong khói sẽ trở thành những chất độc hại vĩnh cửu, không phân hủy trong môi trường gây hại cho sức khỏe con người", ông Đông cảnh báo.

Trao đổi với TBKTSG Online bên lề hội nghị sáng nay, ông Phan Trí Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Công nghệ Petech cho biết thêm: về nguyên tắc muốn giảm khí thải độc hại từ việc đốt rác thì nhiệt độ đốt phải trên 1.200 độ C. Trong đó, nếu sử dụng công nghệ đốt Plasma thì sẽ cho nhiệt độ từ 2.000 – 4.000 độ C mới triệt tiêu được khí thải nguy hại.

"Nếu không sử dụng công nghệ cao, hiện đại hoặc nhà đầu tư bị lỗ thì sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng đốt gian dối, mà đốt gian dối thì khí thải độc hại sẽ là nguy cơ cực cao. Thống kê cho thấy Việt Nam hiện có khoảng 100 lò đốt rác, như vậy lượng khí thải độc hại có thể cao gấp 100 lần tiêu chuẩn cho phép", ông Dũng chia sẻ và khẳng định nếu TPHCM không lựa  chọn công nghệ hiện đại và phù hợp thì mối nguy từ khí thải độc hại từ các lò đốt sẽ cực kỳ lớn.

Xem thêm:

>> Hơn 30 doanh nghiệp muốn làm dự án điện từ rác

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới