TPHCM: Một số chỉ tiêu kinh tế – xã hội không đạt kế hoạch
Kinh Luân
![]() |
Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải chỉ đạo chính quyền Thành phố phải thực hiện nghiêm các “chương trình đột phá” mà Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ IX đã đề ra nhằm bảo đảm các chỉ tiêu kinh tế – xã hội Ảnh: Kinh Luân |
(TBKTSG Online) – Phân bổ vốn đầu tư kịp thời và hiệu quả cho các công trình trọng điểm, đặc biệt là nguồn vốn ODA; tạo thêm nguồn cung hàng hóa – dịch vụ; đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc nền kinh tế; và từng bước giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông… đó là 4 trong số 6 “chương trình đột phá” mà chính quyền TPHCM sẽ phải thực hiện trong thời gian tới.
Chiều nay (2-12), khi phát biểu tổng kết hội nghị Thành ủy lần thứ 2 (khóa IX), ông Lê Thanh Hải, Bí thư Thành ủy TPHCM đã nhấn mạnh 2 nhiệm vụ quan trọng khác là “đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế” và “nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để phục vụ yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.
Theo báo cáo của UBND TPHCM trình lên Hội nghị, từ đầu năm đến nay đã giải ngân được 3.600 tỉ đồng, chiếm tỉ lệ 75% tổng số vốn ODA cho 2010- trong đó phần vốn đối ứng là khoảng 600 tỉ. Hiện nay tại Thành phố có 24 dự án ODA đang triển khai, tổng giá trị đầu tư là gần 59.000 tỉ đồng, trong đó có 3 dự án đã hoàn thành và đang theo dõi trả nợ.
Tại hội nghị, đa số ủy viên đã nhất trí với nhận định: Kết quả mà TPHCM đạt được trong năm nay không tương xứng với khả năng và nguồn lực vốn có. Theo đánh giá của Thành ủy thì một số chỉ tiêu kinh tế – xã hội chưa đạt chỉ tiêu đề ra, cụ thể là tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu, chỉ số giá tiêu dùng, tỉ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch ở khu vực đô thị, tỉ lệ cơ sở sản xuất gây ô nhiễm mội trường… Hai vấn nạn mang tính thời sự là tình trạng ngập nước và sụt lún mặt đường sau khi thi công các công trình ngầm cũng được nhấn mạnh tại hội nghị.
Tuy nhiên, cũng có một số thành tựu đáng ghi nhận. Tổng sản phẩm nội địa (GDP) tăng 11,5% so với 2009, gấp 1,71 lần tốc độ tăng trưởng của cả nước, trong đó khu vực dịch vụ tăng gần 12%, công nghiệp – xây dựng tăng 11,3%… Tổng vốn đầu tư toàn xã hội cũng tăng 20,1%, trong khi cơ cấu kinh tế của TPHCM vẫn đang chuyển dịch đúng hướng, tăng dần tỉ trọng các ngành dịch vụ cao cấp và công nghiệp ứng dụng công nghệ cao.