Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

TPHCM “mổ xẻ” những chỉ tiêu bị tụt hạng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

TPHCM “mổ xẻ” những chỉ tiêu bị tụt hạng

Văn Nam

TPHCM
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong (phải) và Phó chủ tịch UBND thành phố Lê Văn Khoa. Ảnh: Văn Nam

(TBKTSG Online) – Chuyện xảy ra vừa qua tại quán cà phê Xin Chào ở Bình Chánh tác động rất lớn đến môi trường kinh doanh và đầu tư của thành phố. Trên phạm vi rộng hơn, nhiều chỉ số liên quan đến hoạt động doanh nghiệp và người dân như tính minh bạch, chi phí không chính thức tụt hạng.., cảnh báo các sở ngành, quận huyện thành phố phải sớm có giải pháp cụ thể cải thiện môi trường đầu tư.

Trên đây là một số nội dung được ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM, nêu ra tại cuộc họp với các sở, ngành, quận, huyện tại cuộc họp về tình hình kinh tế xã hội 4 tháng diễn ra sáng nay, 28-4.

Tại cuộc họp, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện dành thời gian góp ý liên quan đến các chỉ tiêu mà thành phố bị đánh giá tụt hạng trong năm 2015 vừa qua.

Theo ông Phong, trong năm 2015 theo đánh giá của VCCI, thành phố có nhiều chỉ số thành phần trong chỉ số đánh giá chung như chỉ số tiếp cận đất đai, chỉ số về chi phí thời gian, chỉ số thiết chế pháp lý của thành phố có tăng nhưng không đáng kể.

Trong khi đó, các chỉ số cạnh tranh bình đẳng và chỉ số hỗ trợ doanh nghiệp giữ nguyên. Riêng các chỉ số gia nhập thị trường từ 61 tụt còn 62, chỉ số minh bạch từ hạng 4 tụt xuống 17, chỉ số chi phí không chính thức từ 42 rơi xuống 54, chỉ số năng động từ 50 tụt xuống còn 51, đào tạo lao động từ 5 tụt xuống 6.

“Thảm hại nhất là chỉ số về tính minh bạch của thành phố từ hạng 4 rơi xuống hạng 17 và chỉ số chi phí không chính thức từ 42 xuống 54”, ông Phong nêu hai chỉ số tụt hạng đáng suy ngẫm.

Chưa kể, trong chỉ số “hiệu quả quản trị và hành chính công”, thành phố xếp hạng 47 trong 63 tỉnh thành với 5/6 chỉ số thành phần bị tụt giảm (5 chỉ số giảm gồm chỉ số sự tham gia của người dân cấp cơ sở, chỉ số công khai minh bạch, trách nhiệm giải trình với người dân, kiểm soát tham nhũng khu vực công và chỉ số cung ứng dịch vụ công), ông Phong liệt kê thêm các chỉ số thành phần bị tụt hạng.

Mới đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố có báo cáo cho thường trực UBND thành phố các giải pháp cải thiện các chỉ số tụt hạng nêu trên nhưng theo ông Phong, các giải pháp của Sở Kế hoạch và Đầu tư nêu ra còn quá chung chung, chưa cụ thể.

“Do vậy, trong hội nghị hôm nay, tôi muốn giao cho các quận, huyện, từng sở, ngành đề ra các giải pháp cụ thể hơn, trên tinh thần chúng ta phải chỉ ra được những việc gì cụ thể. Dự kiến trong buổi làm việc ngày mai, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chúng ta đưa ra những cam kết, ví dụ thuế trước đây mấy ngày xong thì bây giờ giảm xuống bao nhiêu ngày, doanh nghiệp đăng ký giấy phép giảm thời gian ra sao”, ông Phong đề nghị. 

Vừa qua, chuyện xảy ra ở Bình Chánh (quán cà phê Xin Chào – PV) gây ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của thành phố ghê gớm, ông Phong nêu thêm.

Ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng UBND thành phố, cho biết chuyện công khai minh bạch là chuyện phải làm, thậm chí các cơ chế chính sách cần phải tham khảo xem tác động đến doanh nghiệp, người dân như thế nào trước khi ban hành, đây là điều phải làm. Tuy nhiên, xét theo các chỉ số đánh giá của VCCI nói trên thì theo ông Hoan, người dân vẫn chưa hài lòng, có thể người dân, doanh nghiệp chưa nắm được chính quyền làm được gì.

Vậy nên, quan hệ giao tiếp giữa người dân, doanh nghiệp với chính quyền địa phương thế nào cần được mổ xẻ thêm, cán bộ cơ sở chính là những người trực tiếp làm việc với dân, đây đó vẫn còn thái độ “xin – cho”… nên dẫn đến người dân lo lắng, thông qua các “quan hệ” khác để giải quyết chuyện dân cần.

“Cần phải xem cán bộ mình có làm đúng hay không, từng cơ quan phải rà soát lại. Ngoài ra, từng cơ quan trong các sở ngành vẫn có mối quan hệ díc-dắc, có một việc mà có nhiều phòng ban giải quyết dẫn đến tình trạng ai xử lý cũng được và cuối cùng không ai chịu xử lý, cứ đưa qua đưa lại riết cuối cùng thủ trưởng phải đứng ra giải quyết”, ông Hoan nêu thực trạng.   

Đại diện UBND Quận 1 đề nghị theo quy định thì một tháng chính quyền tổ chức tiếp dân một lần, nhưng trên thực tiễn người dân lúc cần lại không gặp được, do vậy cần tổ chức tiếp dân thường xuyên hơn chứ không cần phải theo lịch định kỳ.

Bức tranh kinh tế khả quan hơn

Theo UBND TPHCM, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tính chung 4 tháng đầu năm 2016 đạt 230.850 tỉ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 4 tháng so với cùng kỳ tăng 0,68%.

Trong lĩnh vực du lịch, lượng khách quốc tế đến thành phố trong 4 tháng đạt gần 1,8 triệu lượt, tăng 14% so với cùng kỳ, tổng doanh thu ngành du lịch thành phố đạt gần 34.000 tỉ đồnng với mức tăng doanh thu 7% so cùng kỳ.

Về tài chính ngân hàng, UBND thành phố nhận định thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên địa bàn ổn định và tăng trưởng tốt, huy động vốn và dư nợ tín dụng đều tăng so với cuối năm 2015 và tăng cao so với cùng kỳ.

Cụ thể, tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố đến cuối tháng 4 đạt 1.633.000 tỉ đồng, tăng 4,2% so với cuối năm 2015 và tăng gần 22% so với cùng kỳ. Trong đó tiền gởi Việt Nam đồng tiếp tục tăng trưởng nhanh hơn ngoại tệ và chiếm tỉ trọng cao trong tổng nguồn vốn huy động – chiếm đến 85,3% tổng nguồn vốn huy động.

Tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố đến cuối tháng 4 đạt 1.285.000 tỉ đồng, tăng 4,3% so với cuối năm 2015 và tăng hơn 16% so với cùng kỳ. Tỉ lệ nợ xấu đến cuối tháng 2-2016 tăng nhẹ so với đầu năm, chiếm 3,96% trong tổng dư nợ và tăng 0,04 điểm phần trăm so với cuối năm 2015.

Về phát triển công nghiệp, chỉ số phát triển công nghiệp thành phố 4 tháng ước tăng 6,2% so cùng kỳ, trong đó một số ngành tăng cao như sản xuất đồ uống tăng gần 15%, trang phục tăng gần 11%, sản phẩm từ khoáng phi kim loại tăng 18,3%, điện tử, máy tính và sản phẩm quang học tăng 10%.

Theo ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố, trong những tháng tới thành phố tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng đối thoại với doanh nghiệp qua nhiều hình thức, giám sát biến động giá cả, cung – cầu hàng thiết yếu, đẩy nhanh tiến độ các công trình, triển khai bảy chương trình đột phá, tập trung kết nối các nhà khoa học với doanh nghiệp, có giải pháp bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống dịch bệnh…

Theo Sở Tài chính thành phố, trong 4 tháng thành phố thu ngân sách đạt 98.572 tỉ đồng, bằng 33% dự toán và tăng 4,5% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa tăng gần 16% nhưng thu từ dầu thô tiếp tục giảm gần 43% và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm gần 4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đại diện Sở Tài chính thành phố nhận định do hoạt động sản xuất kinh doanh, làm ăn của doanh nghiệp cải thiện nên tác động tốt đến nguồn thu ngân sách thành phố, đặc biệt là nguồn thu nội địa. Trong khi đó, một yếu tố tác động "ngược chiều" đến nguồn thu ngân sách thành phố 4 tháng là việc thực hiện theo lộ trình giảm thuế quan theo các hiệp định thương mại khiến thu xuất nhập khẩu giảm, và thu từ xăng dầu giảm.

Xem thêm:

>> Thách thức lớn với TPHCM

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới